Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc còn kém xa Mỹ, Nga

Năng lực hạt nhân của quân đội Trung Quốc còn thua xa Mỹ và Nga bất chấp việc Bắc Kinh mới cho công bố hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 mới.

Nhận định trên được Giáo sư Robert Farley tại Trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế thuộc Đại học Kentucky chia sẻ trên tạp chí National Interest của Mỹ. 

"Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã nghiên cứu để hiện đại hóa các hệ thống vận chuyển hạt nhân cả trên đất liền và trên biển. Nỗ lực này giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ với hai cường quốc là Mỹ và Nga mặc dù năng lực của Trung Quốc vẫn còn thua xa", ông Farley nhận định. 

Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc còn kém xa Mỹ, Nga ảnh 1
Tàu ngầm hạt nhân lớp Jin Type 094 của Trung Quốc.

Trong vài thập niên qua, hoạt động của Quân đoàn pháo binh số 2 – đơn vị tên lửa chiến lược của Trung Quốc, chỉ phụ thuộc vào hệ thống tên lửa DF-5 đã lỗi thời. Do đó, sự xuất hiện của hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa DF-31A và DF-41 đã minh chứng cho bước tiến hiện đại hóa và mở rộng năng lực phòng thủ của Trung Quốc. 

Theo Giáo sư Farley, Trung Quốc đang dần hoàn thiện khả năng tấn công hạt nhân khi đưa tên lửa DF-41 vào biên chế. Đây sẽ là bước thay đổi quan trọng đối với vị thế của Bắc Kinh trên đấu trường hạt nhân. Trong đó, việc phát triển chiếc tàu ngầm lớp Jin Type 094 trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm JL-2 đã giúp tạo lập thế cân bằng hạt nhân giữa Trung Quốc và Mỹ. 

Mặc dù thừa nhận sự xuất hiện của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cùng khả tăng cường năng lực tấn công hạt nhân đã giúp Trung Quốc cải thiện sức mạnh phòng thủ, ông Farley cho rằng đây chưa phải là mối đe dọa với an ninh nội địa Mỹ bởi tầm bắn của các tên lửa này vẫn chưa đủ xa và tàu ngầm Trung Quốc vẫn chưa có khả năng tàng hình. 

Song, Trung Quốc lại giữ ưu thế tự do hơn Mỹ và Nga trong việc tìm kiếm các công nghệ kỹ thuật trang bị cho hệ thống tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo bởi Bắc Kinh chưa hề ký bất cứ thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào.  

Giáo sư Farley nhấn mạnh sự phát triển của hệ thống quốc phòng tên lửa Mỹ là nguyên nhân khiến Trung Quốc đầu tư thêm các nguồn lực để gia tăng năng lực tấn công hạt nhân. 

Cũng theo ông Farley, quá trình hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc sẽ còn mất một thời gian dài "nhưng nếu thực sự, Bắc Kinh muốn cung cấp cho Quân đoàn pháo binh số 2 một số lượng lớn các tên lửa đạn đạo liên lục địa, Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ sẽ gặp không ít khó khăn để đánh bại Trung Quốc".  

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Theo MINH THU/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm