Vụ ‘đất vàng’ Bình Dương: Đề nghị cho 2 bị cáo là vợ chồng hưởng ‘chính sách khoan hồng đặc biệt’

(PLO)- Luật sư của hai bị cáo là cặp vợ chồng trong vụ án bán rẻ “đất vàng” Bình Dương đề nghị HĐXX cho thân chủ của mình được hưởng “chính sách khoan hồng đặc biệt”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 20-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan, gây thiệt hại hơn 5.700 tỉ đồng.

Chiếm 815 tỉ đồng từ việc bán cổ phần

Các luật sư trình bày quan điểm đối đáp với bản luận tội của đại diện VKS, trong đó có luật sư của hai bị cáo Võ Hồng Cường (chủ tịch kiêm giám đốc Công ty CP Hưng Vượng) và Trần Đình Như Ý (vợ bị cáo Cường, chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển).

Các bị cáo trong vụ bán rẻ "đất vàng" Bình Dương. Ảnh: UYÊN TRANG

Các bị cáo trong vụ bán rẻ "đất vàng" Bình Dương. Ảnh: UYÊN TRANG

Trước đó, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Cường 6-7 năm tù, bị cáo Như Ý 3-4 năm tù, cùng về tội tham ô tài sản.

Theo cáo buộc, năm 2018, để có tiền xử lý dư nợ tại Tổng Công ty 3/2, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2) chỉ đạo con gái và những người liên quan (bao gồm hai vợ chồng Cường – Như Ý) chuyển nhượng 19% vốn tại Công ty Tân Thành sang cho Tổng Công ty 3/2- cổ phần.

Tuy nhiên, bằng các “thủ thuật”, nhóm bị cáo nâng giá trị của Công ty Tân Thành từ hơn 16.000 đồng/cổ phần lên mức hơn 105.000 đồng/cổ phần để thực hiện chuyển nhượng, tức chênh lệch gần 90.000 đồng/cổ phần.

Với việc mua 19% vốn điều lệ của Công ty Tân Thành (tương ứng hơn 9,1 triệu cổ phần), Tổng Công ty 3/2 – cổ phần bị thiệt hại hơn 815 tỉ đồng. Số tiền này bị các bị cáo chiếm hưởng để chi tiêu vào mục đích cá nhân.

Trong phần xét hỏi, cả hai vợ chồng bị cáo Cường - Như Ý đều thừa nhận cáo buộc của VKS về hành vi tham ô tài sản.

Xin khoan hồng đặc biệt vì đã khắc phục toàn bộ

Bào chữa tại tòa, luật sư cho rằng cả hai vợ chồng bị cáo này có vai trò “không đáng kể” trong hành vi tham ô tài sản, chỉ tiếp nhận ý chí của bị cáo Nguyễn Văn Minh để thực hiện, hoàn toàn không biết đằng sau là kế hoạch chiếm đoạt tài sản.

Tại Công ty Hưng Vượng cũng như Tân Thành, tỷ lệ sở hữu của bị cáo Cường đều thấp hơn bị cáo Minh. Bị cáo Cường là cấp dưới, là “cái bóng” của bị cáo Minh, không có quyền quyết định.

Trong số tiền 815 tỉ đồng tham ô, dòng tiền cho thấy người hưởng lợi là bị cáo Minh và một số bị cáo khác, vợ chồng Cường – Như Ý không được hưởng lợi đồng nào.

Luật sư cũng viện dẫn một số bút lục để cho rằng bị cáo Võ Hồng Cường từng đề xuất chỉ bán lại 19% cổ phần của Công ty Tân Thành với giá khoảng 60.000 – 70.000 đồng/cổ phần thay vì hơn 105.000 đồng/cổ phần. Nếu đề xuất ngày đó của bị cáo được chấp thuận, hậu quả của vụ án đã thấp hơn nhiều so với thực tế.

Đặc biệt, luật sư cho biết, ngay từ thời điểm chưa khởi tố vụ án, hai bị cáo này cùng những người khác đã tự nguyện khắc phục toàn bộ với số tiền lên tới 964 tỉ đồng, bao gồm cả tiền thiệt hại và lãi phát sinh.

“Gia đình hai bị cáo đã vận động họ hàng, bạn bè, mang toàn bộ sản nghiệp đi thế chấp, vay mượn để lấy tiền khắc phục. Hiện nay, hai bị cáo và các pháp nhân liên quan mang tổng dư nợ khoảng 1.100 tỉ đồng, ngày đêm làm ăn trả nợ…” – luật sư nói.

Ngoài ra, bị cáo Cường còn có rất nhiều thành tích trong quá trình công tác. Ở góc độ cá nhân, bị cáo có 17 bằng khen và kỷ niệm chương. Ở góc độ tập thể, bị cáo có 23 huân chương và bằng khen…

Từ những căn cứ đưa ra, luật sư đề nghị cho hai bị cáo Cường, Như Ý và nhóm bị cáo tội tham ô tài sản được hưởng “chính sách khoan hồng đặc biệt”. Vì họ đã nỗ lực trên khả năng của mình để khắc phục hậu quả rất sớm, với số tiền đặc biệt lớn.

HĐXX tuyên bố tạm nghỉ xét xử, sẽ tiếp tục làm việc vào sáng 22-8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm