Y án chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện vụ Alibaba

(PLO)- Bị cáo chủ mưu Nguyễn Thái Luyện bị tuyên phạt y án sơ thẩm (chung thân), vợ Luyện được giảm 7 năm tù, các bị cáo còn lại được giảm nhẹ từ 1-2 năm tù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm thực hiện.

Theo đó, HĐXX đã tuyên bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thái Luyện, y án chung thân đối với bị cáo này.

Đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai, HĐXX tuyên phạt 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 7 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 23 năm (giảm 7 năm so với án sơ thẩm).

Các bị cáo còn lại được tuyên giảm từ 1-2 năm tù so với bản án sơ thẩm.

Theo HĐXX, có đủ cơ sở pháp lý để kết luận Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Alibaba hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đồng thời. bị cáo này còn chỉ đạo thành lập 22 công ty trực thuộc rồi giao cho người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị tuyên y án chung thân. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị tuyên y án chung thân. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Sau đó, Luyện chỉ đạo người thân và nhân viên thân tín đứng ra mua số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đó, các cá nhân này sẽ lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do chính Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ dự án không có thật, tự đưa ra các kích thước phân lô, tách thửa trái quy định rồi ký hợp đồng mua bán và thu tiền của khách hàng.

Đối với việc bị cáo Luyện đề nghị tách số tiền tăng thêm 300 tỉ đồng (số tiền mà các bị hại yêu cầu tăng thêm so với án sơ thẩm tuyên) để giải quyết bằng một vụ án dân sự là không có căn cứ vì số tiền này nằm trong danh sách những bị hại theo như cáo trạng VKS đã truy tố trước đó và không vượt quá phạm vi xét xử của phiên toà phúc thẩm.

Đối với kháng cáo của các bị hại yêu cầu nhận đất, xét thấy toàn bộ diện tích đất mà bị cáo Luyện mua xuất phát từ số tiền bị cáo này chiếm đoạt của các bị hại và cần kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án nên không có cơ sở để xem xét yêu cầu nhận đất.

Đối với phần diện tích đất đang kê biên là tài sản của vợ chồng bị cáo Luyện, Mai do các bị cáo khác đứng tên dùm thì sau khi các bị cáo Luyện, Mai bồi thường xong trách nhiệm cho các bị hại được xác định trong vụ án này và cả các bị hại khác chưa được xác định trong vụ thì phần còn lại giao cho Luyện và Mai.

Đối với 58 trường hợp được phiên toà sơ thẩm tuyên cho nhận đất, HĐXX phúc thẩm xét thấy, mặc dù đã thực hiện thủ tục công chứng sang tên nhưng những thửa đất này có được do hành vi phạm tội mà có nên toà án cấp sơ thẩm tuyên giao đất cho các trường hợp này là không có căn cứ. Tuy nhiên, do các trường hợp này không có kháng cáo nên đề nghị TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại phiên phúc thẩm, trong phần tranh luận đại diện VKS đã đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) với mức án đề nghị là từ 25-27 năm tù cho cả hai tội (sơ thẩm tuyên 30 năm tù) vì bị cáo này có người tự nguyện khắc phục thay số tiền 6,2 tỉ đồng.

Đối với một số bị cáo khác tự nguyện nộp số tiền từ 10-50 triệu đồng cũng được đại diện VKS đề nghị giảm mức án từ 1-3 năm tù so với bản án sơ thẩm tuyên.

Còn đối với bị cáo Luyện, mặc dù đã được ông Lê Viết An tự nguyện nộp số tiền 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả nhưng bị cáo này vẫn bị VKS đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm (mức án chung thân).

Trước khi mở phiên toà xét xử phúc thẩm có ba bị cáo là Vi Thị Hiến, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trịnh Minh Pháp tự nguyện rút đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX đã đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo này.

Trong quá trình diễn ra phiên toà phúc thẩm, ba bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai và Phan Ngọc Nguyên không còn kêu oan mà thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm