Vụ 39 thi thể ở Anh trên diễn đàn Quốc hội

Ngày 4-11, Quốc hội (QH) nghe và thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng. Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu (ĐB) đã đề cập đến vụ 39 người chết trong container tại Anh và bày tỏ sự đau xót.

Chưa đấu tranh hiệu quả

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, nói: “Cả thế giới bàng hoàng với vụ 39 người chết trong container tại Anh. Chúng ta càng đau xót hơn khi biết tin trong số nạn nhân có người Việt Nam, cũng có thể tất cả nạn nhân đều là người Việt Nam. Xin chia buồn với các gia đình nạn nhân”.

ĐB Cường bày tỏ sự căm phẫn đối với những kẻ phạm tội mua bán người, tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Ông cũng nhận định nạn buôn người, đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn thế giới và là vấn đề không dễ giải quyết.

ĐB Cường đánh giá cao các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời có hành động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các vấn đề liên quan, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân. “Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng những kẻ phạm tội sẽ bị phát hiện và trừng trị kịp thời, gia đình các nạn nhân sẽ được giúp đỡ để vượt qua nỗi đau này” - ông nói.

Theo ông, thực trạng người Việt Nam đi lao động nước ngoài chui không phải vấn đề mới. Mỗi năm hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức nhưng số lao động Việt làm việc thực tế tại nước ngoài lớn hơn nhiều. Từ chỗ tự nguyện đi lao động chui, họ bị lợi dụng, ép buộc, phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ, làm việc phi pháp và trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.

“Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa đấu tranh hiệu quả để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây mua bán người, các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” - ông nói và đề nghị cần có các giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, trao đổi với Bộ trưởng Công an Tô Lâm bên hành lang Quốc hội. Ảnh: ĐỨC MINH

“Không phải tội buôn người”

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cũng nhìn nhận sự việc 39 người chết ở Anh là rất đau lòng, là một thảm họa nhân đạo gây chấn động dư luận quốc tế trong thời gian qua. “Tôi chia buồn sâu sắc tới các gia đình người bị hại” - ông nói.

ĐB Cầu nói tội danh gì trong vụ 39 người tử vong trong container do luật pháp phía Anh xác định, còn theo pháp luật Việt Nam thì đó không phải là tội buôn người mà là hành vi có dấu hiệu của tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Điều 349 BLHS.

“Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án và đến nay chúng tôi đã bắt giữ tám người liên quan đến đường dây này” - ông nói.

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, ông thông tin thêm: Từ ngày 23-10, khi có thông tin về 39 người chết thì Công an tỉnh Nghệ An đã khai thác thông tin trên mạng xã hội, qua bà con Việt kiều và nghi vấn có người ở Việt Nam. Đến ngày 27-10, chuyên án đã được lập và trinh sát đã vào cuộc.

“Trong quá trình đấu tranh đó, đến ngày 2-11, chúng tôi nghe lại tình hình và thấy rằng cần phải khởi tố vụ án để ngăn chặn những người này bỏ trốn. Cho nên chúng tôi lập được danh sách khoảng chín người nghi vấn, sau đó chúng tôi khởi tố vụ án” - tướng Cầu cho biết. Ông cho hay là ngày 2-11, công an bắt giữ người đầu tiên và đến hôm sau thì bắt tiếp bảy người. “Hiện những người bị bắt giữ đều khai nhận tất cả hành vi về đưa người sang bên đó” - ông nói và cho biết những người bị bắt không nói là đưa bao nhiêu người sang đó nhưng rõ ràng họ có liên quan. “Cái này chúng tôi công bố sau. Nhưng những người chúng tôi bắt giữ là có căn cứ và đúng pháp luật” - ông khẳng định.

Ông Cầu cũng nhận định: Ở Anh có những công việc làm có thể có thu nhập như làm móng tay, chân, phục vụ nhà hàng, khách sạn. “Có người nói là sang để trồng “cỏ”, có chuyện đó chứ không phải là không. Nếu biết sang Anh để trồng “cỏ” hoặc đi chui lủi thì chắc chắn gia đình không cho con mình đi. Bởi đi như vậy là bỏ ra số tiền rất lớn và rủi ro rất lớn nên họ không bao giờ cho con mình làm chuyện đó… Vì vậy cần phải hết sức chia sẻ với các gia đình nạn nhân chứ đừng quy kết họ một cách không có căn cứ.

“Đây không phải là vấn đề buôn người. Bởi những người đó ra nước ngoài làm ăn, họ nộp tiền. Không ai bỏ ra 1 tỉ để cho người khác buôn mình cả, mà là tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép. Những người Việt Nam sang Anh, rồi từ Anh tạo điều kiện đưa người Việt Nam sang và ở lại đó trái pháp luật thì dứt khoát phải xử lý” - ông nói.

Đoàn công tác của Bộ Công an đang làm việc bên Anh

Trao đổi bên hành lang QH, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay là ngày 3-11, đoàn công tác của Bộ Công an đã sang Anh nhưng chưa làm việc được vì là Chủ nhật.

“Hôm nay thứ Hai, cơ quan chức năng hai bên sẽ làm việc với nhau. Bộ Công an đã chỉ đạo những công việc chính và trong ngày sẽ có báo cáo đầu tiên gửi về” - ông nói.

Ông cho hay ưu tiên nhất là cần nhanh chóng xác nhận danh tính vì thông tin là có rất nhiều người Việt Nam. Đoàn mang theo rất nhiều tài liệu liên quan tới các trường hợp gia đình báo mất tích để đối chiếu với bên Anh, nhằm có kết luận sớm rồi cùng với bên Anh giải quyết.

Việc tiếp theo là nếu có người Việt Nam thì phải tập trung làm công tác bảo hộ công dân để giải quyết các hậu quả có thể xảy ra. Cùng với đó là đấu tranh phòng chống tội phạm, trước mắt phải ngăn chặn các loại tội phạm này.

“Bây giờ việc này là điều tra quốc tế rồi. Phải điều tra, có kết luận sớm, vạch trần tội phạm, đưa những đối tượng tham gia việc này ra xét xử. Hiện nay Bộ Công an đã có chỉ đạo khởi tố một số vụ án và phát hiện, bắt giữ một số đối tượng có liên quan” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng cũng cho biết cần phải ổn định được cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có ở Anh. Vì trước tình hình này thì hiện nay cảnh sát một số nước có tiến hành truy quét. “Chúng tôi có đề nghị chính phủ các nước tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, không gây xáo động” - Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Bộ trưởng cũng đề nghị báo chí trong nước và quốc tế cần đưa tin chính xác, không suy diễn về vụ việc. Nếu cần thiết có thể phối hợp với Bộ Công an, cơ quan chức năng để xác minh, trao đổi cho thông tin rõ ràng. Về việc một số gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã nhận được thông báo của cảnh sát Anh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện phía Việt Nam vẫn đang phối hợp để rà soát. Trong trường hợp xác định những nạn nhân là người Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm nói theo sự bàn bạc của Chính phủ thì Chính phủ sẽ phối hợp để đưa thi hài những người xấu số đó trở về nước theo đúng luật pháp của Việt Nam, Anh và thông lệ quốc tế.

C.LUẬN - Đ.MINH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm