Ngày 16-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan.
Các bị cáo trong vụ bán rẻ "đất vàng" Bình Dương |
"Tỉnh ủy không biết đất vàng bị bán"
Có mặt tại phiên xử, ông Phạm Văn Hiền - Chánh văn phòng, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, hai khu đất 43 ha và 145 ha nằm ở vị trí cửa ngõ, là nơi khẳng định hình ảnh, thương hiệu của tỉnh Bình Dương.
Đến nay, Văn phòng tỉnh ủy, Thường trực tỉnh ủy đang quyết liệt giải quyết các tồn tại. Hành vi sai phạm của các cá nhân gây ra sẽ được các cơ quan tố tụng phán quyết, còn trách nhiệm của tỉnh Bình Dương là tìm mọi cách để làm đúng pháp luật.
Với khu đất 145 ha, ông Hiền cho hay Tỉnh ủy Bình Dương, Văn phòng tỉnh ủy, Công ty Tân Thành và các cá nhân, pháp nhân góp vốn có văn bản thống nhất sẽ hoàn trả khu đất cho Tỉnh ủy và Tỉnh ủy hoàn trả tiền vốn góp tại thời điểm góp vốn.
Với khu đất 43 ha, nếu tòa tuyên hủy các hợp đồng để trả lại khu đất cho tỉnh Bình Dương, Tỉnh ủy phải cho đấu giá khu đất đó, nếu không sẽ gây thất thoát tài sản Nhà nước...
Đáng chú ý, vị đại diện thừa nhận Tỉnh ủy Bình Dương từng có văn bản phê duyệt phương án sử dụng đất đối với Tổng Công ty 3/2 khi cổ phần hóa, trong đó nêu rõ khu đất 43 ha phải chuyển về cho Công ty Impco (trực thuộc Tỉnh ủy) quản lý.
“Theo văn bản này, khu đất 43 ha không còn là tài sản của Tổng Công ty 3/2, vậy mà lại mang đi chuyển nhượng trái thẩm quyền. Tỉnh ủy có ý kiến gì?” – đại diện VKS hỏi.
Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết tại thời điểm Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú, Tỉnh ủy cũng như Thường trực Tỉnh ủy đều không biết.
Vẫn theo vị đại diện, quan điểm của Tỉnh ủy rất rõ từ trước đến nay. Đó là khi biết Tổng Công ty 3/2 góp vốn bằng đất thay vì bằng tiền, Tỉnh ủy đã yêu cầu hủy toàn bộ chủ trương trước đây để đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra, làm rõ.
Đại diện VKS tại phiên tòa |
Vai trò "bí ẩn" của con rể cựu chủ tịch
Cũng tại phiên tòa, đại diện VKS tham gia xét hỏi đối với một số bị cáo và người liên quan, nhằm làm rõ quá trình thành lập và vai trò của các cá nhân tại Công ty CP Bất động sản Âu Lạc.
Theo cáo buộc, sau khi được cha vợ là Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2) bàn bạc về việc tìm đối tác đầu tư dự án tại khu đất 43 ha, bị cáo Nguyễn Đại Dương cùng một số người đứng ra thành lập Công ty Âu Lạc.
Thực hiện kế hoạch “thâu tóm”, Công ty Âu Lạc cùng Tổng Công ty 3/2 liên doanh thành lập Công ty Tân Phú, Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng khu đất 43 ha sang cho Công ty Tân Phú. Tiếp đó, Tổng Công ty 3/2 xin chủ trương rồi chuyển nhượng nốt 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Lúc này, toàn bộ quyền sở hữu tài sản của Tổng Công ty 3/2 – tức tài sản nhà nước – đã chấm dứt, chuyển vào tay doanh nghiệp tư nhân. Hậu quả khiến ngân sách thất thoát hơn 984 tỉ đồng.
Vẫn theo cáo buộc, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 2 cho thấy Công ty Âu Lạc có vốn điều lệ 153 tỉ đồng, gồm: ông Dương Đình Tâm góp 68,85 tỉ (chiếm 45%), Huỳnh Trung Nam góp 68,85 tỉ (chiếm 45%) và Nguyễn Quốc Hùng góp 15,3 tỉ (chiếm 10%). Trong đó, ông Tâm là người đứng tên cổ đông thay cho Nguyễn Đại Dương.
Tháng 8-2010, Công ty Âu Lạc thay đổi lần thứ 3 người đại diện pháp luật là Dương Đình Tâm - tổng giám đốc. Đến tháng 11-2018, công ty thay đổi lần thứ 4, người đại diện pháp luật là Nguyễn Quốc Hùng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.
Tuy nhiên, VKS nhận định, trên thực tế Nguyễn Đại Dương mới là người trực tiếp điều hành Công ty Âu Lạc.
Quá trình xét xử, cả hai đời tổng giám đốc của Công ty Âu Lạc đều có nhiều lời khai cho thấy người có vai trò đứng sau doanh nghiệp này là Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Nguyễn Văn Minh).
Bị cáo Nguyễn Quốc Hùng cho biết Nguyễn Đại Dương là người giới thiệu bị cáo gặp bị cáo Nguyễn Văn Minh và đại diện Công ty Kim Oanh để hợp tác làm ăn.
Sau khi ký hợp đồng hợp tác liên doanh với Tổng Công ty 3/2, ông Hùng có báo lại cho ông Dương biết. Sau này, công việc hợp tác có vướng mắc gì, ông Hùng cũng đều báo cho ông Dương để nắm được.
Tại phiên tòa hôm qua, với tư cách nhân chứng, ông Dương Đình Tâm cho biết năm 2010, ông được Nguyễn Văn Dương nhờ ký một số giấy tờ nhưng “không đọc, Dương đưa thì ký”.
Đến năm 2015, ông Tâm trả lại các giấy tờ trên cho Dương. Dương viết một tờ giấy xác nhận thể hiện ông Tâm chỉ là người đứng tên 45% cổ phần tại công ty giúp cho Dương. “Thực tế, tôi không có tiền để mà góp vốn vào công ty. Lúc đó chỉ là người bán thịt heo” - ông Tâm nói.
Ngược lại với cáo buộc đứng sau Công ty Âu Lạc, bị cáo Nguyễn Đại Dương khai rằng việc thành lập công ty là do các cổ đông của công ty thực hiện và ông chỉ “biết sơ sơ”, chứ không tham gia. Năm 2010, khi ông Minh kể rằng Tổng công ty 3/2 đang gặp rất nhiều khó khăn, bị cáo mới kết nối để cha vợ với một số người bạn thành lập liên doanh.
“Bị cáo hoàn toàn không tham gia quá trình liên doanh thành lập công ty sân sau như cáo buộc. Chỉ khi VKS ra cáo trạng, bị cáo mới biết Công ty Âu Lạc đã chuyển tiền cho Tổng công ty 3/2” - ông Dương giải thích.
Bị cáo cũng thừa nhận có viết bản cam kết thể hiện nhờ ông Tâm đứng tên giúp 45% vốn điều lệ tại Công ty Âu Lạc nhưng cho rằng mình cũng chỉ được người khác nhờ đứng tên khi cam kết.