Chiều 7-8, đại diện VKS đã phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án 10-12 năm tù đối với bị cáo Phạm Duy Hùng về tội vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy.
Hùng chính là chủ quán karaoke ISIS ở Hà Nội bị cháy hồi tháng 8-2022, làm 3 chiến sỹ chữa cháy hi sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Bị cáo Phạm Duy Hùng tại phiên tòa. Ảnh: CTV |
Xử lý nghiêm khắc, làm bài học cảnh tỉnh
Theo VKS, qua hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi tại phiên tòa cho thấy, bị cáo biết quán Karaoke thuộc trường hợp phải thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy mới đủ một trong các điều kiện để hoạt động. Dù chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng Hùng vẫn tiếp tục cho quán hoạt động.
VKS cho rằng đây là vụ án vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 cán bộ chiến sỹ công an hi sinh.
Trong thời gian Covid, nhà nước và UBND Hà Nội cấm hoạt động karaoke để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng bị cáo Hùng vẫn kinh doanh khi chưa có giấy phép, không được thẩm duyệt về PCCC.
Theo VKS, thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ cháy nổ phức tạp ở chung cư, quán karaoke gây hậu quả chết người, làm tổn hại nặng nề vật chất, tinh thần, ảnh hưởng trật tự xã hội.
Do đó, VKS cho rằng cần xử lý bị cáo nghiêm khắc, làm bài học cảnh tỉnh và đề nghị mức án 10-12 năm tù.
Về trách nhiệm bồi thường của bị cáo, VKS đề nghị tòa buộc bị cáo phải chịu chi phí mai táng cho mỗi nạn nhân là 50 triệu đồng; bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình mỗi nạn nhân là 180 triệu đồng, tương đương mức 100 tháng lương cơ sở.
Bị cáo còn phải cấp dưỡng cho các con của anh Quân đến khi tròn 18 tuổi; cấp dưỡng mẹ của anh Quân đến khi mất mỗi người 2 triệu đồng một tháng.
Trước quan điểm của VKS, luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng cho biết bị cáo đã thành khẩn nhận tội, rất ăn năn về hành vi của mình, tự nguyện bồi thường hậu quả một phần.
Luật sư đề nghị HĐXX đánh giá khách quan, xem xét nguyên nhân hoàn cảnh phạm tội đưa ra mức hình phạt phù hợp với bị cáo. Luật sư cũng cho rằng mức hình phạt VKS đưa ra quá nghiêm khắc, không phù hợp với tình chất vụ án, với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 313 về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, người nào vi phạm quy định PCCC gây hậu quả chết từ 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7-12 năm.
''Khoản 3 không quy định số nạn nhân từ 3 người trở lên và không quy định mức tối đa. Như vậy, xét đơn thuần về số học thì nếu làm chết 3 người hình phạt ở mức thấp nhất là 7 năm''- luật sư nói.
Chưa kể, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, do đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng Điều 54 BLHS: Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ.
Luật sư cũng nêu nhiều vấn đề khác trong vụ án đề nghị HĐXX xem xét như bị cáo phạm tội vô ý, không trực tiếp, vụ cháy từ chiếc điều hòa không chạy, trách nhiệm của đơn vị bảo hành ra sao?...
''Mất người là mất tất cả''
Trước đề nghị của luật sư về mức hình phạt dưới khung, gia đình anh Quân và gia đình anh Việt đều không đồng tình.
Người đại diện gia đình anh Quân cho rằng các anh là chiến sỹ công an, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, Nhà nước cho chính sách đối với các liệt sỹ, đó là chính sách riêng.
''Không thể lấy chính sách Nhà nước để bớt nghĩa vụ bồi thường của bị cáo, Vụ việc rất nghiêm trọng không thể cho bị cáo hưởng mức án dưới khung hình phạt mà Nhà nước đưa ra''- chị Nguyễn Thu Huyền, vợ anh Quân nói.
Người đại diện cho gia đình anh Việt cũng không đồng ý với quan điểm dưới khung. ''Bất kể xã hội kinh doanh karaoke như thế nào, bị cáo thừa biết mình hoạt động sai quy định mà vẫn làm thì không thể dưới khung được. Mất người là mất tất cả rồi. Phải xử sao để còn làm gương cho người khác chứ''- bố anh Việt nói.