Vụ án gây chú ý là có đông luật sư bào chữa cho một bị cáo trong một vụ án nhất.
Khai tại tòa, bị cáo Tuyết liên tục kêu oan, khẳng định không chiếm đoạt 732 triệu đồng của Công ty Bảo Định.
Bị cáo khai trước đó do công ty hoạt động không hiệu quả nên Tuyết xin nghỉ việc. Bị cáo có đòi ông Phan Quốc Dũng (chủ tịch HĐTV Công ty Bảo Định đồng thời là kế toán trưởng của một ngân hàng nhà nước tại Tiền Giang) trả lại 30 triệu đồng do trước đó bị cáo góp vốn vào công ty để bị cáo về nuôi con nhỏ.
Ông Dũng không trả nên tháng 6-2013, Tuyết có đơn tố cáo ông Dũng gửi đến ngân hàng nhà nước (nơi ông Dũng làm việc) tố cáo ông Dũng “ăn cắp” giờ của nhà nước để đi làm công ty riêng và chiếm đoạt 30 triệu đồng của bị cáo không trả. Sau đó ông Dũng liên tục gọi điện thoại dọa sẽ đưa Tuyết ra tòa. Cho đến ngày 11-4-2013, khi bị cáo có quyết định nghỉ việc bị cáo vẫn tiếp tục xin rút lại cổ phần hùn vốn vào công ty nhưng phía công ty trả lời là chưa có tiền.
Thời gian này, bị cáo Tuyết cho biết là liên tục bị ông Dũng điện thoại dọa sẽ đưa ra tòa cho là bị cáo ăn cắp tiền của công ty nhưng bị cáo không biết là ăn cắp tiền gì. Cho đến khi bị bắt thì bị cáo rất bất ngờ. Bị cáo cho biết số tiền bị cáo bị quy kết chiếm đoạt của công ty 732 triệu đồng không biết bắt nguồn từ đâu.
Bị cáo Trần Thị Tuyết tại tòa.
Trong khi đó, bị cáo Tuyết bị bắt giam là do đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai (nguyên là giám đốc của Công ty Bảo Định). Tuy nhiên, bà Mai lại tố cáo Tuyết trong giai đoạn bà này đã nghỉ việc trước đó sáu ngày (ngày 1-6-2013, bà Mai nghỉ việc; ngày 6-6-2013, bà Mai tố cáo Tuyết).
Theo lời bà Mai khai tại tòa, bà này ký quyết định cho Tuyết nghỉ việc là do sự chỉ đạo của HĐTV mà cụ thể là chủ tịch HĐTV là ông Phan Quốc Dũng. Bà Mai là người tố cáo tuy nhiên vẫn không chứng minh được bị cáo Tuyết chiếm đoạt số tiền trên vào thời điểm nào. Bà Mai cho rằng chỉ đối chiếu chứng từ sổ sách bị âm tiền nên tố cáo Tuyết.
Cơ quan điều tra và VKS truy tố bị cáo Tuyết chiếm đoạt 732 triệu đồng của Công ty Bảo Định trong thời gian công ty trải qua hai đời giám đốc là bà Vương Mỹ Huệ và bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhưng không nêu được bị cáo chiếm đoạt từ nguồn thu nào và trong thời gian cụ thể nào.
Bà Huệ là giám đốc từ ngày 1-7-2010 đến ngày 30-4-2012 thì nghỉ việc bàn giao chức vụ giám đốc lại cho bà Mai. Bà Mai đảm nhiệm chức vụ giám đốc Công ty Bảo Định từ tháng 5-2012 đến ngày 1-6-2013 thì nghỉ việc bàn giao giám đốc lại cho bà Nguyễn Thu Cúc (vợ của ông Phan Quốc Dũng). Sau đơn tố cáo của bà Mai, sau đó bà Cúc cũng có đơn yêu cầu xử lý hình sự Tuyết.
Tại tòa, bà Huệ khẳng định trong khoảng thời gian bà làm giám đốc, Tuyết không chiếm đoạt tiền của công ty bởi hằng tháng bà Huệ đều kiểm quỹ tiền mặt đều đặn không phát hiện tiền bị mất.
Từ mâu thuẫn nhiều lời khai giữa bà Mai, bà Huệ và bị cáo Tuyết, trong suốt diễn biến của phiên tòa, các luật sư đã nhiều lần đề nghị HĐXX có biện pháp áp giải phía bị hại là Công ty Bảo Định mà người đại diện theo pháp luật của công ty này là bà Nguyễn Thu Cúc và triệu tập tất cả thành viên trong HĐTV của Công ty Bảo Định đến tòa để đối chứng một số nội dung có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, lời đề nghị trên của các luật sư vẫn chưa được tòa xem xét.
Tại tòa, trả lời luật sư về việc chiếm đoạt tiền của bị cáo, ông Trần Văn Tưởng, nguyên là phó giám đốc Công ty Bảo Định, nói: “Tôi biết bị cáo không chiếm đoạt số tiền trên. Lý do thời tôi còn làm phó giám đốc công ty, tôi biết rõ công ty hoạt động không hiệu quả. Hằng tháng ban giám đốc đều kiểm tra quỹ tiền mặt của công ty, tại sao không phát hiện tiền bị mất. Và hằng tháng công ty có tiền chi hay không, HĐTV đều biết. Trong khi đó công ty khó khăn, trong két sắt một ngày còn không quá 5 triệu đồng và bắt buộc phải gửi ngân hàng vào cuối giờ chiều thì số tiền 732 triệu đồng bà Mai tố cáo Tuyết, tôi không biết lấy từ đâu mà có”.
Trước đó, vào tháng 8-2015, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm (lần một), tuyên phạt Tuyết 12 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuyết kêu oan. Tháng 2-2016, TAND Cấp cao TP.HCM tuyên hủy bản án, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại.
Dù vụ án đã nhiều lần được mở nhưng vắng mặt không lý do phía bị hại nên đã hoãn nhiều lần. Do vụ án kéo dài, bị cáo đã bị tạm giam đến nay đã gần bốn năm. Nhận thấy vụ án có dấu hiệu bị oan khuất, rất đông luật sư đã nhận bào chữa miễn phí cho bị cáo Tuyết.
Phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi vào ngày 15-12.