Vụ Nguyễn Thái Luyện Alibaba: Diễn biến 'không bất ngờ' quanh việc xin trả thay 2.400 tỉ đồng

(PLO)- Bị cáo Võ Thị Thanh Mai thông tin rằng sau khi được chủ tọa giải thích, ông Lê Viết An cảm thấy bỏ ra số tiền lớn 2.400 tỉ đồng mà rủi ro cao nên đã rút lại đề nghị trả thay Nguyễn Thái Luyện này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).

Vợ bị cáo Luyện không còn kêu oan

Sau nhiều ngày vắng mặt vì lý do sức khỏe, hôm qua bị cáo Võ Thị Thanh Mai (được tại ngoại, vợ bị cáo Luyện) đã có mặt tại phiên tòa để tham gia xét hỏi.

Trả lời trước HĐXX, bị cáo Mai thừa nhận hành vi phạm tội đối với cả hai tội lừa đảo và rửa tiền; thay đổi yêu cầu kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt.

Nguyễn Thái Luyện cho rằng tài sản bị kê biên có giá trị thực tế cao hơn kết quả định giá. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Nguyễn Thái Luyện cho rằng tài sản bị kê biên có giá trị thực tế cao hơn kết quả định giá.
Ảnh: HỮU ĐĂNG

Mai trình bày rằng toàn bộ tài sản của gia đình đã bị kê biên hết nên hiện nay chưa bồi thường cho bị hại nào, cũng như không có khả năng để khắc phục hậu quả.

Đáng chú ý, tại tòa, bị cáo Mai trình bày rằng ông Lê Viết An (một người làm ăn chung) đã tự nguyện nộp 12 tỉ đồng khắc phục hậu quả cho Mai để mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt trong tội rửa tiền. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin từ phía bị cáo Mai, HĐXX vẫn chưa làm việc với ông An về số tiền 12 tỉ đồng này.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt Mai 20 năm tù về tội lừa đảo, 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Về nguồn gốc số tiền 12 tỉ đồng này, khi Công ty Alibaba bị khám xét, chồng và em chồng bị tạm giam, Mai đã chỉ đạo chuyển toàn bộ tiền gốc và lãi 13,9 tỉ đồng trong một sổ tiết kiệm vào tài khoản cá nhân của Mai. Sau đó, Mai chuyển khoản cho Nguyễn Thái Lực (em trai của Luyện), rồi Lực rút tiền đưa lại Mai. Mai dùng 1,7 tỉ đồng tất toán khoản vay, 12 tỉ đồng còn lại Mai sử dụng.

Xét số tiền này có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, tòa sơ thẩm buộc Mai và ngân hàng nộp lại.

Rút lại đề nghị trả thay 2.400 tỉ vì rủi ro cao

Cũng liên quan đến ông Lê Viết An, trong phiên xét xử ngày 9-5, chủ tọa phiên tòa đã công bố thông tin ông An đồng ý thay vợ chồng Luyện bồi thường 2.400 tỉ đồng. Đổi lại, ông An đề nghị giải tỏa kê biên và giao các bất động sản do Luyện đứng tên lại cho ông (bị cáo Luyện đã đồng ý giao đất).

Tuy nhiên, đến phiên tòa hôm qua, bị cáo Mai thông tin rằng sau khi được chủ tọa giải thích, ông An cảm thấy bỏ ra số tiền lớn mà rủi ro cao nên đã rút lại đề nghị trả thay.

Còn đối với bị cáo Luyện, trả lời câu hỏi của đại diện VKS, bị cáo này một lần nữa khẳng định với quỹ đất đang bị kê biên, dù có bán với giá 1 triệu đồng/m2 thì cũng thu về hơn 4.000 tỉ đồng và hoàn toàn đủ để trả tiền cho các bị hại trong vụ án. Luyện cũng cho biết còn khoảng 1.000 khách hàng khác chưa được đưa vào danh sách bị hại với số tiền khoảng 500 tỉ đồng.

Ngoài ra, bị cáo này cũng cho rằng kết quả định giá số đất này (khoảng 1.600 tỉ đồng) không đúng giá trị thực. Luyện đề nghị định giá lại tài sản đang bị kê biên, đồng thời chỉ kê biên tài sản đúng số tiền mà Luyện bị quy kết chiếm đoạt, phần còn lại giao cho Công ty Alibaba và được một cơ quan nhà nước giám sát để thực hiện việc bồi thường.

Trả lời đại diện VKS, những bị cáo khác tự nguyện dùng số tiền mua đất đã đầu tư vào Công ty Alibaba để hỗ trợ Luyện và Mai bồi thường nhằm được HĐXX xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho mình.

Không còn bị cáo nào kêu oan

Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng Luyện cùng một bị cáo nữa kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, cả ba bị cáo này đều thay đổi yêu cầu kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm