Như đã thông tin, Ban giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ hứa sẽ có cuộc gặp gỡ báo chí để cung cấp thông tin xung quanh vụ việc bệnh nhân Hứa Cẩm Tú bị cắt hai quả thận. Tuy nhiên, đến 9 giờ sáng 12-12, BV vẫn không cung cấp bất cứ thông tin gì.
Né tránh trả lời báo chí
Chúng tôi liên hệ với phòng Tổ chức cán bộ thì được trả lời lãnh đạo BV đang họp với lãnh đạo UBND thành phố và Sở Y tế. Đến khoảng 10 giờ, từ phòng họp bước ra có ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, bà Bùi Thị Lê Phi - Giám đốc Sở Y tế cùng Thanh tra Sở và lãnh đạo BV Đa khoa TP Cần Thơ. Tuy nhiên, những người này nhanh chóng bỏ đi. Các PV tiếp tục kéo đến phòng của BS Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, người được giao phát ngôn về vụ việc này. Tuy nhiên, cửa phòng đóng kín và ông này đang ngồi tiếp chuyện BS Nguyên.
Sau đó, cánh PV tìm đến phòng BS Lê Quang Võ - Giám đốc BV và được ông cho biết: BV chưa họp hội đồng khoa học công nghệ nên chưa có kết luận gì về vụ việc này. Ông Võ cũng không cung cấp nội dung cuộc họp với lãnh đạo thành phố trước đó.
Chị Hứa Cẩm Tú bị thận móng ngựa nên trong quá trình mổ cắt thận trái bị mất máu rất nhiều. Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ phải cắt luôn quả thận dính còn lại. Hiện tại, sức khỏe chị Tú đang dần ổn định nhưng chị Tú phải tiếp tục chạy thận định kỳ. Ảnh: GIA TUỆ
Kiểm điểm rút kinh nghiệm
Sáng 12-12, BS Trần Văn Nguyên cho biết: Mọi thông tin liên quan đến vụ việc đã được Ban giám đốc BV giao cho BS Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn trả lời. Kíp mổ không có quyền phát ngôn. |
Trao đổi qua điện thoại với ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Dũng cho biết: “UBND thành phố đã chỉ đạo Ban giám đốc BV kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Đồng thời tiến hành họp hội đồng khoa học công nghệ để làm rõ vấn đề chuyên môn, trong đó phải có sự tham gia của đại diện từ BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ”. Cũng theo ông Lê Hùng Dũng, trước mắt đã yêu cầu BV phải chăm sóc chu đáo bệnh nhân Hứa Cẩm Tú.
Trước đó, BV Đa khoa TP Cần Thơ đã tạm thời đình chỉ, không để BS Trần Văn Nguyên tham gia phẫu thuật, chờ kết luận chính thức của BV.
Thêm một trường hợp đặt ống nhầm thận Ngày 12-12, gia đình bệnh nhân Nguyễn Minh Hiếu (33 tuổi, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) gửi đơn đến cơ quan chức năng “tố” BV Đa khoa TP Cần Thơ tắc trách, đặt nhầm ống dẫn vào quả thận tốt. Ông Lâm Ngọc Giàu (44 tuổi, chồng bệnh nhân Hiếu) cho biết: Cách đây sáu tháng, vợ ông khám bệnh, chụp CT và được chẩn đoán thận trái ứ nước độ 2, thận phải tốt. Sau đó, BV đặt ống dẫn vào thận trái với thời hạn là sáu tháng, sau thời gian này sẽ đặt lại ống dẫn. Ngày 7-12, bà Hiếu được BS Trần Văn Nguyên và BS Nguyễn Phương Thùy phẫu thuật để thay ống dẫn mới. Hai ngày sau, khi bệnh nhân chuẩn bị xuất viện thì các bác sĩ mới phát hiện đã đặt nhầm ống dẫn vào thận phải. BS Nguyên có nhận lỗi và yêu cầu gia đình cho phẫu thuật lại với điều kiện BV sẽ bồi thường phần chi phí tiền ống dẫn và thuốc tê, phần còn lại do gia đình chi trả. Ông Giàu đề nghị cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm, bồi thường thiệt hại và xử lý các y bác sĩ trong ca phẫu thuật trên. Hiện nay, sức khỏe vợ ông rất yếu và lo sẽ bị hư luôn thận bên phải. Chiều 12-12, ông Trần Hữu Bình - Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: “Thanh tra Sở đã nhận đơn của ông Giàu và chuyển đơn để Ban giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ xem xét giải quyết theo thẩm quyền, làm rõ vấn đề và trả lời cho ông Giàu”. Không nên vội vàng cắt bỏ thận BV Chợ Rẫy sẽ ghép thận miễn phí cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú. PGS-TS-BS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu, BV Chợ Rẫy, cho biết thận móng ngựa (horseshoe Kidney) là một dị tật bẩm sinh, thận dính nhau, có nhiều hình dạng, có khi có đến 3-4 trái thận và tỉ lệ mắc là 1/400 người. Với loại thận này thì việc siêu âm, CT không rõ hoặc người thiếu kinh nghiệm sẽ khó phát hiện. Thận móng ngựa thường dễ bị hẹp khúc nối niệu quản - bể thận bẩm sinh và sỏi thận là nguyên nhân thứ phát do ứ đọng nước tiểu. Đây là tình trạng tắc nghẽn của đường tiết niệu trên gồm niệu quản, bể thận (bồn thận), thận. Trong siêu âm, người ta phân loại thận bị trướng nước - ứ nước bằng độ 1, 2, 3, nó không có ý nghĩa là nặng hay nhẹ mà xem có biến chứng nhiễm trùng không, tắc đường tiết niệu bao lâu. Còn trong ngành tiết niệu chỉ định nghĩa chung là thận có bế tắc hay không. Mức độ nặng nhất là có biến chứng nhiễm trùng, hóa sỏi. Khi thận bị nhiễm trùng sẽ hủy hoại nhu mô thận dẫn đến có mủ, thận chết và có thể mất chức năng hoàn toàn (nếu tắc ba tháng). Tuy nhiên, để kết luận trái thận đã chết, BV Chợ Rẫy thực hiện quy trình rất nghiêm ngặt, không vội vàng cắt bỏ mà tiến hành giải tỏa bế tắc bằng việc mổ lấy sỏi gây tắc, còn hẹp khúc nối niệu quản - bể thận bẩm sinh thì cắt chỗ hẹp, tạo hình nối lại. Nếu bệnh nhân sốt quá nhiều, mổ cấp cứu tạm thời thì BV sẽ mổ dẫn lưu qua da bằng đường ống khai thông bế tắc. Sau khi đã thực hiện tất cả thao tác để giải tỏa bế tắc mà không thấy hiệu quả thì lúc đó mới nghĩ là thận đã chết. Tuy nhiên, không phải trái thận nào chết cũng cắt bỏ mà chỉ có những trái thận chết bị biến chứng cao huyết áp, nhiễm trùng, chứ còn thận teo lại không nguy hiểm thì để yên đó. Thận móng ngựa thường có nhiều biến chứng nên trước khi mổ phải nói rõ cho gia đình biết là rất nguy hiểm, có thể cắt một quả. Nếu trướng nước hai bên, khi mổ bệnh nhân sẽ bị mất máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng. Đây là tình huống khó khăn nhưng để cứu bệnh nhân, phải cắt hết để cầm máu. Thường mỗi trái thận chỉ có một mạch máu, còn thận móng ngựa có rất nhiều nên khó kiểm soát. Những trường hợp này thường phải mổ hở, còn mổ nội soi dù có thành công nhưng cũng rất nguy hiểm. “Trong trường hợp của chị Hứa Cẩm Tú, giám đốc BV Chợ Rẫy đã có ý kiến là sẽ ghép thận miễn phí để chị đủ sức khỏe nuôi con với điều kiện phải có người cho thận. Ngoài ra, còn phải hỗ trợ kinh phí thuốc men cho chị vì sau ghép, mỗi tháng phải tốn chừng 10 triệu đồng tiền thuốc. Còn trước mắt, bệnh nhân phải chạy thận định kỳ” - PGS Sinh nói. DUY TÍNH |
GIA TUỆ