Tại tòa, luật sư Hồ Ngọc Diệp người bào chữa cho ông Sớm, cho rằng: “Không thể coi chiếc ấm trà bằng sứ là phương tiện nguy hiểm vì nếu tất cả đồ vật sinh hoạt trong gia đình gây ra thương tích đều là phương tiện nguy hiểm thì Nghị quyết 01/2006 và 02/2003 của HĐTP TAND Tối cao đã không ví dụ rõ rằng vật sinh hoạt trong gia đình thuộc loại sắc nhọn, kim loại vật cứng được coi là phương tiện nguy hiểm. Nếu nói vật nào gây ra thương tích đều là phương tiện nguy hiểm cả thì không có khái niệm phương tiện nguy hiểm hay không nguy hiểm”.
Tuy nhiên, tòa đã không chấp nhận lời bào chữa này và tuyên phạt ông Sớm 6 tháng tù giam, buộc bồi thường 12 triệu đồng.
Ông Sớm
Như vậy, mâu thuẫn không đáng có giữa hai người họ hàng bắt nguồn từ lời nói vu vơ của con trẻ đã khiến ông Sớm phải ra trước vành móng ngựa, chịu án tù giam.
Giá như trước đó ông Sớm xin lỗi một tiếng, hai bên hòa giải, ông Hà nghĩ lại mà rút đơn thì không có vụ án hình sự không đáng có này và cũng đỡ tốn công sức, thời gian tới lui các cấp tòa của nhiều người.
Sau phiên tòa, ông Sớm cho biết ông sẽ kháng cáo toàn bộ bản án vì “tòa xử như vậy là oan cho tôi” – ông Sớm nói.
Ông Hà
* Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Hà và ông Lê Văn Sớm là bà con cùng quê ở Vĩnh Phúc, cùng vào quận 12, TP.HCM sinh sống, làm ăn. Người theo nghề may, người bán bánh giò. Vai vế trong họ thì ông Sớm là cậu, chú họ của vợ chồng ông Hà.
Ông Hà có đứa con trai út tên Phúc, sinh năm 2006, thường sang chơi nhà ông Sớm khi vợ chồng ông Hà bận việc. Khi hai ông cháu chơi đùa, ông Sớm chọc ghẹo thằng bé và vui tay tụt quần nó.
Tối 21-9-2013, vợ chồng ông Hà chuẩn bị đi chơi thì thằng bé lên tiếng “cảnh báo”: “Đi đâu thì đi, đừng sang nhà ông Sớm, ông ta sẽ tụt quần mẹ!”. Lời con trẻ nhưng cũng khiến ông Hà nghi ngờ, dẫn tới xảy ra căng thẳng giữa ông Hà và ông Sớm sau đó.
Tuy nhiên, suy xét lại, ông Hà có mời vợ chồng ông Sớm qua nhà và cho rằng từ giờ về sau sẽ không có chuyện gì cả.
Nhưng ông Sớm bắt ông Hà phải xin lỗi, ông Hà không chịu vì mình chưa xúc phạm gì. Tối hôm sau, ông Sớm sang nhà ông H. rủ đi cà phê để nói chuyện. Ông Hà không đi và và bảo ông Sớm về nhà đi.
Trong khi hai bên đang lời qua tiếng lại thì bất ngờ ông Sớm gạt ấm trà bằng sứ (đang để trên bàn máy may ngăn cách hai người) về phía ông Hà khiến ông Hà rách da vùng trán mắt trái, ảnh hưởng thẩm mỹ, tỉ lệ thương tật 10%.
Mâu thuẫn giữa hai người được bà con nội ngoại chung tay hóa giải. Tuy nhiên, đáng tiếc là mọi chuyện vẫn để ra đến pháp luật khi mà không ai chịu thuận theo yêu cầu của ai (Ông Sớm yêu cầu ông Hà phải xin lỗi vì ông Hà ghen tuông vô cớ làm ảnh hưởng thanh danh ông Sớm. Còn ông Hà thì yêu cầu ông Sớm viết văn bản cam kết “từ trước tới giờ không có chuyện gì mờ ám, hoàn toàn trong sáng với bà Kiều Thị Phíp - vợ ông Hà”)…
Hai bên không ai chịu ai. Hòa giải bất thành. Ông Hà không rút đơn yêu cầu khởi tố và thế là ông Sớm bị khởi tố, truy tố tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS (thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm và gây cố tật nhẹ cho nạn nhân).
Ngày 17-7, TAND quận 12 đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, tòa đã phải hoãn do tối trước đó, ông Sớm phải nhập viện cấp cứu. Đến ngày 7-8, tòa lại hoãn xử lần nữa. Ngày 9-8, tòa trả hồ sơ yêu cầu giám định lại tỉ lệ thương tật của ông Hà. Tuy nhiên, VKSND quận 12 đã từ chối yêu cầu này của tòa.
Nghị quyết số 01/2006 hướng dẫn: “Dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết 02/2003 của HĐTP TAND Tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Theo đó, hung khí nguy hiểm là vũ khí, là phương tiện nguy hiểm (công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công (Về công cụ, dụng cụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn… Về vật mà người mà người phạm tội chế tạo ra: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ… Về vật có sẵn trong tự nhiên: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…). |