Ngày 15-12, TAND tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục diễn ra phiên tòa sơ thẩm (lần 2) xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Trần Thị Tuyết (33 tuổi). Phiên tòa này gây chú ý dư luận bởi có rất đông luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho một bị cáo trong một vụ án.
Phiên tòa thu hút rất đông luật sư bào chữa cho bị cáo
Sau gần 4 ngày xét hỏi, VKSND tỉnh Tiền Giang giữ quyền công tố tại tòa sau khi phát biểu quan điểm luận tội cho rằng truy tố bị cáo Tuyết phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là có căn cứ. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tuyết 12-13 năm tù, buộc bị cáo phải bồi thường 732 triệu đồng cho phía bị hại là Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ Bảo Định.
Sau phần phát biểu luận tội của đại diện VKS, quan điểm của tất cả luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo đều cho rằng bản luận tội của đại diện VKS chưa thuyết phục, chưa chứng minh được hành vi phạm tội của bị cáo.
Dù trước đó vào tháng 8-2015, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm (lần 1), tuyên phạt Tuyết 12 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo bồi thường 732 triệu đồng cho bị hại. Tuyết kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 2-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cấp sơ thẩm để điều tra lại. Bản án phúc thẩm yêu cầu làm rõ nhiều nội dung chưa xác định rõ liên quan đến vụ án. Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 này, phía đại diện VKS luận tội bị cáo chiếm đoạt 732 triệu của Công ty Bảo Định nhưng vẫn không làm rõ được các nội dung cấp phúc thẩm yêu cầu.
Luật sư cũng dẫn chứng, bà Huệ và bà Mai đều khẳng định tại tòa là công ty không bị mất tiền trong giai đoạn hai người này làm giám đốc. Bà Mai cũng cho là bà tố cáo Tuyết theo sự chỉ đạo của HĐTV mà cụ thể là ông Phan Quốc Dũng (Chủ tịch HĐTV Công ty Bảo Định). Tuy bà Mai là người tố cáo nhưng tại tòa bà này nói là không biết số tiền bị mất là từ nguồn nào, bà Mai tố cáo chỉ dựa trên kiểm tra chứng từ thu chi của công ty phát hiện bị âm tiền.
Một dẫn chứng tiếp theo được các luật sư đưa ra, Công ty Bảo Định hoạt động mỗi năm lãi không quá 135 triệu đồng, trong két sắt của công ty thường xuyên không quá 50 triệu đồng. Như vậy làm gì công ty có số tiền 732 triệu để cho Tuyết chiếm đoạt. Trong khi đó hoạt động công ty có lúc khó khăn phải huy động vốn mượn của HĐTV để trang trải, thì việc công ty mất số tiền đến 732 triệu đồng mà HĐTV và ban giám đốc trong công ty không biết là điều vô lý. Mặt khác tại tòa, nhân chứng Nguyễn Ngọc Tuyền (nguyên kế toán Công ty Bảo Định) thừa nhận đã nhiều lần Tuyền giả chữ ký của Tuyết ký vào chứng từ thu chi của công ty để hợp thức hóa chứng từ. Việc ký thay này, Tuyết hoàn toàn không biết mình bị giả mạo chữ ký.
Áp giải bị cáo Tuyết ra xe về trại giam
Đáng chú ý là trong suốt diễn biến của phiên tòa 4 ngày qua và những phiên tòa được mở rồi hoãn nhiều lần trước đều không xuất hiện phía đại diện bị hại là Công ty Bảo Định để chứng minh thiệt hại. Dù tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 này, các luật sư đã hơn 10 lần đề nghị HĐXX có biện pháp áp giải phía bị hại đến tòa để đối chứng một số nội dung có liên quan cần làm rõ nhưng đều không được HĐXX đáp ứng.
Trong phần tranh luận, nhiều luật sư bào chữa cho bị cáo Tuyết đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Tuyết vô tội và thả bị cáo ngay tại tòa.
Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 19-12.