Vụ bị cáo tự tử ở Cà Mau: Nhiều điểm cần làm rõ

(PLO)- Việc dùng người đóng thế để thực nghiệm điều tra phải áp dụng rất hạn chế; đặc biệt khi bị cáo Lỉnh là người kêu oan, có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lê Minh Lỉnh là một trong năm bị cáo trong vụ án cố ý gây thương tích mà TAND tỉnh Cà Mau đã bác kháng cáo kêu oan vào sáng 20-3.

Trước đó, sau phiên tòa sơ thẩm, năm bị cáo gồm: Trần Duy Phương (Phương Max), Trần Duy Phương (Phương KIO), Đoàn Thế Nguyễn, Nguyễn Phát Lợi và Lê Minh Lỉnh cùng kháng cáo; 4/5 bị cáo trong đó có Lỉnh đã kháng cáo kêu oan.

Sau khi nghe tòa phúc thẩm tuyên án, Lỉnh đã uống thuốc diệt cỏ tự tử rồi qua đời tại bệnh viện sau thời gian rửa ruột chống độc. Sau khi an táng cho Lỉnh, gia đình cho biết đang tiếp tục gửi đơn đến cấp có thẩm quyền cao hơn để kêu oan.

Đánh giá độ trung thực của lời khai ban đầu

Tháng 3-2022 xảy ra vụ đánh nhau tại quán tạp hóa nơi bị cáo Trần Duy Phương (Phương Max) mua bài, sau đó Lỉnh lên TP.HCM làm việc. Đến tháng 7-2022, ông Lâm Minh Tài (trinh sát địa bàn) liên hệ được với Lỉnh và mời về làm việc. Ông Tài có ghi một biên bản lời khai, bản tự khai của Lỉnh tại TP.HCM với nội dung Lỉnh khẳng định không liên quan đến vụ án.

bị cáo tự tử kêu oan
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TRẦN VŨ

Sau đó, quá trình điều tra, điều tra viên Lê Quốc Huy đã tự ý rút khỏi hồ sơ biên bản ghi lời khai của Lỉnh. Theo giải trình của điều tra viên Huy thì do tự đánh giá rằng ông Tài là trinh sát phụ trách địa bàn, không phải là điều tra viên, không được phân công điều tra vụ án nên các bản ghi lời khai, bản tự khai này không có giá trị pháp lý nên điều tra viên tự hủy bỏ.

Theo Điều 87 BLTTHS thì lời khai, lời trình bày được xem là chứng cứ để xem xét trong vụ án. Trong trường hợp này, bản ghi lời khai và bản tự khai ban đầu của Lỉnh đều đã bị hủy bỏ nhưng việc bị hủy bỏ này không hợp lý. Bởi vì bản ghi lời khai và bản tự khai này có thể là một nội dung để tham khảo trong quá trình xét xử.

Xác định tiền sự chưa chính xác

Về xác định tiền sự của Phương Max, theo Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là một năm kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Phương Max bị xử phạt ngày 13-9-2017 thì đến ngày 14-9-2018 là hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt.

Theo Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong thời hạn một năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính thì được coi như chưa bị xử phạt (đã được xóa tiền sự). Do đó, việc năm 2022 Phương Max mới tham gia đánh nhau thì không thể xem là có tiền sự về hành vi này.

Luật sư NGUYỄN THANH KHA, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cạnh đó, khi thực nghiệm điều tra, thực nghiệm hiện trường, cơ quan CSĐT đã cho người đóng thế Lỉnh. Có thể thấy việc dùng người đóng thế để thực nghiệm điều tra có thể áp dụng nhưng phải rất hạn chế; đặc biệt trong vụ án này khi Lỉnh là người kêu oan, có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo… Cơ quan điều tra cần để Lỉnh thực nghiệm lại hiện trường; từ đó tạo sự khách quan, chính xác, khoa học trong việc thu thập bằng chứng nhằm tránh oan sai.

Làm rõ nguyên nhân thương tích của bị hại

Về vấn đề giám định thương tích cũng có nhiều điểm cần đánh giá lại cho khách quan. Sự việc xảy ra ngày 21-3-2022; bị hại nhập viện điều trị đúng ngày này, xuất viện ngày 5-4-2022. Nhưng đến ngày 22-4-2022, bị hại lại nhập viện để khâu, điều trị thương tích. Các bị cáo đề nghị giám định lại thương tích và làm rõ trong 17 ngày sau khi xuất viện, bị hại có đánh nhau với ai không mà trở lại bệnh viện để khâu, điều trị thương tích.

HĐXX nhận định: Tòa án cũng đã hai lần xác minh tại Trung tâm Pháp y, Sở Y tế tỉnh Cà Mau để làm rõ các vấn đề liên quan đến bản kết luận giám định pháp y về thương tích đối với bị hại. Như vậy, bản kết luận giám định pháp y về thương tích đối với bị hại là có cơ sở, chính xác. HĐXX không chấp nhận yêu cầu giám định lại.

Tuy nhiên, căn cứ các quy định về giám định trong BLTTHS, trường hợp này tòa án cần giám định lại để xác định rõ thương tích của bị hại. Có như vậy mới xác định chính xác được thương tích của bị hại, làm căn cứ cho việc quyết định hình phạt đối với các bị cáo.

Trong một vụ án có nhiều bị cáo kêu oan; đặc biệt chứng cứ, lời khai, thực nghiệm, giám định… có nhiều điểm còn chưa sáng tỏ thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần thận trọng xem xét, đánh giá, nếu cần thiết thì có thể thu thập bổ sung chứng cứ, thực hiện lại một số hoạt động thu thập chứng cứ (như thực nghiệm điều tra) một cách đúng quy định, chính xác và khoa học.

Cần xem xét theo trình tự giám đốc thẩm

Trong những vụ án cố ý gây thương tích, việc quan trọng là phải chứng minh được hành vi tấn công của bị cáo trực tiếp gây thương tích cho bị hại.

Trong vụ án này, bị cáo Lỉnh khai chỉ đứng ngoài chứ không tham gia tấn công. Do đó, cần làm rõ lời khai của người làm chứng về việc trực tiếp chứng kiến Lỉnh tham gia đánh và gây thương tích cho bị hại hay không?

Theo biên bản lời khai của người làm chứng là Bùi Minh Hoàng (chủ quán tạp hóa, biên bản lời khai ngày 5-4-2022) thì người này chỉ chứng kiến một người trong nhóm thanh niên đến chém Kha bị thương chứ không nói cụ thể có chứng kiến các bị cáo còn lại có tham gia đánh hay không. Do đó, cần làm rõ việc các bị cáo còn lại có tham gia tấn công nạn nhân hay không? Có ai trực tiếp chứng kiến việc này hay không?

Ngoài ra, cũng cần xem xét lời khai của các bị cáo còn lại có xác nhận Lỉnh có tham gia đánh nạn nhân hay không? Bởi lời khai của bị hại cũng chỉ là một trong những nguồn của chứng cứ xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án.

Đồng thời, lời khai của Lỉnh và lời khai anh trai Lỉnh đề cập về việc có một điều tra viên quen nói Lỉnh nhận có đánh một cái để chỉ bị xử lý hành chính, do đó xảy ra sự việc Lỉnh có lời khai đánh bị hại Nam một cái (không gây thương tích gì). Đây là một chi tiết cần được lưu ý trong quá trình giải quyết vụ án để không làm oan người vô tội.

Cần phải làm rõ có hay không việc mớm cung như lời khai của Lỉnh và anh trai Lỉnh? Trong trường hợp thực sự có việc mớm cung thì đã có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vụ án cần được hủy để điều tra lại.

Nay tòa phúc thẩm đã tuyên án, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó theo tôi, với những vấn đề còn chưa được sáng tỏ nêu trên, cấp có thẩm quyền cần xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

TS TRẦN THANH THẢO, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm