Ngày 26-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án hối lộ và vi phạm đấu thầu xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC.
Đề nghị xem xét chuyển tội danh
Trước đó, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt ông Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, 10-11 năm tù về tội nhận hối lộ.
VKS cáo buộc ông Thành với cương vị bí thư Tỉnh ủy đã có sự tác động đến cấp dưới để từ đó Công ty AIC được tạo điều kiện trúng 16 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại dự án BV đa khoa tỉnh Đồng Nai. Ông Thành còn nhiều lần nhận hối lộ từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch Công ty AIC) với tổng số tiền 14,5 tỉ đồng.
Bị cáo Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Ảnh: CTV |
Tham gia bào chữa, luật sư (LS) đề nghị HĐXX xem xét thay đổi tội danh cho cựu bí thư tỉnh Đồng Nai sang tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. LS cho rằng thời điểm ông Thành nhận tiền từ bà Nhàn là trước khi diễn ra đấu thầu thiết bị y tế ở dự án BV đa khoa tỉnh Đồng Nai. Bước vào giai đoạn đấu thầu, ông Thành không có chỉ đạo gì để Công ty AIC được trúng các gói thầu.
Vẫn theo LS, để xác định ông Thành nhận hối lộ thì phải xem bị cáo là người có quyền hạn, có thể thực hiện được theo mục đích của người đưa hối lộ hay không. Căn cứ hồ sơ và lời khai của ông Thành, mục đích mà bà Nhàn đưa tiền cho cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là để Công ty AIC trúng thầu. Thế nhưng ông Thành với vai trò bí thư thì không có quyền hạn trong việc để Công ty AIC trúng thầu, cá nhân ông cũng không phải thành viên trong ban chỉ đạo dự án…
Thêm vào đó, với số tiền nhận từ bà Nhàn, ông Thành chủ yếu dùng làm từ thiện và đến nay đã khắc phục toàn bộ nên cần được hưởng khoan hồng nhằm thể hiện sự nhân văn của chính sách pháp luật.
LS cũng viện dẫn ông Thành tuổi cao, nhiều bệnh, đề nghị HĐXX cho thân chủ của mình được hưởng bản án thể hiện sự khoan hồng đặc biệt, để bị cáo có thể rút ngắn thời gian thụ án, sớm trở về đóng góp cho xã hội và giáo dục con cháu đừng đi theo vết xe đổ của mình.
Tương tự, bào chữa cho bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu giám đốc Sở KH&ĐT, bị VKS đề nghị 4-5 năm tù), LS cũng đề nghị chuyển tội danh cho thân chủ từ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
LS cho rằng cựu giám đốc Sở KH&ĐT không có động cơ vụ lợi trong vụ án, chỉ vì muốn kịp xin vốn ngân sách từ trung ương để sớm thực hiện xây dựng BV đa khoa tỉnh Đồng Nai. Việc nhận 1 tỉ đồng từ Công ty AIC là do đơn vị này chủ động mang đến chứ bị cáo không đặt vấn đề hay gợi ý…
Theo VKS, ông Trần Đình Thành nhiều lần nhận hối lộ từ bà Nhàn, tổng cộng 14,5 tỉ đồng và đã tác động đến cấp dưới để AIC trúng 16 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại dự án BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Bị cáo từ Mỹ gửi tiền về khắc phục hậu quả
Vụ án này có tám bị cáo đang bị truy nã, xét xử vắng mặt, trong đó có Nguyễn Đăng Thuyết (giám đốc Công ty Thành An Hà Nội). Ông Thuyết bị VKS đề nghị phạt 3-4 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bào chữa cho bị cáo Thuyết, LS cho rằng thân chủ của mình đã có bản tường trình gửi từ Mỹ về tòa án Hà Nội. Trong đơn, bị cáo cho hay mình xuất cảnh hợp pháp trước khi vụ án khởi tố nên không phải bỏ trốn. Hiện bị cáo phải giám hộ cho hai con nhỏ theo học tại Mỹ, vụ án được đưa ra xét xử quá gấp nên không kịp thu xếp thời gian về Việt Nam.
Theo LS, vì bị cáo Thuyết đã nói tôn trọng kết quả điều tra, truy tố và xét xử của cơ quan tố tụng nên sẽ không tranh luận về tội danh cũng như khung hình phạt mà VKS đề nghị. Dù vậy, LS mong muốn HĐXX cân nhắc một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Trong đó, từ Mỹ, bị cáo Thuyết đề nghị gia đình mang hơn 1,9 tỉ đồng đến Công ty Thành An Hà Nội để nhờ nộp khắc phục hậu quả. Đây cũng là toàn bộ số tiền mà ông Thuyết bị cáo buộc hưởng lợi từ hành vi làm “quân xanh, quân đỏ” cho Công ty AIC. Công ty Thành An Hà Nội đã nộp và gửi biên lai cho tòa. “Điều này cho thấy bị cáo đã thành khẩn, ăn năn hối cải” - LS nói.
Ngoài ra, đây là vụ án đồng phạm với số lượng doanh nghiệp “quân xanh” rất nhiều, Công ty Thành An Hà Nội chỉ là một trong số đó. Thực tế công ty được hưởng lợi 1,9 tỉ đồng trong tổng thiệt hại 152 tỉ đồng. Sự hưởng lợi với tỉ lệ thấp như trên thể hiện vai trò của bị cáo là thứ yếu trong vụ án…
Bị cáo đang bị truy nã nói sẽ quay về chấp hành án?
Vụ án này, tám trong 36 bị cáo bị phát lệnh truy nã và xét xử vắng mặt, trong đó có Đỗ Mỹ Hạnh (chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa).
Trong bản luận tội, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bà Hạnh 6-7 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo buộc, bà Hạnh ký khống 13 báo giá thiết bị để chuyển cho đơn vị thẩm định giá, sau đó Công ty AIC và “quân đỏ” trúng 13 gói thầu theo các báo giá này gây thiệt hại hơn 128 tỉ đồng, qua đó hưởng lợi hơn 1,2 tỉ đồng.
Bào chữa cho bà Hạnh, LS cho hay thân chủ của mình sẽ có “tâm thư” gửi tới HĐXX. Nguyện vọng của bà Hạnh là “sẽ quay về chấp hành bản án và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.
Vẫn theo LS, tại Công ty AIC, việc gian lận thầu được lập quy định theo “quy trình 70 bước” do bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch, đang bỏ trốn) thiết lập. Trong quy trình này, hành vi của bà Hạnh chỉ là tiểu tiết khi ký báo giá giúp Công ty AIC. Bị cáo cũng không biết báo giá được sử dụng vào mục đích gì.
LS còn cho rằng bà Hạnh có vai trò giúp sức nhưng chỉ là thứ yếu, bởi có Công ty Cát Vân Sa hay không, có bị cáo Hạnh hay không thì việc gian lận thầu vẫn diễn ra, mọi thứ đã được lập trình sẵn. Vì thế, LS đề nghị VKS cân nhắc lại mức án đã đề nghị, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.