Ngày 15-12, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ “bị hại kêu oan cho bị cáo” trong vụ án giết người xảy ra tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Phiên tòa được xét xử theo hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu Đà Nẵng và TAND tỉnh Gia Lai.
Trước đó, sau phiên sơ thẩm, cùng với bị hại, ba bị cáo cũng có đơn kháng cáo đề nghị thay đổi tội danh, xin giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo xin giảm giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Văn Giáp, Nguyễn Đình Đông và chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại Phan Văn Năm. HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan và đề nghị thay đổi tội danh giết người của bị cáo Phan Thanh Văn.
Cụ thể, HĐXX tuyên phạt bị cáo Giáp chín năm tù (án sơ thẩm 10 năm tù), Nguyễn Đình Đông sáu năm tù (sơ thẩm bảy năm tù), y án tám năm tù đối với Phan Thanh Văn cùng về tội giết người.
Bị hại vẫn kêu oan cho bị cáo
Tại phiên tòa, đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên quan điểm theo bản án sơ thẩm, truy tố tội danh giết người đối với cả ba bị cáo. Đồng thời, nhận thấy bản án sơ thẩm đối với Văn, Đông là quá nghiêm khắc, cần xem xét lại.
Tại tòa, Giáp thừa nhận hành vi đánh Năm vì quá nóng giận, không có bàn bạc gì với Văn và Đông. Trong khi đó, hai bị cáo Văn và Đông đều khẳng định không hề biết trước việc Giáp ra tay đánh bị hại. Lúc xảy ra, cả hai bị cáo đều tham gia ngăn cản Giáp, tạo điều kiện cho bị hại bỏ trốn.
“Bị cáo không có bàn bạc đánh bị hại. Lúc sự việc xảy ra, bị cáo đã trực tiếp can ngăn, để bị hại bỏ trốn. Một số lời khai trước đó của bị cáo có nội dung đồng ý với Giáp đi đánh Năm là do cán bộ điều tra đọc cho bị cáo ghi. Do vậy, đề nghị HĐXX xem xét, thay đổi tội danh cho bị cáo”, bị cáo Văn nói.
Trước HĐXX, hai bị cáo Giáp và Đông rụt rè, ít nói. Chủ tọa phiên tòa nhiều lần phải nhắc lại nội dung câu hỏi do hai bị cáo này nghe không hiểu; hai bị cáo này chỉ yêu cầu “xin giảm nhẹ hình phạt”, không ý kiến gì thêm.
Về phía bị hại, ông Phan Văn Năm giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh cho bị cáo Đông vì cho rằng tội danh như vậy là "quá oan" do bị cáo này không có làm gì nên tội.
Theo bản án, tối 10-8-2022, Giáp rủ Văn, Đông và một người phụ nữ đi nhậu và kể chuyện mâu thuẫn với bị hại (nghe Năm “nói dóc” đã dùng ghế đánh Giáp).
Giáp cho rằng mình bị xúc phạm nên rủ cả nhóm đến nhà tìm Năm để giải quyết mâu thuẫn, lúc đi Giáp có cầm theo chai rượu vodka uống chưa hết.
Khi gặp Năm, Văn đứng trước đầu xe hỏi “vì sao nói đánh Giáp?”. Năm vừa trả lời “không có” liền bị Giáp bất ngờ cầm chai rượu đập vào đầu một nhát. Tiếp đó, Giáp dùng tay đánh Năm và được Văn, Đông can ngăn, tạo điều kiện cho Năm chạy trốn.
Hậu quả, Năm được giám định thương tích là 5% với hai vết sẹo phần mềm ở đỉnh đầu và mặt. Về dân sự, ba bị cáo đã bồi thường cho bị hại 20 triệu đồng.
Luật sư ý kiến về việc áp dụng Án lệ số 47
Theo cơ quan tố tụng, hành vi của bị cáo Giáp là côn đồ, quyết liệt, bất chấp tính mạng của bị hại, chỉ vì mâu thuẩn nhỏ mà dùng chai rượu đánh vào đầu bị hại gây thương tích. Khi bị hại chạy trốn, bị cáo vẫn tiếp tục truy đuổi… Việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.
Do đó, áp dụng Án lệ số 47 “về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại” thì hành vi của bị cáo đã phạm tội giết người.
Bào chữa cho bị cáo Văn, luật sư cho rằng việc áp dụng Án lệ số 47 trong vụ án này là chưa phù hợp, vụ việc chỉ dừng ở tội cố ý gây thương tích.
Cụ thể, Giáp là người chủ động tìm đến Năm gây thương tích là đã rõ, nhưng không hề chuẩn bị hung khí là những vật độ sát thương cao như dao, kiếm... mà dùng một chai rượu lành lặn, tiện tay mang từ quán.
Theo luật sư, các bút lục đều thể hiện sau khi Giáp dùng chai đánh vào đầu một nhát, vỡ chai… Giáp không dùng mảnh vỡ thủy tinh để gây thương tích mà dùng tay đánh vài cái và được can ngăn. Về ý thức chủ quan và hành động khách quan, Giáp có ý định gây thương tích chứ không nhằm tước đoạt tính mạng của bị hại.
Về thương tích giám định là 5%, tình trạng bị hại lúc vào viện là vết thương rách da, chảy máu. Hình ảnh chụp x quang không cho thấy bất kỳ tổn thương xương và cường độ tấn công không lớn.
Văn bị truy tố tội giết người với vai trò “giúp sức về mặt tinh thần”, là hoàn toàn không có căn cứ. Văn không hề thống nhất về mặt ý chí, lẫn hành động với bị cáo Giáp… Lúc sự việc xảy ra, bị cáo này không hề biết trước và còn ra tay can ngăn, giúp bị hại bỏ chạy.
Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Văn phạm tội cố ý gây thương tích, áp dụng theo khoản 1 Điều 134 Bộ Luật hình sự.
Tương tự, một luật sư khác cũng cho rằng việc truy tố hai bị cáo Văn và Đông tội giết người là không phù hợp. Sau khi có bản án, luật sư sẽ có kiến nghị giám đốc thẩm, đề nghị xem xét lại việc truy tố tội danh giết người trong vụ án này.