Vụ Alibaba: Cần giám đốc thẩm nội dung về 58 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

(PLO)- Trước giao dịch về quyền sử dụng đất giữa các bị cáo và 58 người liên quan, không có giao dịch nào về các quyền sử dụng đất này bị tòa án tuyên bố vô hiệu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đã công nhận các thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bị cáo và 58 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời tuyên trả lại đất cho 58 người này.

Căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm

Theo HĐXX sơ thẩm, “đối với đề nghị của 58 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã thỏa thuận, ký kết với các bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và Trịnh Minh Pháp, mặc dù các quyền sử dụng đất này đều có nguồn gốc từ tiền chiếm đoạt của các bị hại; tuy nhiên tại thời điểm thỏa thuận, ký kết hợp đồng, các thửa đất đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, thỏa thuận chuyển nhượng là tự nguyện, ngay tình và đã thanh toán từ 50% đến 100%.

Nguyễn Thái Luyện cùng vợ phải liên đới bồi thường hơn 2.446 tỉ đồng cho 4.548 bị hại. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Nguyễn Thái Luyện cùng vợ phải liên đới bồi thường hơn 2.446 tỉ đồng cho 4.548 bị hại.
Ảnh: HỮU ĐĂNG

Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 133 BLDS 2015, HĐXX công nhận thỏa thuận chuyển nhượng nói trên, trả lại đất cho 58 người liên quan. Tuy nhiên, các trường hợp trên đều chưa được thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng, do đó có nghĩa vụ thanh toán phần còn lại của hợp đồng vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Sau khi thực hiện xong, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ giải tỏa kê biên và hủy bỏ việc ngăn chặn giao dịch đối với các thửa đất này để họ thực hiện đăng bộ sang tên và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định”.

Khi giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng tòa án cấp sơ thẩm tuyên giao đất cho các trường hợp này là không có căn cứ. Tuy nhiên, do các trường hợp này không có kháng cáo nên HĐXX phúc thẩm đề nghị TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo điểm c khoản 1 Điều 326 BLTTDS 2015, một trong các căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm là “có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 371 BLTTHS quy định một trong các căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm là “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.

Tách riêng phần dân sự để giải quyết triệt để

Các vấn đề dân sự trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba nên được tách ra khỏi vụ án hình sự để giải quyết triệt để theo thủ tục dân sự.

Cần giám đốc thẩm nội dung liên quan đến việc tòa án cấp sơ thẩm cho 58 người liên quan nhận đất, như đề xuất của HĐXX phúc thẩm.

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI

Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật

Trên cơ sở quy định về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm này, theo tôi, cần kháng nghị giám đốc thẩm như đề nghị của HĐXX phúc thẩm:

Thứ nhất, tòa sơ thẩm căn cứ khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 để công nhận các giao dịch chuyển nhượng là không phù hợp. Bởi lẽ Điều 133 BLDS về “bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” được áp dụng để xử lý hậu quả pháp lý của một giao dịch trước đó vô hiệu khi tài sản là đối tượng của giao dịch bị tuyên vô hiệu được chuyển giao cho người khác bằng giao dịch kế tiếp (về cùng tài sản).

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trường ĐH Luật TP.HCM

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trường ĐH Luật TP.HCM

Trong vụ án này, trước giao dịch về quyền sử dụng đất giữa các bị cáo và 58 người liên quan, không có giao dịch nào về các quyền sử dụng đất này bị tòa án tuyên bố vô hiệu nên việc tòa án sơ thẩm áp dụng Điều 133 BLDS là có sai lầm trong áp dụng pháp luật.

Thứ hai, giao dịch giữa các bị cáo và 58 người liên quan là giao dịch về quyền sử dụng đất nên theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì “phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.

Do việc chuyển nhượng giữa các bị cáo và 58 người liên quan chưa được đăng ký nên chưa có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, việc chuyển nhượng chưa có hiệu lực đối kháng với chủ thể khác nên họ có thể ngăn chặn việc chuyển nhượng. Việc tòa sơ thẩm quyết định theo hướng trên làm cản trở việc ngăn chặn này.

Thứ ba, không chỉ 58 người liên quan bị ảnh hưởng. Còn rất nhiều bị hại bị liên lụy bởi các hành vi của các bị cáo nên nếu để 58 người liên quan được nhận đất thì sẽ tạo ra bất bình đẳng với những bị hại.

Tòa sơ thẩm tuyên “buộc tiếp tục thanh toán… để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của bị cáo” nhưng khoản tiền còn lại mà 58 người này thanh toán không đủ để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường của các bị cáo vì số tiền phải bồi thường là hơn 2.446 tỉ đồng với 4.548 bị hại.

Vợ chồng Nguyễn Thái Luyện phải liên đới bồi thường hơn 2.446 tỉ đồng

Ngày 19-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.

HĐXX tuyên y án chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giảm từ 30 năm tù xuống còn 23 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội rửa tiền đối với vợ bị cáo Luyện.

Các bị cáo còn lại, kể cả các bị cáo không kháng cáo đều được HĐXX tuyên giảm từ một đến hai năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, hai bị cáo này phải liên đới bồi thường hơn 2.446 tỉ đồng cho 4.548 bị hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm