Vụ đất vàng Bình Dương: Ái nữ nói không muốn cha đau lòng

(PLO)- Con gái cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2 nói sẽ không lập luận dài dòng, do “không muốn đào sâu” thêm sự việc, không muốn làm cha mình đau lòng...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2). Các bị cáo và luật sư bào chữa tiếp tục đối đáp lại quan điểm buộc tội của đại diện VKS.

19 tuổi đứng tên chủ tịch công ty

Bị cáo Nguyễn Thục Anh, cựu chủ tịch Công ty TNHH Phát Triển, con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2), là một trong những bị cáo cuối cùng tự bào chữa. Thục Anh bị VKS đề nghị 3-4 năm tù về tội tham ô tài sản.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (chống gậy) tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (chống gậy) tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG

Theo cáo buộc, năm 2011 Công ty Phát Triển được bị cáo Minh “hậu thuẫn”, đưa vào liên doanh Công ty Tân Thành để thực hiện dự án trên khu đất 145 ha. Dù biết công ty không có năng lực nhưng vì mối quan hệ gia đình và nhận thấy sẽ được hưởng lợi từ dự án này nên Thục Anh đồng ý tham gia.

Đến năm 2018, để có tiền xử lý dư nợ tại Tổng công ty 3/2, ông Minh chỉ đạo Thục Anh và những người liên quan chuyển nhượng 19% vốn điều lệ tại Công ty Tân Thành sang cho Tổng công ty 3/2 - cổ phần.

Tuy nhiên, bằng các “thủ thuật”, nhóm bị cáo nâng giá trị của Công ty Tân Thành từ hơn 16.000 đồng/cổ phần lên mức hơn 105.000 đồng/cổ phần để thực hiện chuyển nhượng, tức chênh lệch gần 90.000 đồng/cổ phần.

Với việc mua 19% vốn điều lệ của Công ty Tân Thành, tương ứng hơn 9,1 triệu cổ phần, Tổng công ty 3/2 - cổ phần bị thiệt hại hơn 815 tỉ đồng. Số tiền này bị các bị cáo chiếm hưởng để chi tiêu vào mục đích cá nhân, trong đó ông Minh chiếm hưởng hơn 154 tỉ đồng, Thục Anh hơn 200 tỉ đồng.

Quá trình xét xử, Nguyễn Thục Anh khai chỉ đứng tên ở Công ty Phát Triển thay cho cha mình, mọi việc như sắp xếp nhân sự, nguồn tiền ra vào, chi tiêu thế nào, hay việc mua bán cổ phần… cũng đều do ông Minh điều phối.

Nữ bị cáo cho biết thời điểm đứng tên công ty thay cho cha mới chỉ 19 tuổi nên cũng không hiểu được hết các vấn đề. Khi ấy, bị cáo nghĩ mọi việc là bình thường. Phải đến quá trình điều tra, bị cáo mới nhận thức được hành vi của mình vô ý gây ra các sai phạm.

Khi HĐXX hỏi có hưởng lợi gì sau các giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần không, Thục Anh khẳng định “không được hưởng lợi một đồng nào”.

“Không muốn làm cho cha đau lòng”

Tự bào chữa trước tòa, Nguyễn Thục Anh tiếp tục khẳng định không hưởng lợi số tiền như cáo buộc của VKS. Bị cáo nói sẽ không lập luận dài dòng, do “không muốn đào sâu” thêm sự việc, “không muốn làm cha mình đau lòng” hoặc làm người khác bị tội nặng thêm.

Nữ bị cáo đề nghị HĐXX đánh giá xác đáng vai trò của bị cáo dựa trên ba yếu tố: Bị cáo không tiếp nhận ý chí từ cha, không đồng phạm cũng không hưởng lợi gì.

Theo phân trần của Thục Anh, trên thực tế có việc bị cáo đứng tên hộ cha mình đối với 51% cổ phần tại Công ty Phát Triển. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng với số cổ phần này thì cha mình cũng không có toàn quyền quyết định tại doanh nghiệp.

Thêm vào đó, do chỉ đứng tên hộ, bị cáo không thể có quyền chỉ đạo ban giám đốc của Công ty Phát Triển. “Kể cả có tiếp nhận ý chí của bố, bị cáo cũng không thể nào thực hiện vai trò đồng phạm trong cáo buộc tham ô” - Thục Anh nói.

Về con số 200 tỉ đồng mà VKS quy kết bị cáo chiếm hưởng, Thục Anh đề nghị HĐXX và cơ quan công tố xem xét lại các chứng cứ giao dịch ngân hàng liên quan để thấy rằng bị cáo thực tế không phạm tội.

Bào chữa cho Nguyễn Thục Anh, luật sư nêu quan điểm bị cáo chỉ đứng tên cổ phần lập công ty, còn thực tế không điều hành.

“Đây là quan hệ cha con, đặc biệt hơn trường hợp khác ở chỗ Thục Anh là con út, học hành tấn tới, đầy đủ, là niềm tự hào của ông Minh. Hổ dữ không ăn thịt con, lý gì cha có người con cưng như thế, diệu như thế lại đưa con vào vòng lao lý” - luật sư nói nhưng bị chủ tọa ngắt lời, đề nghị bào chữa bằng cách đưa ra các bằng chứng, tài liệu xác thực.

Tiếp tục bào chữa, luật sư cho rằng trong hành vi tham ô này thực chất “không có dấu hiệu chiếm đoạt”. Do toàn bộ số tiền vẫn hạch toán trong tài khoản của Tổng công ty 3/2, theo hệ thống tài chính, các bị cáo hoàn toàn không chi dùng cho cá nhân; có thể có việc tạm ứng, chi dùng sai nguyên tắc nhưng cũng không chiếm đoạt.

Doanh nghiệp muốn nộp tiền, giữ đất

Cũng trong quá trình xét xử, đại diện Công ty Tân Phú đề nghị được nhận lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng tại khu đất 43 ha bị cơ quan điều tra thu giữ. Công ty mong muốn được nộp đủ số tiền sử dụng đất chênh lệch theo phán quyết của tòa để được tiếp tục thực hiện dự án.

Luật sư của công ty cũng cho rằng giao dịch chuyển nhượng đất giữa Tân Phú và Tổng công ty 3/2 không vi phạm pháp luật. Do Tổng công ty 3/2 có ngành nghề kinh doanh bất động sản, sau khi đơn vị này hoàn thành các nghĩa vụ về bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công ty Tân Phú nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 43 ha đất và đã hoàn thành thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa trong vụ án, Tân Phú không bị cơ quan công tố xác định là bên phạm tội.

Trình bày quan điểm, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cũng đưa ra đề nghị cho Công ty Tân Phú được nộp số tiền sử dụng đất chênh lệch và tiếp tục thực hiện dự án tại khu đất 43 ha để bảo đảm không gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Về vấn đề này, tại phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả hai khu đất 43 ha và 145 ha về chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương để xử lý theo quy định. Đồng thời, Tổng công ty 3/2 phải hoàn thành nốt phần nghĩa vụ tài chính còn lại là nộp hơn 560 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm