Vụ đánh bom Bangkok: Nghi can thứ hai có hộ chiếu TQ

Ngày 2-9, người phát ngôn cảnh sát Thái Lan thông báo dấu vân tay của nghi can thứ hai bị bắt hôm 1-9 ở biên giới trùng khớp với dấu vân tay để lại trên vật dụng chế tạo bom tại căn hộ của nghi can thứ nhất ở quận Nong Chok.

Người phát ngôn khẳng định nghi can này có một hộ chiếu Trung Quốc ghi nơi cư trú ở Tân Cương. Ông cho biết thêm nghi can nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát chưa rõ đó là hộ chiếu thật hay giả.

Nếu đó là hộ chiếu thật thì thủ phạm vụ đánh bom ở Bangkok ắt có liên quan đến sự kiện Thái Lan trục xuất 109 người dân tộc Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc hồi tháng 7.

Tuần trước, Bộ Nội vụ Thái Lan đã yêu cầu các cảnh sát không nhắc đến người dân tộc Duy Ngô Nhĩ trong quá trình điều tra và gọi đó là vụ gây rối chứ không phải khủng bố.

Báo Bangkok Post đưa tin ngày 2-9, cảnh sát cũng đã công bố lệnh bắt giữ đối với Emrah Davutoglu vì sở hữu vũ khí trái phép. Đây là  chồng của nghi can Wanna Suansan.

Cảnh sát phát lệnh bắt Wanna Suansan hôm 31-8 sau khi tìm thấy vật dụng chế tạo bom trong phòng thuê của cô này ở quận Min Buri. Tuy nhiên, cô này cho hãng tin AFP biết cô sẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ về nước hợp tác với cảnh sát làm rõ trắng đen.

 
Hộ chiếu Trung Quốc của người tên Yusufu Mieraili, 25 tuổi (ảnh trên) và Emrah Davutoglu, chồng nghi can Wanna Suansan (ảnh dưới). Ảnh: BANGKOK POST

Bộ Ngoại giao Thái Lan thông báo sẵn sàng cấp tiền cho cô này về Thái.

Gia đình cô ở tỉnh Phang Nga vẫn tin con gái vô tội. Gia đình cho biết sau khi tốt nghiệp khoa chính trị học ở ĐH Ramkhamhaeng, cô làm việc cho các công ty thương mại quốc tế rồi kết hôn với người chồng có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và có một con nhỏ 17 tháng. 

Liên quan đến nghi can thứ hai bị bắt hôm 1-9, báo chí Thái Lan đưa tin khác nhau về nơi bắt giữ.

Báo Thai Rath cho biết nghi can bị bắt gần biên giới Campuchia. Báo Matichon lại đưa tin vụ bắt giữ xảy ra bên Campuchia.

Hôm 1-9, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thông báo nghi can bị bắt khi định vượt biên sang Campuchia ở xã Ban Pa Rai thuộc huyện Aranyaprathet (tỉnh Sa Kaeo).

Thiếu tướng Srisak Poonprasit, tư lệnh sư đoàn 2 bộ binh, cũng khẳng định đội tuần tra tìm thấy nghi can ở huyện Aranyaprathet cách biên giới Campuchia 500 m.

Tuy nhiên, báo Bangkok Post dẫn nguồn tin cảnh sát lại cho biết nghi can rời Thái Lan qua cửa khẩu ở huyện Aranyaprathet sang Poipet rồi đi Phnom Penh hôm 21-8.

Hôm 31-8, Campuchia bắt được nghi can ở sân bay Pochengtong tại Phnom Penh khi hắn đang định đi Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm sau, Campuchia áp giải nghi can về Poipet đối diện cửa khẩu tỉnh Sa Kaeo để trao trả cho Thái Lan.

Báo Phnom Penh Post (Campuchia) cũng dẫn nguồn từ một sĩ quan cảnh sát cấp cao Campuchia khẳng định Campuchia bắt nghi can và bàn giao cho Thái Lan qua cửa khẩu Poipet. Sĩ quan này đoan chắc: “Phía Thái Lan còn hậu tạ chúng tôi vì nghi can này mà”.

Thế nhưng ngày 1-9, cảnh sát Campuchia lại tuyên bố với báo giới: “Không, chúng tôi không bắt giữ người đàn ông này ở Campuchia”. Báo Phnom Penh Post cho rằng vụ Campuchia bắt giữ nghi can được giữ bí mật vì Trung Quốc đang truy nã nghi can này.

8 lệnh bắt giữ đã được tòa án công bố gồm nghi can mặc áo vàng mang ba lô ở đền Erawan, nghi can mặc áo xanh (ném vật nổ ở bến tàu), Wanna Suansan và chồng tên Emrah Davuloglu, Ali Jolan, Ahmet Bosonglan và hai nghi can nước ngoài. Trong số này có hai nghi can đã bị bắt.

 __________________________

Ngày 2-9, người phát ngôn cảnh sát thông báo sắp tới Thái Lan sẽ áp dụng sinh trắc học để chống hộ chiếu giả. Cùng ngày, đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thái Lan đã đề nghị Bộ Ngoại giao Thái Lan cung cấp thông tin về nghi can thứ nhất bị bắt chiều 29-8 ở quận Nong Chok với hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ giả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm