Ngày 14-9, trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Hùng, Viện trưởng VKSND TP Cà Mau, cho biết Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau đang điều tra bổ sung vụ “camera ngó qua nhà hàng xóm”.
“Chúng tôi đã có văn bản đôn đốc cơ quan điều tra sớm kết thúc điều tra bổ sung vì đã kéo dài khá lâu. Bị can Huỳnh Thanh Lam liên tục có đơn khiếu nại hối thúc. Chúng tôi cũng rất muốn sớm kết thúc vụ án này nhưng phải thực hiện đúng, đủ toàn bộ quy trình tố tụng” - ông Hùng nói.
Hiện trường nơi ông Phong đặt hai camera hướng qua đất của bị can Lam. Ảnh: CTV |
VKS mong bị can thông cảm
Mới đây, VKS đã thẳng thắn nhìn nhận có lỗi với bị can vì đã chậm trễ trong tố tụng. Cụ thể, ngày 27-6, VKSND TP Cà Mau mời bị can Lam (đang tại ngoại) đến trụ sở để giải quyết một số nội dung kiến nghị của bị can này.
Tại buổi làm việc, phó viện trưởng VKSND TP Cà Mau đã trực tiếp nhìn nhận phần lỗi chậm trễ khi điều tra bổ sung, mong bị can Lam thông cảm.
Đến ngày 16-8, VKSND TP Cà Mau đã có văn bản gửi bị can Lam, thông tin tình hình điều tra bổ sung. Theo đó, sau khi tự rút hồ sơ trong phiên tòa ngày 6-1, VKS đã trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung vấn đề định giá. Cơ quan điều tra đã điều tra bổ sung và gửi đến VKS yêu cầu tiếp tục truy tố bị can Lam.
Tuy nhiên, hồ sơ vẫn chưa vững chắc, VKSND TP Cà Mau cử kiểm sát viên đi điều tra tại các cơ quan thuế liên quan, tham khảo thêm ở nhiều công ty công nghệ thông tin và xác định giá cả rất khác nhau. Từ đó, VKS lại một lần nữa trả hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục điều tra bổ sung.
Như Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều tin, bài phản ánh, năm 2019, bị can Lam mua thửa đất cập ranh với đất của ông Tô Thiên Phong (khóm 5, phường 1, TP Cà Mau). Do có lấn cấn với nhau về ranh đất nên hai người không thuận thảo.
Ông Phong đã mua hai camera gắn trên tường, quay hướng quan sát qua phần đất của ông Lam. Ông Lam khó chịu vì cách lắp camera như vậy rất khó coi, ảnh hưởng đến quyền bảo đảm sự riêng tư của ông. Ông Lam đề nghị ông Phong di dời hai camera nhưng không được chấp nhận.
Ngày 15-8-2019, Lam dùng khúc gỗ bằng cây bình bát tác động vào hai camera này. Sau đó, ông Phong đi tố giác tội phạm cho rằng Lam đã đập bể, làm hư hỏng hai camera của mình. Lam đã bị khởi tố tội cố ý hủy hoại tài sản với cáo buộc đã đập bể hai camera của ông Phong, gây thiệt hại tài sản 2,6 triệu đồng.
Quá trình tố tụng, Lam một mực kêu oan, cho rằng ông Phong lắp đặt camera ngó qua đất nhà mình là vô lý. Lam đã nhiều lần yêu cầu ông đổi hướng camera nhưng ông Phong không thực hiện nên Lam đã dùng cây bình bát tác động đổi hướng camera. Lam cho rằng mình chỉ đổi hướng hai camera, không cố ý đập phá, gây hư hỏng.
“Chúng tôi đã có văn bản đôn đốc cơ quan điều tra sớm kết thúc điều tra bổ sung vì đã kéo dài khá lâu…” - ông Hùng nói.
Giá mỗi nơi một phách
Vụ án này đã trải qua nhiều lần phải điều tra bổ sung. Hồ sơ vụ án và qua các lần xét xử dang dở cho thấy có hai vấn đề chính khiến tòa trả hồ sơ nhiều lần.
Đó là việc xác định giá trị của hai camera vật chứng. Vấn đề định giá tài sản trong vụ án này rất quan trọng, bởi phải căn cứ kết quả định giá mới xác định được hành vi của ông Lam có cấu thành tội phạm hay không. (Từ 2 triệu đồng trở lên thì đủ dấu hiệu cấu thành tội, dưới 2 triệu đồng thì không - vì hành vi của ông Lam không thuộc các trường hợp phạm tội nếu dưới 2 triệu đồng, theo khoản 1 Điều 178 BLHS 2015).
Tuy nhiên, giá của camera theo sự thu thập của bị cáo, bị hại và cơ quan tố tụng lại có sự chênh nhau khá xa. Hội đồng giám định kết luận mỗi camera vật chứng có giá là 1 triệu đồng, cộng với công lắp đặt cả hai camera vị chi là 2,6 triệu đồng.
Trong khi bị can Lam cung cấp nhiều chứng từ tự mua và xin của người khác thể hiện camera cùng loại, cùng hãng sản xuất, gần thời điểm vụ án xảy ra chỉ dao động ở mức giá trên dưới 500.000 đồng mỗi cái. Bị can Lam cho rằng giá trị tài sản thiệt hại nếu có thì không quá 2 triệu đồng, không thể khởi tố vụ án.
Vấn đề thứ hai là quy trình thu thập vật chứng hai camera. Hồ sơ thể hiện sau bốn ngày kể từ ngày Lam tác động vào camera thì công an mới đến thu thập hai camera vật chứng. Khi đó, hai camera này đã bị ông Phong tự thuê thợ gỡ xuống và để dưới gốc tre.
Khai tại cơ quan điều tra, công an khu vực xác nhận thu giữ hai camera dưới gốc tre. Còn việc ông Phong tháo camera khỏi hiện trường như thế nào, bảo quản ra sao, ông không chứng kiến. Lý giải việc sau khi nhận tin báo bốn ngày mới thu thập vật chứng, công an khu vực cho rằng do nhiều lần không liên hệ được với người báo tin, tức ông Phong.
Rút hồ sơ trước giờ tranh luận
Trong hơn ba năm giải quyết vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau, VKSND TP Cà Mau đã ít nhất năm lần phải điều tra bổ sung. Đặc biệt, tại phiên tòa ngày 6-1, sau phần xét hỏi, chuyển sang tranh luận, đại diện VKSND TP Cà Mau đề nghị HĐXX cho rút toàn bộ hồ sơ vụ án để bổ sung, làm rõ thêm một số tình tiết. HĐXX đã chấp nhận đề nghị này và trả hồ sơ điều tra bổ sung.