Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trước đó, chiều 15-5, cô gái có tên TNBT (Facebook có nick viết tắt là TBT, đăng thông tin con của tử tù bị bỏ rơi loan tin trên Facebook nhờ tìm giúp cha cho bé làm dậy sóng cộng đồng mạng) đã đồng ý gặp PV và chia sẻ thông tin. Suốt cuộc nói chuyện, T. không thể đưa ra bất cứ manh mối nào về người cha của cháu bé. T. nhất quyết không cho biết địa chỉ nhà nên rất khó xác minh những lời T. nói là thật hay giả. Bài báo cũng phân tích cho thấy không thể có chuyện tử tù ở trong tù viết thư gửi cho bạn ở bên ngoài.
Cảnh sát khu vực đã đi xác minh
Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc đã bắt đầu nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện. Đến trưa 18-5, T. đã khóa Facebook và điện thoại ở chế độ không liên lạc được.
Ngày 19-5, tiếp xúc với chúng tôi, ông Lại Văn Vang (Trưởng ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nơi TNBT sinh sống) cho biết sáng 19-5, công an xã đã mời T. và gia đình lên làm việc.
Ông Vang cho biết thêm ông không hề hay biết hay nhận được bất cứ trình báo nào về vụ việc em bé bị bỏ rơi trên địa bàn. Ông Vang cho biết thêm trước đó, ngày 18-5, anh cảnh sát khu vực tên Linh (cán bộ mà T. cho là đã trình báo thông tin về việc cháu bé bị bỏ rơi) cũng đã xuống gặp ông Vang để nắm sự việc. Ông hoàn toàn bất ngờ trước thông tin này.
T. bế bé gái đến quán cà phê trong lần gặp PV. Ảnh: H.LAN
Lá thư và đồ chơi của cháu bé được T. đưa lên mạng kể rằng do người cha của bé là tử tù để lại. Ảnh: H.LAN
Tìm đến nhà ông Năm Tiền (tên thật là Nguyễn Văn Năm), chủ nhà cho hai vợ chồng người anh ruột của T. thuê, chúng tôi được ông Tiền xác nhận đứa bé bị bỏ rơi đăng trên Facebook của T. là con của hai người này. Tức cháu bé là cháu ruột gọi T. bằng cô. Hình ảnh T. chụp đưa lên mạng là ở nhà của T. chứ không phải nhà trọ của ông. “Tôi không hiểu nổi tại sao T. lại làm như vậy. Không rõ T. có động cơ gì khi đem cháu ruột của mình ra đùa giỡn. Gia đình T. mua đất đến đây sinh sống vào khoảng bốn năm trước. Anh của T. cũng sống cùng nhà với T., sau đó hai vợ chồng thuê nhà của tôi để ra ở riêng và sinh cháu bé này. Hai vợ chồng bận đi làm tối ngày nên gửi con cho bà nội, là mẹ của T. ở cách đó không xa. Đứa bé được khoảng tám tháng tuổi”. Một người hàng xóm của ông Tiền nói thêm đây không phải lần đầu tiên T. phao tin sai sự thật. “Trước đây T. đã từng phao tin bị người lạ chặn lại giữa đường đòi cướp nội tạng” - người này nói.
Tìm đến nhà T., chúng tôi thấy phía trước phơi rất nhiều quần áo bé gái nhưng cửa đóng kín.
Có thể xử phạt việc bịa đặt thông tin
ThS Nguyễn Xuân Quang, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng hành vi của T. đã vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của cháu bé. Ở đây, cháu bé lại là cháu ruột của T. thì đó là điều đáng lên án. Liên quan đến hành vi sử dụng Facebook của T., Nghị định 174/2013 về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
“Rõ ràng, quyền và lợi ích hợp pháp của cháu bé đã bị cô gái xâm phạm. Theo quy định tại Điều 31 BLDS, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trong trường hợp cá nhân đó chưa đủ 15 tuổi thì phải được người đại diện hợp pháp của người đó đồng ý. Đồng thời, Điều 25 BLDS cũng quy định người đại diện hợp pháp của cháu bé có thể tự mình cải chính lại thông tin không đúng sự thật đã đưa. Đồng thời, người đại diện của cháu bé có quyền yêu cầu cô gái chấm dứt ngay hành vi vi phạm, nếu không thì có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền buộc cô gái chấm dứt ngay hành vi vi phạm, xin lỗi và cải chính công khai thông tin xuyên tạc đã đưa. Ngoài ra, theo yêu cầu của người đại diện hợp pháp của cháu bé, cô gái còn có thể bị buộc bồi thường theo quy định” - ThS Nguyễn Xuân Quang nói.
Theo thông tin phản ánh, cháu bé có cha mẹ đầy đủ nên họ chính là người đại diện cho cháu để thực hiện những công việc liên quan đến việc đòi lại quyền lợi chính đáng cho cháu bé.
Có thể bị phạt đến 35 triệu đồng Hành động dùng cháu ruột của mình để đưa tin sai sự thật nhằm tăng lượt thích, lượt theo dõi trên trang mạng xã hội của T. là đáng chê trách. Sự việc tưởng như vô hại nhưng lại dẫn đến hệ quả pháp lý khó lường trước. Theo chính sách quản lý Internet và thông tin trên mạng được quy định tại Nghị định 72/2013/ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì nghiêm cấm hành vi “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”và người dùng có nghĩa vụ“Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”. Trong vụ việc này, những thông tin giả mạo mà T. cung cấp về cháu bé, cũng như dùng hình ảnh của cháu để phát tán trên mạng xã hội với những nội dung sai lệch về xuất thân, hoàn cảnh của cháu đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cháu đượcLuật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bảo vệ. Do đó nếu có đủ căn cứ xác minh hành vi và mức độ vi phạm của T. thì hành vi này của T. có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đồng thời, T. có thể bị xử phạt đến 5 triệu đồng về hành vi sử dụng hình ảnh của trẻ em để trục lợi được quy định tại Điều 13 Nghị định 91/2011 về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM 20.000 lượt chia sẻ thông tin trên Facebook của T. về câu chuyện T. nhận nuôi đứa trẻ nghi là con của người cha đang thụ án tử hình, đang cần cộng đồng mạng tìm giúp cha cháu là ai. |