1,2 triệu là số lượt đăng nhập của khách hàng trên ứng dụng VPBank mỗi ngày trong 9 tháng đầu năm 2019, tương đương bình quân 13,88 người “gõ cửa” vào hệ thống điện tử của ngân hàng mỗi giây trôi qua. Con số trên cao hơn 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này có được một phần nhờ mở rộng cơ sở khách hàng, từ 5,6 triệu khách hàng hồi cuối quý III-2018 lên 6,3 triệu khách hàng sau một năm. Nhưng điều cốt yếu lại đến từ chiến lược phát triển sâu mà nhà băng này đang theo đuổi.
Số liệu cập nhật từ VPBank cho biết trung bình một khách hàng số sử dụng 3 sản phẩm ngân hàng. Số lượng giao dịch trên mỗi khách hàng mỗi tháng tăng trưởng đến 120% so với cùng kỳ năm trước. Tương tác của khách hàng dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng khi chiến lược số mà ngân hàng này nhắm đến còn mở ra việc liên kết với các ứng dụng khác trong một hệ sinh thái mở.
Tại một cuộc gặp các nhà phân tích đầu tháng 11-2019, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, không giấu được hào hứng khi nói về phân khúc chiến lược này của ngân hàng. Ông cho biết mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ (retail) đã mang về 900 tỷ đồng cho VPBank năm ngoái. Trong năm nay, mức lợi nhuận này ước tính sẽ tăng gấp đôi.
Khách hàng giao dịch tại VPBank
“Năm trước, tăng trưởng dư nợ trong mảng bán lẻ chỉ đạt khoảng 10%, nhưng việc tái cơ cấu đã giúp lợi nhuận tăng mạnh. Tương tự trường hợp FE Credit chỉ có thể bắt đầu tăng tốc từ năm 2014, mảng bán lẻ của VPBank cũng cần phải vượt một qua ngưỡng nhất định”, CEO VPBank chi tiết thêm.
Theo ông Vinh, năm 2020, VPBank dự kiến sẽ tăng 20% danh mục ở mảng bán lẻ, đưa mảng kinh doanh này trở thành khối mang lại lợi nhuận lớn nhất trong năm tới, không kể FE Credit.
Ông Vinh nhiều lần nhắc tới cơ hội của ngành ngân hàng thông qua quá trình số hóa, đặc biệt với các ngân hàng theo đuổi chiến lược bán lẻ như VPBank. Với lượng khách hàng của cả ngân hàng mẹ và FE Credit, ông khẳng định mô hình truyền thống không có cách gì để đạt hiệu quả.
Sau 9 tháng đầu năm, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) của ngân hàng mẹ giảm còn 36,4% từ mức 42,7% hồi đầu năm. Chi phí hoạt động (OPEX) được cải thiện rõ rệt. Công nghệ còn đang được tận dụng để gắn kết hoạt động kinh doanh với trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để tạo ra chuyển đổi kinh doanh.
Ngoài ra, trong khi các bộ phận khác tập trung vào các khách hàng hiện hữu để tăng bán chéo và tối đa sản phẩm sử dụng mỗi khách hàng, kênh ngân hàng số đang được kỳ vọng giúp ngân hàng mở rộng thêm thị phần khách hàng.
Sự phát triển theo chiều sâu thấy rõ qua giao dịch thẻ tín dụng khi tăng trưởng giá trị giao dịch luôn vượt trội tốc độ tăng số thẻ lưu hành. Số liệu đến quý II-2019 cho thấy trong khi lượng thẻ lưu hành của VPBank tăng gấp rưỡi, giá trị tiêu dùng của các chủ thẻ tăng được gần 66% so với cùng kỳ năm trước.
Hay tại dịch vụ VPBank Diamond dành riêng cho khách hàng ưu tiên, sau hơn một năm ra mắt, phân khúc này đang trở thành động lực tăng trưởng bền vững cho ngân hàng. Bên cạnh việc đóng góp 75% vào huy động khối KHCN, đây cũng là nhóm khách hàng tăng tưởng mạnh số dư tiền gửi không kỳ hạn (tăng 43% so với cùng kỳ) và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ (tăng 28% so với cùng kỳ).
Phát triển theo chiều sâu ở các phân khúc còn giúp VPBank đi đều được ở các mảng. Vị CEO của ngân hàng nhận định VPBank có thể chưa là ngân hàng hàng đầu về lợi nhuận nhưng sự phát triển được đảm bảo hài hòa và cân bằng.
Ngay ở riêng mảng bán lẻ, danh mục cho vay phân bổ đều với tỷ trọng cho vay mua nhà hiện chiếm 29%, cho vay tín chấp là 25%, cho vay ô tô cũng đang chiếm 15%… Với danh mục cân bằng không phụ thuộc vào nhóm thị trường nào, theo vị thuyền trưởng của nhà băng, đây sẽ là yếu tố quan trọng khi mở rộng hoạt động, giúp VPBank có thể yên tâm hơn.