Vụ lừa đảo hơn 600 tỉ: Trách nhiệm cán bộ ngân hàng đến đâu?

(PLO)- Cáo trạng nhận định một số cán bộ ngân hàng có thiếu kiểm tra, quản lý lỏng lẻo trong cho vay nhưng chưa đủ căn cứ xác định những người này vi phạm quy định về cho vay.

Liên quan đến vụ lừa vay vốn ngân hàng hơn 600 tỉ đồng, VKSND tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng truy tố 11 bị can về tội lừa chiếm đoạt tài sản.

Các bị can gồm Lưu Bách Thảo (nguyên tổng Giám đốc CTCP Việt An), Ngô Văn Thu (tổng giám đốc CTCP Việt An); Nguyễn Thanh Hùng (giám đốc CTCP xuất nhập khẩu Bình Minh); Trương Minh Giàu (giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu); Nguyễn Viết Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang) và Lưu Bá Phúc (giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc).

Các bị can khác là kế toán các công ty gồm Nguyễn Thị Huyền (nguyên kế toán trưởng Công ty Việt An), Nguyễn Thị Thu Hằng (nguyên kế toán trưởng Công ty Bách Phúc), Huỳnh Thị Minh Trâm (nguyên kế toán Công ty Bình Minh), Huỳnh Thị Thơ Đào (nguyên kế toán trưởng) và Tống Duy Khương (nguyên kế toán Công ty TNHH Việt Hưng An Giang).

Kinh doanh không hiệu quả nên đi lừa ngân hàng

Theo cáo trạng, trước đó ngày 16-12-2014, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang đã có kiến nghị khởi tố vụ án gây thất thoát hàng trăm tỉ xảy ra tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh An Giang (VCB An Giang).

Sau đó, ngày 30-5-2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Ngô Văn Thu - tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An. Ảnh: CACC

Đến năm 2021, lần lượt các bị can trên bị khởi tố và bắt tạm giam đến nay. Sau nhiều lần điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã xác xác định, do Công ty Việt An hoạt động không hiệu quả, không còn nguồn kinh phí và không còn hạn mức để tiếp tục vay vốn nên Lưu Bách Thảo chỉ đạo cho các bị can và bộ phận kế toán trong công ty lập nhiều bộ hồ sơ khống để được vay vốn tại VCB An Giang.

Từ đó, các bị can đã trực tiếp lập, ký nhiều chứng từ, hồ sơ vay vốn của Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu tại VCB An Giang chiếm đoạt tổng số tiền hơn 601 tỉ đồng.

Tất cả hóa đơn, chứng từ làm điều kiện vay vốn thể hiện tại 100 bộ hồ sơ vay vốn còn dư nợ là giả mạo, ghi khống doanh số mua bán cá tra, thức ăn thuỷ sản.

Toàn bộ số tiền mà VCB An Giang giải ngân được đem cho công ty Việt An trả nợ ngân hàng, nợ tiền mua cá tra của người dân và các khoản nợ khác theo chỉ đạo của Thảo và Thu, việc giao nhận tiền mặt giữa các cá nhân và chi trả các khoản nợ không có chứng từ và không hạch toán vào số sách của công ty.

Bị can Lưu Bách Thảo - nguyên tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt An - giữ vai trò chủ mưu vụ án đang bị truy nã. Ảnh: CACC

Trong vụ án này, Thu giữ vai trò chính cùng với Lưu Bách Thảo điều hành, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Việt An, chi phối, ảnh hưởng hoạt động của các công ty trên và chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ, chứng từ khống vay vốn.

Hiện bị can Thảo đã bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã đối với Thảo, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Thu trực tiếp ký 16 hợp đồng khống mua bán cá với các nhân viên Công ty và các hộ dân; 02 hợp đồng mua bán cá với Công ty Bách Phúc; 01 hợp đồng mua bán cá với Công ty Việt Hưng, ký 48 Giấy nhận nợ liên quan phụ lục 8 và phụ lục 9 Hợp đồng 245 còn dư nợ tại VCB An Giang hơn 375 tỉ đồng.

Chưa đủ căn cứ xác định cán bộ ngân hàng vi phạm hình sự

Trước đó, cơ quan CSĐT đã xác định các cá nhân là nguyên Ban Giám đốc, lãnh đạo, cán bộ Phòng Khách hành, Phòng Quản lý nợ của ngân hàng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trong tiếp nhận, thẩm định, duyệt ký các hợp đồng tín dụng nêu trên để các công ty chiếm đoạt tài sản chi vào mục đích khác dẫn đến không có khả năng hoàn trả, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Để xảy ra vụ án còn phải kể đến sự buông lỏng quản lý, không kiểm tra, vi phạm quy định, quy trình công tác của cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng VCB An Giang đã tạo điều kiện cho các bị can chiếm đoạt số tiền lớn, không còn khả năng chi trả, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Cáo trạng còn nhận định một số cán bộ, nhân viên ngân hàng đã thiếu kiểm tra, thẩm định hồ sơ rút vốn sơ sài, có dấu hiệu lỏng lẻo để cho khách hàng sử dụng hồ sơ bản photo vay vốn rút tiền rồi chiếm đoạt; không đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản thế chấp là sai trái.

Tuy nhiên, kết quả điều tra chưa đủ căn cứ xác định những người này vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, CQĐT sẽ tiếp tục điều tra, xử lý sau.

VKSND tỉnh An Giang đã chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh An Giang xem xét lên kế hoạch xét xử theo quy định.

Nhiều cán bộ ngân hàng nhà nước bị kỷ luật

Liên quan đến sai phạm trên, năm 2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc VCB Việt Nam, Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang, Đảng ủy khối doanh nghiệp đã ra Quyết định xử lý kỷ luật với hình thức “Cách chức, cảnh cáo, kéo dài thời hạn nâng lương” đối với các ông/bà: Nguyễn Văn Lập - nguyên Giám đốc, Trương Thị Thanh Xuân - nguyên Phó Giám đốc, Liệt Lâm - nguyên Trưởng phòng, Quách Bảo Nguyên - nguyên Phó phòng và Bùi Hữu Quốc - cán bộ Phòng khách hàng thuộc VCB An Giang.

Còn Nguyễn Hữu Tính – nguyên giám đốc phụ trách phòng khách hàng, Nguyễn Tấn Triều – nguyên phó trưởng phòng khách hàng và Võ Đan Vân – cán bộ phòng khách hàng chưa bị xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới