Trong các ngày 12 và 13-8, TAND tỉnh Hưng Yên mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến tranh chấp 13.000m2 đất giữa nguyên đơn là Công ty Tuệ Minh, bị đơn là Công ty Nijia và Công ty Thiên Ngọc An.
Trước đó, phiên tòa ngày 31-7 đã phát sinh vấn đề xác định tư cách tham gia tố tụng của Qiu Rongyou (tên thường gọi A Hữu Xuân), một doanh nhân Trung Quốc.
Tại phiên tòa lần này, HĐXX triệu tập ông Qiu Rongyou là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, ông Qiu Rongyou đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để ông có thời gian mời luật sư. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận và cho biết sẽ xem xét quyền lợi của ông.
HĐXX cũng cho rằng việc xác định ông Qiu Rongyou là người liên quan không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ án. Ông Qiu Rongyou đăng ký tạm trú tại Việt Nam từ nhiều năm nay và tại thời điểm diễn ra phiên tòa phúc thẩm ông Qiu Rongyou có mặt. Căn cứ theo quy định tại BLTTDS 2015, đây không thuộc trường hợp vụ án có yếu tố nước ngoài.
Hòa giải bất thành
Tại phiên tòa, HĐXX và VKS khuyến khích các bên hòa giải, thỏa thuận. Theo VKS, dù sao thì nguyên đơn cũng sử dụng đồng vốn của bị đơn 4-5 năm nay, nay họ nhận lại cũng phải tương xứng…
Tuy nhiên, bên phía nguyên đơn kiên quyết chỉ hỗ trợ 2 công ty bị đơn tổng số tiền 1 tỉ đồng. Còn phía Công ty Nijia yêu cầu được bồi thường bằng số tiền đã góp, phía Công ty Thiên Ngọc An đề nghị nguyên đơn trả đúng giá 2,5 triệu/m2 hoặc trả lại diện tích đất 3.000 m2.
Cuối cùng, việc hòa giải bất thành, HĐXX tiếp tục xét xử phúc thẩm.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2017, Công ty Tuệ Minh xin thực hiện dự án Nhà máy sản xuất nhựa Plastic ở huyện Yên Mỹ, diện tích gần 40.000m2. Công ty Tuệ Minh thỏa thuận sau khi xin được dự án sẽ chuyển nhượng với Công ty Thiên Ngọc An, Công ty Nijia 13.000m2 đất. Đổi lại, hai công ty này đã chuyển cho Công ty Tuệ Minh số tiền 9,35 tỉ đồng để “lo dự án” và tiền xây bờ kè, đường đi.
Trong số tiền này, có 1,2 tỉ đồng là tiền cá nhân của ông Qiu Rongyou, có phiếu thu, do thủ quỹ lập ghi rõ “Người nộp tiền: A Hữu Xuân” nhưng lại do bà Bùi thị Xuân, giám đốc Công ty Nijia ký hộ.
Đến năm 2018, Công ty Tuệ Minh được chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án. Năm 2019, 3 công ty ký Biên bản thỏa thuận ghi nhận những nội dung thỏa thuận trước đây.
Nhưng sau đó, các bên không tiến hành chuyển nhượng được do Dự án được cấp đất theo hình thức trả tiền hằng năm. Thay vào đó, các bên thống nhất trên nhóm chat Zalo, Công ty Tuệ Minh sẽ nhận lại 13.000m2 với giá 2,5 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, thực tế Công ty Tuệ Minh chỉ trả 8 tỉ đồng rồi không trả nốt mà khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên Biên bản thỏa thuận 3 bên và trên hội nhóm zalo là vô hiệu.
Phía Công ty Thiên Ngọc An, Công ty Nijia yêu cầu Tòa án công nhận Biên bản thỏa thuận 3 bên và thỏa thuận trên hội nhóm zalo có hiệu lực pháp luật, buộc Công ty Tuệ Minh phải trả theo đúng thỏa thuận trên hội nhóm zalo.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Yên Mỹ xác định Biên bản thỏa thuận 3 bên và các tin nhắn trên hội nhóm zalo vô hiệu, tuyên Công ty Tuệ Minh phải trả lại Công ty Nijia, Công ty Thiên Ngọc An số tiền đã nhận. Sau phiên tòa sơ thẩm, 2 bị đơn kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm hủy án.
VKS đề nghị hủy án nhưng tòa bác
Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS cho rằng bản án sơ thẩm nhận định chưa đúng về bản chất thỏa thuận 3 bên năm 2019. Theo VKS, thỏa thuận này không vi phạm điều cấm và dẫn chứng án lệ số 55/2022 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, cho thấy các bên có thể chuyển nhượng khi chưa có quyền sử dụng đất, hợp đồng chỉ là giấy viết tay.
Trong số các giấy giao nhận tiền, ông Nguyễn Đình Chiến, giám đốc Công ty Tuệ Minh cam kết sẽ chịu trách nhiệm lo thủ tục ra được sổ đỏ để chuyển nhượng đất cho bà Bùi Thị Xuân.
Tại thời điểm chuyển tiền, bà Xuân biết ông Chiến chưa có đất, ông Chiến cũng chưa hoàn tất thủ tục xin thuê đất nên chưa thể biết phần đất đó sẽ được cho thuê theo hình thức nào.
Những dấu hiệu trên cho thấy việc các bên giao kèo với nhau không phải là hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất, mà là hợp đồng đặt cọc. Theo quy định, trường hợp không có thỏa thuận phạt cọc, nếu bên nhận cọc có lỗi hoặc từ chối giao kết thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.
Riêng với thỏa thuận trên nhóm Zalo, VKS nhận định Công ty Nijia và Công ty Thiên Ngọc An mới dừng lại ở đặt cọc, “chưa bao giờ có đất”, nên không thể chuyển nhượng. Bởi vậy, thỏa thuận này vô hiệu do đối tượng không thể thực hiện được.
Từ những căn cứ đã phân tích, VKS đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng tại thời điểm ký kết thỏa thuận năm 2019, 3 người đại diện cho 3 công ty đều biết rõ Công ty Tuệ Minh chưa phải chủ sở hữu hợp pháp, chưa có quyền sử dụng đất, dự án chưa có trên thực tế, chưa được cơ quan thẩm quyền chấp thuận cho thuê đất hay không.
Do đó, thỏa thuận là hợp đồng trái pháp luật, vô hiệu, không làm phát sinh nghĩa vụ các bên. Trên thực tế, khu đất từ trước đến nay vẫn do Công ty Tuệ Minh quản lý, sử dụng; phía bị đơn chưa thực hiện hoạt động nào trên đất, nên không bị thiệt hại.
Với nhận định nêu trên, HĐXX không có căn cứ hủy án sơ thẩm để xét xử lại và tuyên bác kháng cáo của bị đơn.
Về quyền lợi của ông Qiu Rongyou, HĐXX xác định giao dịch trong vụ án là giao dịch giữa các pháp nhân, ông Qiu Rongyou cũng như những cá nhân khác chỉ là người nộp tiền thay cho các pháp nhân. Nếu có yêu cầu gì, ông Qiu Rongyou sẽ giải quyết với Công ty Nijia.