Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Tạo nhóm 'Anh em siêu nhân' tuồn xăng lậu ra thị trường

(PLO)- Các bị cáo tạo nhóm chat “Anh em siêu nhân” trên ứng dụng WhatsApp để trao đổi công việc nhập, xuất xăng nhập lậu, thu lợi gần 56 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) cùng 72 đồng phạm trong đường dây buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam.

Tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng

Tại phiên tòa, HĐXX hỏi bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi, ngụ TP Cần Thơ, giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP, TP.HCM). Bị cáo Trung được xem là mắt xích rất quan trọng trong việc tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng từ “ông trùm” đầu nậu phân phối xăng lậu Nguyễn Hữu Tứ.

Bị cáo Lê Thanh Trung tại phiên tòa ngày 9-11. Ảnh: VŨ HỘI

Bị cáo Lê Thanh Trung tại phiên tòa ngày 9-11. Ảnh: VŨ HỘI

Theo cáo trạng, Lê Thanh Trung cùng với Lương Đình Tiến (nguyên phó giám đốc Công ty Xăng dầu Long An) góp vốn thành lập Công ty cổ phần Nhiên liệu Tây Nam bộ SFT (Công ty Tây Nam bộ SFT), Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP (Công ty Tây Nam), Công ty 3S và Công ty Sovigroup để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu.

Năm 2020, Nguyễn Hữu Tứ liên hệ với Trung để bán xăng lậu do Tứ mua của Phan Thanh Hữu với giá thấp hơn giá xăng bán lẻ của Petrolimex và được Trung đồng ý. Sau đó, Tứ sử dụng các tàu của mình gồm Huỳnh Ngân, Sơn Tiền, Tây Nam 01 chở xăng từ nhà nuôi yến của Tứ (Vĩnh Long) đến kho Nam Phong (Long An) để bán cho Trung và các khách hàng của Tứ.

Nhằm hợp thức hóa việc vận chuyển xăng nhập lậu từ khu vực nhà nuôi yến trên sông Hậu của Tứ đến kho Nam Phong, Tứ và Trung đã thỏa thuận sử dụng pháp nhân của Công ty TNHH TMDV XNK Phúc Thịnh do Trung thành lập để có hồ sơ, chứng từ. Mục đích nhằm đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.

Ngoài ra, bị cáo Trung còn điều động thêm các nhân viên gồm: Nguyễn Hữu Hiền, Trần Thị Cẩm Vân, Nguyễn Tiến Dũng cùng với Trần Minh Giang thực hiện quản lý toàn bộ số liệu nhập, xuất và thông tin khách hàng mua xăng nhập lậu tại kho Nam Phong. Dũng còn tạo nhóm chat “Anh em siêu nhân” trên ứng dụng WhatsApp để trao đổi công việc nhập, xuất xăng nhập lậu theo sự chỉ đạo của Trung.

Từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Trung cùng nhóm “Anh em siêu nhân” tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng, thu lợi gần 56 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Trung thừa nhận hành vi sai phạm của bản thân và cho rằng lúc mua hàng của Tứ không có hóa đơn, chứng từ; bị cáo nghĩ việc mua bán ở nội địa nên nếu có bị phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính nhưng đến khi bị bắt mới biết đây là hàng nhập lậu. “Bị cáo tiêu thụ hàng nhập lậu nên rất ân hận, vì ham lợi mà không tìm hiểu rõ nguồn gốc nên mong HĐXX xem xét giảm án” - Trung nói.

Từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Trung cùng nhóm “Anh em siêu nhân” tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng, thu lợi gần 56 tỉ đồng.

Nhập xăng lậu qua giới thiệu của “người tình” là cựu đại tá

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Thị Hương có mối quan hệ tình cảm nam nữ với Đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, đã bị Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên phạt tù chung thân về tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép trong cùng vụ án). Thế Anh trước đây công tác tại Ban chỉ đạo 389 quốc gia có chức năng kiểm tra, bắt giữ buôn lậu - hàng giả nên khi Thế Anh yêu cầu “ông trùm” Phan Thanh Hữu bán xăng lậu cho Hương. Lúc này Hữu nói Tứ liên lạc với Hương.

“Giai đoạn đầu năm 2020, bị cáo làm ăn khó khăn nên Thế Anh điện thoại cho bị cáo gặp, nói chuyện với anh Sơn (sau biết là Phan Thanh Hữu) xuống kho xăng Long An lấy xăng giá tốt nhất, em xem lấy được thì lấy. Mấy hôm sau Tứ chủ động gọi điện thoại cho bị cáo hẹn gặp ở nhà hàng tại TP.HCM để gặp mặt. Bị cáo không biết Thế Anh có mối quan hệ như thế nào với Tứ, bị cáo không biết...” - bị cáo Phạm Thị Hương khai tại tòa.

Sau cuộc gặp, từ tháng 3 đến tháng 7-2020, Hương đã trực tiếp cho xe bồn của mình xuống kho Nam Phong ở Long An lấy xăng của Nguyễn Hữu Tứ với giá chiết khấu 2.700 đồng/lít so với giá thị trường. Trong quá trình thanh toán tiền xăng lậu, Hương chuyển khoản thanh toán vào tài khoản của Nguyễn Hữu Tứ và Phan Lê Hoàng Anh (con trai của Phan Thanh Hữu). Từ tháng 3 đến tháng 9-2020, Hương đã chuyển khoản và đưa tiền mặt cho Tứ và Hoàng Anh tổng số tiền hơn 46 tỉ đồng.

Cũng theo bị cáo Phạm Thị Hương, từ tháng 7-2020 đến tháng 2-2021, bị cáo Nguyễn Hữu Tứ nói bận quá không bán được thì Hương lấy xăng của Lê Thanh Trung để bán lẻ và bán “sang tay” cho Lê Tất Thắng - nhân viên bán hàng của Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) để Thắng bán lại cho nhiều người khác hưởng tiền công 100 đồng/lít. Giai đoạn này Hương đã lấy khoảng hơn 5,7 triệu lít xăng.

Phạm Thị Hương bị cáo buộc đã mua gần 8 triệu lít xăng lậu với tổng số tiền là hơn 84 tỉ đồng và thu lợi bất chính gần 5 tỉ đồng. Hiện bị cáo này đã tự nguyện nộp số tiền hơn 3,1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Bị cáo rất hối hận!

Khi HĐXX hỏi về quy trình nhận, bán xăng lậu, Phạm Thị Hương cho biết thời gian đầu bị cáo liên hệ với Tứ, sau đó thì với Trung. Cách thức là hằng ngày các bị cáo nhắn tin hoặc gọi điện thoại ngày lấy xăng, số xe bồn nhận xăng và số lượng xăng nhập cũng như tiền chiết khấu. Số tiền chiết khấu thay đổi liên tục nên bị cáo không nhớ được chiết khấu bao nhiêu.

“Bị cáo đồng ý với nội dung cáo buộc tội danh trong cáo trạng VKSND truy tố. Bị cáo đã thấy hành vi của mình là sai phạm, bị cáo rất hối hận và xin HĐXX xem xét cho bị cáo được sự khoan hồng của Nhà nước” - bị cáo Phạm Thị Hương nghẹn ngào nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm