Con rể cựu chủ tịch phủ nhận vai trò ‘đạo diễn’ phi vụ thâu tóm ‘đất vàng’ Bình Dương

(PLO)- Con rể cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2 nhiều lần phủ nhận vai trò đứng sau Công ty Âu Lạc – mắt xích quan trọng trong phi vụ thâu tóm “đất vàng” Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan, gây thiệt hại hơn 5.700 tỉ đồng.

Một số luật sư tham gia xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2 Nguyễn Văn Minh), để làm rõ cáo buộc của VKS khi cho rằng Dương là người đứng đằng sau Công ty Âu Lạc.

Bị cáo Nguyễn Đại Dương tại tòa ngày 18-8. Ảnh chụp màn hình

Bị cáo Nguyễn Đại Dương tại tòa ngày 18-8. Ảnh chụp màn hình

Cáo trạng xác định, năm 2010, sau khi được cha vợ bàn bạc tìm đối tác thực hiện dự án trên khu đất 43 ha, Dương chủ động liên hệ với hai người khác thành lập Công ty Âu Lạc.

Tiếp đó, Tổng Công ty 3/2 cùng Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh Công ty Tân Phú. Quá trình hợp tác, Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng trái phép khu đất 43 ha cho liên doanh Tân Phú, rồi lại tiếp tục chuyển nhượng nốt 30% vốn góp tại Tân Phú.

Chuỗi hành vi trên khiến tài sản nhà nước do Tổng Công ty 3/2 hoàn toàn rơi vào tay tư nhân, thiệt hại hơn 984 tỉ đồng.

VKS cho biết, ngày 22-6-2010, Công ty Âu Lạc thành lập với vốn điều lệ 6 tỉ đồng. Nhưng chỉ hơn một tuần sau – ngày 30-6-2010, trước một ngày ký hợp đồng thỏa thuận với phía Tổng Công ty 3/2, Âu Lạc thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nâng vốn điều lệ lên thành 60 tỉ đồng.

Trong đó, các cổ đông góp vốn trên giấy tờ gồm Nguyễn Quốc Hùng, Huỳnh Trung Nam và Dương Đình Tâm. Nhưng thực tế, Nguyễn Đại Dương mới là người bỏ tiền góp 30 tỉ đồng và nhờ ông Dương Đình Tâm đứng tên, Nguyễn Quốc Hùng góp 6 tỉ đồng và Huỳnh Trung Nam góp 24 tỉ đồng. Dương cũng là người trực tiếp điều hành công ty này.

“Nguyễn Đại Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Minh và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội…” – cáo trạng nhận định.

Trả lời tại tòa sáng nay, ông Dương Đình Tâm thêm một lần khẳng định chỉ là người đứng tên cổ đông giúp cho Nguyễn Đại Dương, bản thân không góp vốn vào Công ty Âu Lạc.

Những ngày xét xử trước đó, ông Tâm cho biết năm 2010, ông được Nguyễn Văn Dương nhờ ký một số giấy tờ nhưng “không đọc, Dương đưa thì ký”. Đến năm 2015, ông Tâm trả lại các giấy tờ trên cho Dương. Dương viết một tờ giấy xác nhận thể hiện ông Tâm chỉ là người đứng tên 45% cổ phần tại công ty giúp cho Dương. “Thực tế, tôi không có tiền để mà góp vốn vào công ty. Lúc đó chỉ là người bán thịt heo” - ông Tâm nói.

Các bị cáo trong vụ thâu tóm "đất vàng" Bình Dương. Ảnh chụp màn hình

Các bị cáo trong vụ thâu tóm "đất vàng" Bình Dương. Ảnh chụp màn hình

Ngược lại với lời khai của ông Tâm, bị cáo Nguyễn Đại Dương tiếp tục phủ nhận vai trò đứng sau công ty Âu Lạc.

Trả lời về cáo buộc “trực tiếp điều hành công ty”, ông Dương nói không thể giải thích vì sao VKS lại quy kết như vậy, vì cáo trạng không đưa ra căn cứ pháp lý phù hợp.

Bị cáo phủ nhận việc đứng sau chỉ đạo Công ty Âu Lạc, cũng không nhờ ai góp vốn tại công ty này. “Tôi thấy dự án này không sinh lời, và bản thân tôi cũng không bao giờ làm bất động sản ở đâu ngoài quê hương mình – Hà Nội” – bị cáo nói.

Vẫn theo lời Dương, khi cha vợ là Nguyễn Văn Minh nhờ tìm đối tác đầu tư dự án 43 ha, vì sợ ảnh hưởng, sợ gây hiểu lầm là nấp sau lưng cha vợ, nên bị cáo chỉ đóng vai trò giới thiệu người tham gia liên doanh.

Bị cáo nhiều lần khai rằng, thực tế số tiền mà ông Tâm nói đứng tên cổ đông thay cho bị cáo là của một người khác. Bị cáo chỉ đưa cho ông Tâm các hồ sơ liên quan đến việc thành lập công ty để ký…

“Tôi không hiểu sao anh Tâm lại nói thế… Tôi không giải thích được” – Nguyễn Đại Dương nói, và cho rằng việc góp vốn vào công ty sẽ được thể hiện bằng người góp vốn, mà khi nộp tiền góp vốn đều thông qua tài khoản. Các cáo buộc hoặc lời khai có đúng hay không thì phải phù hợp với những chứng cứ khách quan đó.

“Làm sai thì nhận, phải ngẩng mặt với bà con Bình Dương"

Cũng tại tòa sáng nay, ông Trần Văn Nam - cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cho hay việc ký ban hành quyết định giao khu đất 43ha cho Tổng công ty 3/2 là phù hợp với chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương.

Bị cáo tiếp tục bác bỏ cáo buộc ký các văn bản lùi ngày bỏ khu đất 43ha ra khỏi công văn số 407 với mục đích "hợp thức hóa" việc Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng trái phép cho tư nhân.

Tiếp tục trình bày, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nói với ông Ngô Dũng Phương - cựu trưởng phòng tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, người từng là cấp dưới của mình: "Anh Phương phải dũng cảm, làm sai thì nhận, mình phải ngẩng mặt với bà con Bình Dương".

Đồng thời, bị cáo thừa nhận việc Tổng công ty 3/2 góp vốn vào Công ty Tân Phú thực chất là mang đất đi góp vốn, việc này gây bức xúc trong thường trực tỉnh ủy.

Ông Nam cho rằng không thể giao 43ha về Công ty Impco vì đây là doanh nghiệp mới thành lập, không liên quan. Do vậy, ông có chỉ đạo để lại khu đất 43ha, yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm của Tổng công ty 3/2 trong việc góp vốn rồi thoái vốn. "Quan điểm xuyên suốt là phải làm cho rõ, loại khu đất 43ha ra để không vướng vào Impco nữa bởi đó là công ty mới thành lập, ý định chỉ có thế", ông Nam phân trần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm