Đến thời điểm này, cháu Bích vẫn điều trị tại phòng cách ly và được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Sức khỏe cháu Bích đang phục hồi tốt, bàn tay được nối đã có thể co duỗi. Tuy nhiên, để hạn chế những cử động mạnh ảnh hưởng đến các mạch máu mới được khâu nối, cháu vẫn phải dùng một máng giữ đoạn xương bàn tay từng bị cắt rời cho đến khi phần xương nối hồi phục tốt hơn.
Cũng theo Bệnh viện Việt Đức, cháu Bích là một cháu bé gan dạ, dù đã biết về tình hình gia đình mình song cháu vẫn tỏ ra rất bình tĩnh, ít khóc. Ngoài việc chăm sóc sau phẫu thuật cho cháu bé, các nhân viên y tế của bệnh viện vẫn thường xuyên trò chuyện để cháu bé phần nào vơi đi nỗi đau về thể xác và tinh thần.
Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) - nơi cháu Bích đang được điều trị tích cực
Theo TS-BS Ngô Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), việc một cháu bé phải chứng kiến cảnh bố mẹ và em bị thảm sát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của cháu, nhiều khả năng cháu bé sẽ bị chấn tâm lý. Vì vậy, cùng với việc điều trị thực thể, cần áp dụng các biện pháp hoặc tạo môi trường để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhi. Tốt nhất sau khi xuất viện nên đưa cháu đến bệnh viện chuyên khoa để được chăm sóc, điều trị toàn diện về tâm lý, cảm xúc. BS Hồi nhận định đây là tổn thương rất nặng nề về mặt tâm lý, tình cảm khi mất đi quá nhiều người thân cùng một lúc. Đối với một đứa trẻ đang sống trong sự bảo bọc của cha mẹ nay bỗng chốc mất hết người thân thì việc để cháu chấp nhận sự thật sẽ rất khó khăn. “Trong hoàn cảnh hiện tại, khi mọi người thăm hỏi có lẽ cháu sẽ bớt đi cảm giác sợ hãi nhưng sắp tới khi tỉnh táo, hồi tưởng lại cảnh tượng kinh hoàng mà cháu phải chứng kiến, nhiều khả năng cháu sẽ hoảng loạn. Việc đưa cháu bé về nhà trong thời điểm này rất nguy hiểm. Điều này có thể sẽ khiến cháu xúc động quá mức, đau khổ, gào thét vì mất người thân và về lâu dài cháu có thể bỏ ăn, chạy trốn, gặp những cơn ác mộng, thậm chí cháu sẽ bị stress sau sang chấn dẫn đến loạn thần”- bác sĩ Hồi lo ngại. Theo D.Thu (NLĐ)