Vụ 231 cái tát dưới cái nhìn của các chuyên gia

Vụ việc học sinh HLN lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) bị cô giáo chủ nhiệm phạt bằng cách bắt 23 bạn học tát em liên tiếp 230 cái đang gây rúng động dư luận. Hiện Công an huyện Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hành hạ người khác.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng nhận định về hành vi của cô giáo và góp ý về hướng giải quyết hiệu quả, thấu lý đạt tình cho vụ việc gây bức xúc dư luận này.

PGS-TS TRẦN XUÂN NHĨ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT:

Vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo

Ở góc độ giáo dục, hành vi của cô giáo là hành động vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, không thể chấp nhận được. Vì vậy tôi hy vọng ngành giáo dục sẽ xử lý hành vi này một cách nghiêm khắc để răn đe đối với các giáo viên khác.

Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó Trưởng ban Dân nguyện:

Cần tuyên truyền để học sinh xử lý đúng

Trong việc này nhà trường cần thể hiện vai trò của mình. Chuyện đã xảy ra, việc cần làm bây giờ là các trường cần tuyên truyền, giáo dục lại học sinh khi đối diện với sự việc tương tự. Dù giáo viên có bắt buộc làm điều gì đó nhưng các em cần phân biệt được đâu là việc làm đúng đắn, đâu là sai trái không nên làm theo. Nếu bị bức ép, các em hãy mạnh dạn báo cho nhà trường để xử lý.

Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: MINH QUÊ

Ông NGUYỄN VĂN NGAI, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:

Phạt sao để cô giáo cải thiện bản thân

Dù với bất cứ lý do gì, cách phạt của cô giáo này cũng hoàn toàn sai trái, thể hiện sự thiếu kiềm chế trong giáo dục. Cần rà soát lại quá trình công tác của cô T., xem xét cô đã từng có những hành vi phản sư phạm chưa, từng bị nhắc nhở chưa. Điều quan trọng là phải khiến cô ấy nhận ra cái sai của mình để cải thiện tốt hơn.

Cách xử lý cần nghiêm minh để chính cô T. sửa chữa bản thân, qua đó các giáo viên khác rút ra bài học cho mình. Mức độ kỷ luật cần xem xét nhiều yếu tố như quá trình giảng dạy của cô, thái độ sau sự việc có thành khẩn không, có khả năng khắc phục hay không.

TÔ THỊ DIỄM QUYÊN, cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft:

Sự bất lực của giáo viên

Một người giáo viên khi phải dùng đến bạo lực là chứng tỏ họ bất lực, không có kỹ năng giải quyết vấn đề, càng không thể dạy cho học sinh điều đó. Khi giáo viên không có phương pháp giảng dạy, không có kỹ năng kiểm soát hành vi của chính mình thì sẽ rất nguy hại cho học sinh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả giảng dạy phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người dạy và người học. Khi thầy cô dùng tình yêu với học sinh, thầy cô sẽ truyền được cảm hứng cho các em. Người thầy truyền được cảm hứng là người thầy vĩ đại.

Ở đây giáo viên dùng bạo lực còn lôi kéo những đứa trẻ khác dùng bạo lực. Trong trường tát bạn, ra xã hội các em sẽ hành động nguy hiểm hơn. Nhân cách của thầy cô quan trọng hơn kiến thức thầy cô có. Thầy cô phải là người giáo dục chứ không phải chỉ để giảng bài.

Luật sư BÙI QUỐC TUẤN (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Phải xử lý hình sự!

Hành vi của cô T. được diễn ra nhiều lần, diễn ra với nhiều người (áp dụng hình phạt tát với 11 em tổng cộng 901 cái), ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của cháu N. và cả những học sinh khác trong lớp. Hành vi gây phẫn nộ trong dư luận, phản giáo dục và đã có dấu hiệu của tội hành hạ người khác. Vụ án đã được khởi tố, cơ quan chức năng cần sớm khởi tố bị can để làm gương cho những người khác trong giai đoạn tình hình bạo lực học đường, xâm hại trẻ em thường xuyên diễn ra.

Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em yêu cầu chấn chỉnh bạo lực học đường

Vụ 231 cái tát dưới cái nhìn của các chuyên gia ảnh 2
Ông Đặng Hoa Nam

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về vụ việc này, ông Đặng Hoa Nam (ảnh), Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng những trẻ em liên quan chắc chắn sẽ bị tổn thương lớn về tâm lý.

Theo ông Nam, vụ việc vừa qua ở Trường Tiểu học Duy Ninh xảy ra vào thời điểm ngay gần ngày 20-11 nên càng gây phản cảm, phản giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Thay vì phải yêu thương, giáo dục học sinh thì vị giáo viên này lại dùng những em học sinh khác trong lớp để bạo hành chính bạn của mình, gây tổn thương lớn về tâm lý của em học sinh bị tát cũng như các học sinh là bạn cùng lớp đã tát em. Vụ việc này không chỉ có vấn đề ở phương pháp sư phạm, đạo đức nghề giáo mà còn cho thấy tâm lý của giáo viên cũng bất bình thường.

Do đó, ngành giáo dục cần phải tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường để thực hiện nghiêm túc Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường) và Chỉ thị 18/CT-TTh của Thủ tướng Chính phủ (về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em). Ngành giáo dục cần quan tâm hơn đến vấn đề tâm lý trong học đường cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Về mặt luật pháp, ông Nam cho rằng hành vi của cô T. đã xúc phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác (cụ thể ở đây là cháu N.) mới chỉ 11 tuổi, đang ở độ tuổi mới lớn, ở độ tuổi phát triển mạnh về tâm sinh lý. Vì vậy, khi xử lý không chỉ xử lý nghiêm khắc trong ngành giáo dục mà cơ quan chức năng cần vào cuộc để xem xét xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

HỮU ĐĂNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm