Ngày 19-4, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục phiên tòa sơ thẩm (lần ba) xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Trần Thị Tuyết (34 tuổi, ngụ xã Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Đây là vụ án được cho là có đông luật sư (LS) bào chữa cho một bị cáo nhất từ trước đến nay.
Bị cáo Trần Thị Tuyết
Diễn biến phiên tòa, sau hơn hai ngày xét hỏi, trong phần luận tội, đại diện VKS cáo buộc, trong thời gian từ ngày 1-5-2012 đến ngày 11-4-2013, lợi dụng sơ hở trong quản lý tài chính của Công ty Bảo Định, Tuyết đã dùng thủ đoạn gian dối bằng cách cho rằng Tuyết phải trả các khoản nợ khi chuyển từ Công ty Thiên Long sang Công ty Bảo Định đã chiếm đoạt của Công ty Bảo Định 732 triệu đồng.
Đại diện VKS cũng cho rằng việc truy tố bị cáo Tuyết về tội danh trên là có căn cứ, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo 12-13 năm tù. Đồng thời, VKS cũng đề nghị HĐXX buộc bị cáo Tuyết phải bồi thường 732 triệu đồng cho phía bị hại là Công ty Bảo Định.
Không đồng tình với quan điểm này, bị cáo Tuyết liên tục kêu oan cho rằng không phạm tội và không đồng ý với bản luận tội của VKSND tỉnh Tiền Giang.
Tại tòa, các LS bào chữa cho bị cáo nêu ra nhiều vấn đề còn khuất tất trong vụ án chưa được làm rõ. Cụ thể, các LS cho rằng hồ sơ vụ án bị sai lệch hoàn toàn. Bởi lẽ trước đó trong quá trình điều tra, ngày 1-8-2016, điều tra viên đã cho Công ty Bảo Định mượn toàn bộ bản chính hồ sơ vụ án để Công ty Bảo Định mang về công ty. Các LS cho rằng chính việc cho mượn toàn bộ hồ sơ này đã làm cơ sở cho Công ty Bảo Định thay đổi toàn bộ số liệu sổ sách cho phù hợp với nội dung tố cáo Tuyết chiếm đoạt tiền của Công ty Bảo Định. LS khẳng định điều tra viên cho Công ty Bảo Định mượn hồ sơ là trái quy định của pháp luật dẫn đến VKS truy tố oan cho bị cáo.
Đây là vụ án có đông luật sư bào chữa nhất cho một bị cáo.
Mặt khác trong vụ án này, cáo trạng VKS cáo buộc Tuyết chiếm đoạt tiền của Công ty Bảo Định từ ngày 1-5-2012 đến ngày 31-10-2012 là 398,6 triệu đồng gồm: Tổng thu của Công ty Bảo Định là trên 3,2 tỉ đồng, tổng chi của Công ty Bảo Định là trên 2,9 tỉ đồng. So sánh, hai số tổng chi và tổng thu của Công ty Bảo Định thì số tiền bị cáo buộc là Tuyết chiếm đoạt lớn hơn số tiền tồn của công ty. Trên cơ sở này, các LS cho rằng các con số trong cáo trạng truy tố bị cáo Tuyết là không có cơ sở.
“Tôi không biết cơ quan VKS sơ suất hay chủ quan trong quá trình buộc tội bị cáo. Trong cáo trạng, VKS dựa vào đâu để nói rằng Tuyết chiếm đoạt 398,6 triệu đồng của công ty. Vì nếu lấy tổng thu trừ tổng chi trong giai đoạn này thì ra con số tồn hơn 317 triệu đồng. Như vậy VKS cho rằng thân chủ tôi chiếm đoạt 398,6 triệu đồng thì tiền đâu để thân chủ tôi chiếm đoạt” - một LS nói.
Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện sổ sách kế toán của Công ty Bảo Định có nhiều con số đã bị tẩy xóa, cạo sửa. Các LS cho rằng việc cạo sửa này là do Công ty Bảo Định sau khi mượn hồ sơ về đã chỉnh sửa lại các con số cho phù hợp với đơn tố cáo để vu khống Tuyết chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án, người tố cáo Tuyết là bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Bà Mai tố cáo Tuyết sau khi bà này đã nghỉ việc tại Công ty Bảo Định gần hai tháng. Trong thời gian bà Mai nghỉ việc, bà Mai có đến Công ty Bảo Định đòi rút lại tiền góp vốn 50 triệu đồng nhưng chưa được công ty đồng ý. Sau đó bà Mai viết đơn tố cáo Tuyết. Tại tòa, bà Mai thừa nhận tố cáo Tuyết là do sự chỉ đạo của ông Phan Quốc Dũng (Chủ tịch HĐTV Công ty Bảo Định). Tại tòa, bà Mai cũng thừa nhận tố cáo Tuyết là sai quy định.
Tuyết khai do Công ty Bảo Định hoạt động không hiệu quả nên bị cáo xin nghỉ việc, đòi rút cổ phần 30 triệu đồng ra khỏi công ty. Tuy nhiên, không được ông Phan Quốc Dũng trả. Tuyết đã tố cáo ông Dũng đến ngân hàng nhà nước (nơi ông Dũng làm việc) việc ông Dũng “ăn cắp” giờ của nhà nước để đi làm công ty riêng. Từ đây giữa Tuyết và ông Dũng phát sinh mâu thuẫn, ông Dũng cũng nhiều lần gọi điện thoại đe dọa sẽ đưa Tuyết ra tòa. Sau đó bị cáo Tuyết bất ngờ bị bắt giam.
Trước đó vụ án đã nhiều lần được đưa ra xét xử, TAND Cấp cao tại TP.HCM từng hủy bản án sơ thẩm phạt bị cáo 12 năm tù vì chưa đủ căn cứ buộc tội bị cáo. Sau nhiều lần tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, VKSND tỉnh Tiền Giang nhiều lần thay đổi cáo trạng truy tố bị cáo Tuyết chiếm đoạt 732 triệu đồng của Công ty Bảo Định ở nhiều giai đoạn khác nhau.
Cũng trong chiều ngày 19-4, khi VKS vừa kết thúc phần tranh luận, chủ tọa phiên tòa tiếp tục cho LS có ý kiến bào chữa cho bị cáo Tuyết. Sau khi LS có ý kiến xong, tiếp đến những người có quyền và nghĩa vụ liên quan lần lượt có ý kiến phát biểu. Lúc này đã hơn 17 giờ chiều, chủ tọa phiên tòa mới thông báo tạm ngưng phiên xử và thông báo do một số thành viên trong HĐXX có công việc nên không thể tiếp tục xét xử vào ngày 20-4 mà tạm ngưng cho đến ngày 23-4 sẽ xét xử tiếp. Lúc này các LS có ý kiến xin phép HĐXX các luật sư sẽ không dự phiên xử ngày 23-4 với lý do bận công việc. Do đó LS đề nghị HĐXX xem xét những quan điểm mà LS đã trình bày, cân nhắc để có phán quyết ra bản án đúng pháp luật. Trong lúc này, chủ tọa hỏi các LS có cần nghe VKS đối đáp không thì các LS đồng ý. Chủ tọa tiếp tục cho VKS đối đáp. Tiếp đó các LS xin ý kiến được tiếp tục tranh luận, cùng lúc này, một Cảnh sát tư pháp giơ tay xin HĐXX với lý do: “Đã quá giờ làm việc đề nghị cho chúng tôi dẫn bị cáo về trại”. Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, chủ tọa Lê Thanh Vân cho biết, do thời điểm đó cũng đã quá 17 giờ nên HĐXX tuyên kết thúc phiên xử giao bị cáo cho lực lượng cảnh sát tư pháp dẫn giải bị cáo về trại giam. Nhưng sau khi Cảnh sát dẫn bị cáo rời khỏi phòng xử án, các luật sư vẫn còn bức xúc “đòi” tiếp tục tranh luận. Lúc này chủ tọa tuyên ngưng phiên tòa nhưng LS vẫn xin được nói. Ông Trương Văn Sang- Phó chánh án TAND tỉnh Tiền Giang cho biết, trong trường hợp này, việc cảnh sát dẫn giải bị cáo rời khỏi phòng xử án đã được sự cho phép của chủ tọa phiên tòa và Chủ tọa cũng tuyên bố tạm ngưng phiên xử là đúng quy định. Dù các LS vẫn bức xúc xin thêm thời gian để bào chữa thì những lời bào chữa của các LS và đối đáp của VKS trong lúc này không có mặt bị cáo thì HĐXX không ghi nhận. Tòa xem đó là quá trình trao đổi riêng của LS và VKS. |