Vụ đánh cô gái trên đường Khánh Hội: Nếu thương tích dưới 11% có khởi tố được không?

(PLO)- Hiện cơ quan công an đã bắt khẩn cấp Bùi Thanh Khoa để điều tra vụ ông này đánh cô gái trên đường Khánh Hội nhưng nhiều bạn đọc thắc mắc nếu thương tích nạn nhân dưới 11% thì có khởi tố được không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 10-12, Cơ quan CSĐT Công an Quận 4, TP.HCM đã bắt khẩn cấp với ông Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, thường trú Quận 10; hiện ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Khoa chính là người đã đánh người sau va quẹt giao thông trên đường Khánh Hội vào sáng ngày 9-12.

vụ đánh cô gái trên đường Khánh Hội
Công an Quận 4 đã bắt khẩn cấp Bùi Thanh Khoa vì đã đánh cô gái trên đường Khánh Hội sau va quẹt giao thông. Ảnh: CA

Cụ thể, khi đang đi trên đường Khánh Hội thì bị Khoa chạy xe máy ép xe vào lan can giữa đường, làm xe của chị A va quẹt vào phía sau xe của Khoa.

Lúc này, Khoa chủ động dừng xe, quay lại dùng hai tay đánh liên tiếp vào mặt chị A. Khi cô gái té ngã vào lan can giữa đường, Khoa đã dùng cùi chỏ tay trái đánh vào vùng đỉnh đầu dùng chân phải đá vào mặt chị A.

Khi chị A đứng dậy, Khoa tiếp tục dùng tay đánh vào người, cho đến khi có một người lái xe 16 chỗ đi bên chiều đường ngược lại dừng xe lại và có lời nói can ngăn thì Khoa mới dừng việc đánh chị A rồi lên xe bỏ đi.

Sau khi bị Khoa đánh gây thương tích, chị A đến Công an phường 4, quận 4 trình báo sự việc và đến Bệnh viện quận 4 để khám vết thương. Chị A có đơn yêu cầu giám định và xử lý hình sự đối với người gây ra thương tích cho mình là Khoa.

Một người đi đường có xe ô tô gắn camera hành trình cũng cung cấp dữ liệu cho cơ quan điều tra và đề nghị cơ quan điều tra xử lý nghiêm hành vi của Khoa.

Khi xem clip, nhiều bạn đọc bức xúc và thắc mắc là trường hợp này có bắt buộc thương tích phải trên 11% mới khởi tố bị can được hay không, bởi khi xem clip mọi người đều cho rằng hành vi của Khoa là côn đồ?

Trả lời vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Cương (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng qua đoạn clip cho thấy sau khi va chạm, Khoa đã đánh người vừa có va chạm xe với mình là chị A. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện tại chưa biết được thương tích của chị A. Tuy nhiên chị A đã có đơn yêu cầu giám định và xử lý hình sự đối với người gây ra thương tích cho mình là Khoa. Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an Quận 4, TP.HCM cũng đã bắt khẩn cấp Khoa để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Đối với tội cố ý gây thương tích, Điều 134 BLHS 2015, sửa đổi năm 2017 quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như có tính chất côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Vì vậy nếu thương tích của chị A từ 11% trở lên thì Khoa sẽ bị khởi tố về tội này. Còn nếu thương tích của chị A dưới 11% thì phải thuộc một trong các trường hợp nêu trên (khoản 1 Điều 134) thì người gây thương tích mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 nêu trên.

Về tình tiết có tính chất côn đồ, theo tinh thần Công văn số 38/NCPL ngày 6-1-1976 của TAND Tối cao và Kết luận của Chánh án TAND Tối cao tại hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 1995, "côn đồ" được hiểu là những người coi thường pháp luật, thường xuyên gây rối trật tự, sẵn sàng sử dụng bạo lực để uy hiếp người khác, thậm chí gây thương tích hoặc giết người chỉ vì những lý do nhỏ nhặt hoặc vô cớ. Hành vi có tính chất côn đồ thường thể hiện sự quyết liệt, không tương xứng với hoàn cảnh và nguyên cớ của sự việc.

Theo luật sư Cương, hành vi đánh nhau xảy ra sau một va chạm giao thông, có thể coi là một phản ứng tức thời. Tuy nhiên, qua đoạn clip cho thấy Khoa đã tiến tới và đấm vào mặt nạn nhân, sau đó tiếp tục đạp vào mặt khi nạn nhân đã ngã xuống đất, cho thấy hành vi này có tính chất quyết liệt và không tương xứng với nguyên nhân ban đầu (va chạm nhẹ).

Về mức độ tấn công, với hành vi đánh, đập liên tục, nếu không có sự can ngăn hoàn toàn có thể gây thương tích cho nạn nhân. Qua đó cho thấy sự có quyết liệt trong hành động. Hành vi này diễn ra một cách công khai và có tính chất thách thức, đây có thể được coi là có tính chất côn đồ.

Dựa trên các yếu tố trên, luật sư Cương nhận định hành vi của Khoa có tính chất côn đồ. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, người bị đánh cần sớm thực hiện việc giám định để xác định tỉ lệ thương tích. Đồng thời cũng phải xem xét cụ thể các tình tiết của vụ việc cũng như các yếu tố liên quan đến nhân thân của người thực hiện hành vi.

Cạnh đó, theo luật sư Cương, việc người bị đánh dựng xe và xin lỗi người đi đường là hành động tích cực, thể hiện sự tôn trọng đối với người tham gia giao thông khác và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn trật tự giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm