Vụ 149 người ngộ độc thực phẩm: Có vi khuẩn Salmonella trong bánh mì

(PLO)- Trong bánh mì thịt của cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12 phát hiện có vi khuẩn Salmonella, nguyên nhân khiến 149 người ngộ độc thực phẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến vụ 149 người ở Đồng Tháp nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì thịt, ngày 16-8, tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết kết quả kiểm nghiệm cho thấy trong bánh mì thịt của cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12 có vi khuẩn Salmonella (trong pa tê gan).

Trước đó, vào chiều 6-8, nhân viên của cơ sở bánh mì trên giao 33 ổ bánh mì thịt cho công ty Công ty TNHH may túi xách Thái Dương để công nhân ăn tăng ca.

Đến khoảng 7-9 giờ ngày 7-8, nhiều công nhân có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, phải nhập viện điều trị.

Sau đó, có thêm nhiều công nhân khác cũng có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm phải nhập viện.

Từ ngày 7 đến 12-8, tiếp tục có thêm người nhập viện (không phải công nhân của Công ty TNHH may túi xách Thái Dương) tại 6 cơ sở y tế.

ngộ độc thực phẩm bánh mì ở đồng tháp
1 người đang điều trị tại bệnh viện sau ăn bánh mì thịt của cơ sở Hồng Ngọc 12. Ảnh: HD

Tổng cộng có 149 người nhập viện điều trị với các triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm: đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Những người này đều ăn bánh mì thịt do cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 cung cấp, tập trung vào khung giờ từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ ngày 6-8.

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm do các đơn vị điều trị thực hiện đối với các bệnh nhân nhập viện có 29/51 bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Đến 17 giờ ngày 15-8, đã có 142 ca xuất viện, còn 7 ca đang điều trị tiếp tục với sức khoẻ ổn định.

Tổ điều tra ngộ độc thực phẩm của Trung tâm Y tế TP Hồng Ngự lấy 5 mẫu thực phẩm gồm: chả lụa, jambon (chả đỏ), pa tê gan, xúc xích tỏi, dưa chua (làm từ củ cải trắng), gửi đến Trung tâm Kiểm định và kiểm nghiệm Đồng Tháp xét nghiệm các chỉ tiêu.

Kết quả, 1/5 mẫu pa tê gan phát hiện có vi khuẩn Salmonella (tỉ lệ 20%).

Ngay sau khi sự việc xảy ra, TP Hồng Ngự đã kiểm tra, lập biên bản đối với loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm và loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại cơ sở bánh mì.

Theo đó, cơ sở còn một số tồn tại, vi phạm như: thiếu một số hợp đồng nguyên liệu; tủ bày bán thức ăn không có trang bị dụng cụ chống sự xâm nhập của côn trùng, động vật gây hại; quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; thiếu một số hợp đồng mua nguyên liệu.

Đáng chú ý, sau khi sự việc xảy ra, ngày 7-8 cơ sở bánh mì Hồng Ngọc chỉ ngừng kinh doanh bánh mì thịt, vẫn còn bán bánh bông lan, bánh mì lạt, bánh mì ngọt. Đến khoảng 9 giờ 30 phút ngày 8-8 cơ sở mới ngừng toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đề nghị UBND thành phố Hồng Ngự thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh - cơ sở sản xuất bánh mì - Hồng Ngọc 12 do đã gây ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Trong đó, cần nghiên cứu hành vi bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định với mức phạt từ 80-100 triệu đồng.

Đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3-5 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi thực phẩm; tiêu hủy thực phẩm và chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm và các điều thỏa thuận khi có phát sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm