Vụ việc cô NTPT - giáo viên lớp 6 Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) phạt học sinh lớp mình bằng hình thức bắt các bạn trong lớp tát liên tiếp vào mặt cháu HLN tổng cộng 231 cái làm cháu N. phải nhập viện thu hút nhiều ý kiến chuyên gia luật.
Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: MINH QUÊ
Vấn đề pháp lý liên quan là có thể khởi tố hình sự cô giáo về tội hành hạ người khác hay không?
Phải xử lý hành chính về hành vi xúc phạm nhân phẩm
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân cũng được quy định tại Điều 34 BLDS 2015.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn, trong vụ này, nếu hành vi của cô T. chưa đến mức xử lý hình sự về tội làm nhục người khác cũng như tội hành hạ người khác thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình…). Theo đó, cô giáo có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nếu có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Về dấu hiệu của tội làm nhục người khác, ThS Đinh Hà Minh (giảng viên khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: “Để cấu thành tội danh này thì hành vi của cô T. phải là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thể hiện thông qua lời nói sỉ nhục, thô bỉ, tục tĩu… hoặc bằng những hành vi bỉ ổi đối với người bị hại trước đám đông. Ngoài ra cần phải đưa cháu N. đi giám định mức độ tổn thương ảnh hưởng tới tâm lý tới mức nào thì mới có cơ sở để xác định”.
ThS Minh nhận định rằng thông thường thì những trường hợp như thế này, nhà trường sẽ đưa ra hình thức kỷ luật đối với giáo viên vi phạm. Kèm theo đó, nhà trường tổ chức một buổi làm việc để cô T. thương lượng trong việc hỗ trợ cho gia đình cháu N. một khoản tiền chữa trị, thuốc men để khắc phục hậu quả.
Có căn cứ để khởi tố cô giáo tội hành hạ người khác
Theo luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cô T. đã có hành vi đối xử tàn ác đối với cháu N. là một cháu bé đang độ tuổi mới lớn và còn là một người lệ thuộc vào mình về mặt tinh thần (cô T. là giáo viên chủ nhiệm của cháu N.). Việc cô đã buộc (và cùng với học sinh) trong lớp tát tổng cộng 231 cái vào mặt khiến cháu N. nhập viện gây ra sự đau đớn về thể xác và tinh thần cho cháu N.
Luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Việc đối xử tàn ác này chưa đến mức nghiêm trọng để truy cứu đến tội cố ý gây thương tích (cháu N. chỉ bị vùng má sưng tím, tổn thương phần mềm phía ngoài, há miệng hạn chế). Tuy nhiên, hành vi của cô T. đã xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của cháu N.
Hành vi của cô T. được thực thực hiện với lỗi cố ý và thực hiện đối với một người có quan hệ lệ thuộc vào mình, bởi cô T. là giáo viên chủ nhiệm của cháu N. Do đó, dựa vào hành vi và hậu quả thì có căn cứ để khởi tố vụ án về tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS.
Tuy nhiên, luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TP.HCM, lại cho rằng: “Tuy cô T. có dấu hiệu của tội hành hạ người khác nhưng nếu để xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô là quá nặng. Bởi về mặt ý thức chủ quan cô T. chỉ muốn răn đe học sinh trong lớp, không có mục đích làm nhục hay hành hạ cháu N.”.
Một số chuyên gia luật khác cũng cho rằng phải khởi tố một giáo viên là điều rất đau lòng không ai mong muốn bởi nghề giáo là một nghề cao quý. Tuy nhiên, với cách hành xử của cô giáo như vậy, nếu đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì cần một hình thức chế tài nặng để răn đe chung cho những trường hợp khác, góp phần cải thiện môi trường giáo dục còn quá nhiều tồn tại hiện nay.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 19-11 cháu HLN, học sinh lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh, có nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo T. đã đưa ra hình thức phạt bằng cách bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp N. mỗi người 10 cái. Nếu bạn nào tát nhẹ, người bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái nên N. bị tát rất mạnh. Tổng số học sinh 27 cháu, có ba cháu quên vở bài tập phải về nhà nên không tham gia phạt tát N. Khi bị tát cái cuối cùng, N. vừa khóc vừa đau buột miệng nói tục, cô T. đứng cạnh đã tát thêm một cái, tổng số N. bị tát 231 cái khiến N. nhập viện trong tình trạng hai má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Đến sáng 23-11, N. đã ra viện nhưng chưa trở lại trường học vì tâm lý không ổn định. Lý giải hành động của mình, cô T. cho rằng nhà trường đang xây dựng chuẩn mức độ 2, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo. Trong khi đó, thành tích lớp 6/2 thường xuyên ở cuối bảng nên cô bị áp lực. Ngày 19-11, lớp cô chủ nhiệm bị cờ đỏ phát hiện tới mấy lỗi nên trong lúc nóng giận cô đã không bình tĩnh xử lý. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh tạm đình chỉ công tác đối với cô T. Hiện nay cô T. đã bị tạm đình chỉ công tác. ----------------------- Tội hành hạ người khác (theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) “1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này (về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình-PV), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên; c) Đối với 02 người trở lên.” |