Vụ BS Lương: Khó kết tội vì truy tố oan?

Ngày 29-5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 11. Phiên tòa liên tiếp chuyển từ phần xét hỏi sang phần tranh tụng và ngược lại để làm rõ các chứng cứ.

Ai đẩy trách nhiệm cho BS Lương?

Mở đầu phiên xét hỏi, HĐXX yêu cầu BS Hoàng Công Tình (nguyên phó khoa Hồi sức tích cực) giải trình về tài liệu gồm một băng ghi âm và một vi bằng đã cung cấp. BS Tình trả lời sau khi BS Lương được tại ngoại có thắc mắc về việc phân công nhiệm vụ ghi trong biên bản họp cuối năm. Theo đó, BS Tình gọi điện thoại cho ông Đinh Tiến Công (điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực) để hỏi lý do thì được biết sự việc trên có người chỉ đạo “ghi thêm”.

Tại tòa, ông Công khẳng định không có văn bản nào phân công BS Lương và thừa nhận việc ghi thêm trên theo chỉ đạo của lãnh đạo khoa sau sự cố trên. Chủ tọa hỏi ai chỉ đạo thì ông Công chỉ nói có sự bàn bạc của khoa, đồng thời phủ nhận việc nhận được công văn “hợp thức hóa” việc phân công nhiệm vụ cho BS Lương sau khi vụ việc xảy ra.

Trong khi bà Đinh Thị Tới (Phó phòng Tổ chức cán bộ BV) khẳng định không có quyết định văn bản nào phân công nhiệm vụ cho BS Lương: “BS Lương có trình độ cao nhất ở Đơn nguyên thận nhân tạo nên cứ hàm ý cho bác sĩ quản lý việc chuyên môn ở đấy, không có công văn phụ trách…”.

Với trách nhiệm người đứng đầu khoa Hồi sức tích cực, ông Hoàng Đình Khiếu thừa nhận việc ghi chép thêm, bổ sung trên nhằm mục đích hoàn thiện thủ tục hành chính nhưng bác việc chỉ đạo ghi cụ thể nội dung phân công BS Lương. Chủ tọa hỏi dồn: “Vậy mục đích chỉ đạo trên là gì? Có hay không ghi thêm để trốn tránh trách nhiệm? Ông có biết việc ghi thêm đã đẩy bác sĩ vào hoàn cảnh hôm nay không?”. Ông Khiếu không trả lời thẳng vào vấn đề mà cho rằng chỉ mục đích hoàn thiện thủ tục hành chính.

HĐXX tiếp tục hỏi BS Lương về công việc được phân công. BS Lương nhấn mạnh lại là được giao quản lý chuyên môn chữa trị bệnh cho bệnh nhân, ngoài ra không hề có nhiệm vụ khác.

BS Hoàng Công Lương. Ảnh: VIẾT LONG

Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung

Quay lại phần tranh tụng, đại diện VKS bác những quan điểm của các vị luật sư (LS) bào chữa cho ba bị cáo. Giải thích lý do không ghi âm, ghi hình trong quá trình thẩm vấn, VKS khẳng định quy định pháp luật mới ban hành nên cần có lộ trình và chưa thể thực hiện ngay. Thừa nhận BS Lương yêu cầu LS và bị từ chối nhưng VKS lại khẳng định bị cáo vẫn tự thực hiện quyền bào chữa của mình. Hơn nữa, bị cáo không bị ép cung, nhục hình nên không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Đồng thời kiểm sát viên khẳng định cơ quan điều tra, VKS không dụ cung, mớm cung, thông cung…

Lý do không truy tố dựa trên chứng cứ tại phiên tòa, vị đại diện VKS đưa ra lập luận vì lời khai và chứng cứ ban đầu đúng bản chất, phù hợp với thực tế khách quan, còn lời khai tại phiên tòa không đúng sự thật khách quan vì đã được xem biên bản cuộc họp. Ngoài ra, kiểm sát viên dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự để khẳng định việc không cấm ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV) xuất cảnh là hợp lý.

Đối với yêu cầu của sáu LS đề nghị tuyên BS Lương vô tội, đại diện VKS lập luận rằng trong luận tội và cáo trạng, VKS chưa bao giờ cho rằng bị cáo được giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. VKS khẳng định dựa trên lời khai của những người liên quan và bút lục. Cạnh đó, căn cứ vào việc BS Lương có chuyên môn phù hợp nên được giao nhiệm vụ chuyên môn và các hoạt động tại Đơn nguyên thận nhân tạo.

Theo kiểm sát viên, BS Lương là người ký đề nghị sửa chữa RO số 2 nên phải nắm được nội dung sửa chữa. Vì vậy, việc cáo buộc BS Lương phải biết chất lượng nước là có cơ sở. Đại diện VKS nói: “Chúng tôi không cáo buộc bị cáo biết chất lượng nước theo tiêu chuẩn nào mà chỉ cáo buộc bị cáo phải biết tầm quan trọng của nước RO số 2, có nghĩa nước phải đảm bảo an toàn trước khi đưa vào cơ thể người bệnh”.

Đối với việc hợp thức hóa biên bản cuộc họp cuối năm, chất lượng hệ thống lọc nước RO số 2..., đại diện VKS đề nghị HĐXX cần xem xét, đấu tranh làm rõ. Với những căn cứ trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đối đáp lại, LS Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho BS Lương) khẳng định cáo buộc của VKS là khiên cưỡng, đề nghị tuyên vô tội. Các căn cứ chỉ dựa vào biên bản cuộc họp khoa và các điều dưỡng mà không căn cứ vào một văn bản nào là bất hợp lý. Trong khi đó, các lời khai và biên bản bị ngụy tạo và không khách quan.

Đại diện Bộ Y tế nói gì?

Tại tòa có mặt đại diện Bộ Y tế là ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế). Ông Quang cho rằng không phải khi sự việc xảy ra Bộ Y tế mới tức tốc ban hành văn bản mà trước đó đã có nhiều thông tư hướng dẫn quy trình chạy thận. Việc ban hành thông tư chỉ là cập nhật, điều chỉnh những vấn đề phát sinh, chứ không phải Bộ Y tế chậm ban hành.

Về việc trả lời bất nhất trong công văn gửi cơ quan CSĐT và LS của Bộ Y tế, đại diện VKS đề nghị ông Quang giải thích. Đáp lại, ông Quang cho rằng đó là do một bản trả lời dựa vào hợp đồng, còn một bản trả lời chung chung. VKS hỏi việc truy tố của CQĐT phụ thuộc vào câu trả lời của đại diện Bộ Y tế, tuy nhiên với chứng cứ do LS cung cấp cho thấy câu trả lời của ông không thống nhất, dẫn đến hiểu sai vấn đề. “Vậy nếu cơ quan điều tra, VKS xem xét vụ việc vừa qua có trách nhiệm Bộ Y tế, ông có quan điểm gì?”. Ông Quang phản bác và cho rằng Bộ Y tế không sai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới