Với những căn hộ có giá 10 - 14 triệu đồng m2, người mua phải trả cả trăm triệu đồng cho “cò”.
Khách mua nhà chung cư tại dự án ở Linh Đàm bị “cò” hét giá chênh cả trăm triệu đồng. Ảnh: Ngọc Mai.
Theo quy định, để được vay ngân hàng với lãi suất 6%/năm từ gói 30.000 tỷ đồng, khách hàng phải mua nhà với diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nhưng trong thực tế, tìm được những dự án đáp ứng cả hai điều kiện này là việc khó như lên trời. Gần như kiệt sức sau khi dành cả tháng trời lùng sục toàn bộ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ tại Hà Nội, thậm chí cả những dự án ở khu giáp ranh với các tỉnh khác, chị Bích Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) buộc phải chấp nhận sự thật là phải tạm gác giấc mộng mua được nhà từ sự hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Chị Hằng cho biết, các dự án đủ điều kiện như Phúc Thịnh Tower (Hoài Đức, Hà Nội), CT6 Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), OCT2 (Từ Liêm, Hà Nội)… có giá dưới 15 triệu đồng/m2, nhưng cách trung tâm 15 - 20 km. Các doanh nghiệp khẳng định, giao dịch thành công từ những dự án này không nhiều. Thông tin về dự án chung cư VP5 Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), công bố giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70m2 khiến chị Hằng và không ít người có thu nhập vừa phải vui mừng vì đây là hai điều kiện quan trọng để có thể vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Nhưng khi tìm hiểu thực tế, chị Hằng mới biết các căn hộ đã bán hết veo qua các sàn giao dịch cho các nhà đầu tư thứ phát. Ngay sau đó, “cò” vòng ngoài sàn giao dịch Mường Thanh hét giá chênh lệch 125-200 triệu đồng/căn. Một “cò” cho biết, bản thân các sàn mua lại từ chủ đầu tư cũng chịu giá chênh 50 triệu đồng/căn nên bán giá chênh ra bên ngoài để kiếm chút lời. Nếu với mức giá chênh như vậy, giá căn hộ tại VP5 Linh Đàm bị đội lên thành 17 - 18 triệu đồng/m2, không rẻ so với thị trường. “Nếu vay được ngân hàng với lãi suất 6%/năm, nhưng cộng thêm số tiền chênh 200 triệu thì số tiền lãi trả hằng tháng khiến vợ chồng trẻ như chúng tôi không chịu nổi”, chị Hằng tính toán. “Khi hỏi mua căn hộ diện tích 61,5 m2 thì chủ đầu tư trả lời không còn căn nào. Còn “cò” hét giá chênh tới 120 triệu đồng. Nếu chấp nhận, giá căn hộ tôi định mua đội lên thành 17 triệu đồng/m2, không rẻ trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng, trong khi dự án đến năm 2015 mới bàn giao nhà”, anh Nguyễn Nam (Hà Đông, Hà Nội) cho biết. Ngoài dự án VP5 Linh Đàm, còn có dự án chung cư Kim Văn, Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) mới được mở bán cách đây 3 tháng với giá 12 - 14 triệu đồng/m2. Nhưng thời điểm hiện tại, khách hàng muốn mua căn hộ tại dự án đều phải trả tiền chênh 80 - 120 triệu đồng/căn. Với mức tiền chênh này, dù có được vay vốn từ ngân hàng, người mua không được lợi gì vì phần lãi suất được hỗ trợ từ Nhà nước chảy vào túi “cò”. Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đất Xanh miền Bắc, nói rằng, mức giá các dự án ở các quận nội thành dù giảm giá hết cỡ vẫn phải trên 17 triệu đồng/m2, trong khi tiến độ triển khai chậm. Với mức giá thấp hơn, không có chủ đầu tư nhà thương mại nào dám làm vì cầm chắc lỗ. “Có những dự án triển khai từ mấy năm trước với giá 16 triệu đồng/m2, nay chủ đầu tư hạ xuống dưới 15 triệu đồng/m2, quảng cáo rầm rộ kèm theo nhiều chính sách khuyến mãi, tặng quà nhưng khách hàng vẫn chê vì dự án ở xa”, ông Quyết cho biết.
Lợi dụng kẽ hở
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng bản chất là hỗ trợ người mua nhà, các chủ đầu tư chỉ được “ăn theo” 30% số tiền trong gói này. Nhưng dường như các doanh nghiệp đang được ưu đãi hơn người dân cả về chính sách cũng như lượng tiền vay. “Người dân muốn vay được tiền thì phải ký hợp đồng mua nhà trước với chủ đầu tư. Trong khi những dự án có mức giá dưới 15 triệu đồng/m2 ở vị trí gần rất hiếm. Điều này vô hình trung tạo kẽ hở cho nhà đầu tư thứ phát (thực chất là đầu cơ) và chủ đầu tư dự án ở vị trí trung tâm có thể đẩy giá lên cao bằng chiêu bán lòng vòng qua trung gian”, ông nói. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng, mức giá chênh trên 100 triệu đồng/căn hộ trong lúc thị trường ảm đạm hoàn toàn là chiêu của chủ đầu tư. “Đây là một chiêu lách luật khá khéo của chủ đầu tư dự án ở vị trí hợp lý đánh vào tâm lý khách hàng. Người tiêu dùng nên tỉnh táo”, vị này nói. Trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Duy, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho hay, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nên Bộ khó có thể can thiệp. Giá có nhiều yếu tố quyết định nhưng thực tế, nếu khách hàng muốn chọn dự án ở gần mà giá rẻ là điều bất khả thi. “Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, chủ đầu tư phải tính toán làm sao dự án thu hút được khách hàng. Khách hàng muốn giá hợp lý phải chịu cách xa trung tâm là điều bình thường”, ông Duy nói. Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết đã đề xuất danh mục đợt đầu gồm 30 dự án nhà ở xã hội để ngân hàng xem xét cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân mua nhà ở. Trong danh sách này chỉ có 4 dự án của doanh nghiệp nhà nước, còn lại là dự án của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước nhưng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.
Lợi dụng kẽ hở
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng bản chất là hỗ trợ người mua nhà, các chủ đầu tư chỉ được “ăn theo” 30% số tiền trong gói này. Nhưng dường như các doanh nghiệp đang được ưu đãi hơn người dân cả về chính sách cũng như lượng tiền vay. “Người dân muốn vay được tiền thì phải ký hợp đồng mua nhà trước với chủ đầu tư. Trong khi những dự án có mức giá dưới 15 triệu đồng/m2 ở vị trí gần rất hiếm. Điều này vô hình trung tạo kẽ hở cho nhà đầu tư thứ phát (thực chất là đầu cơ) và chủ đầu tư dự án ở vị trí trung tâm có thể đẩy giá lên cao bằng chiêu bán lòng vòng qua trung gian”, ông nói. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng, mức giá chênh trên 100 triệu đồng/căn hộ trong lúc thị trường ảm đạm hoàn toàn là chiêu của chủ đầu tư. “Đây là một chiêu lách luật khá khéo của chủ đầu tư dự án ở vị trí hợp lý đánh vào tâm lý khách hàng. Người tiêu dùng nên tỉnh táo”, vị này nói. Trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Duy, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho hay, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nên Bộ khó có thể can thiệp. Giá có nhiều yếu tố quyết định nhưng thực tế, nếu khách hàng muốn chọn dự án ở gần mà giá rẻ là điều bất khả thi. “Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, chủ đầu tư phải tính toán làm sao dự án thu hút được khách hàng. Khách hàng muốn giá hợp lý phải chịu cách xa trung tâm là điều bình thường”, ông Duy nói. Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết đã đề xuất danh mục đợt đầu gồm 30 dự án nhà ở xã hội để ngân hàng xem xét cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân mua nhà ở. Trong danh sách này chỉ có 4 dự án của doanh nghiệp nhà nước, còn lại là dự án của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước nhưng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.
Theo Ngọc Mai – Phạm Tuyên (Tiền Phong)