Vụ nộp tiền “chống trượt“: Có dấu hiệu của bốn tội

Vụ ba cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa (TTGDTX) bị công an tỉnh này triệu tập vì hành vi tự ý thu hơn 1 tỉ đồng của 40 học viên lớp thạc sĩ ngành quản lý kinh tế để chống thi trượt đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều bạn đọc thắc mắc: Những người liên quan trong vụ việc có phạm tội hay không? Nếu có thì phạm tội gì? Chúng tôi đã đem những câu hỏi này trao đổi với một số chuyên gia pháp luật.

Lừa đảo, nhận hối lộ, đưa hối lộ

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) và luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), trước hết cơ quan công an phải xác định rõ bản chất của việc thu tiền này là để làm gì, nó có thuộc khoản thu nào nằm trong các quy định hợp pháp, hợp lệ hay không. Nếu không thì vụ việc đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Về tội danh cụ thể, hai chuyên gia này cho rằng nếu cơ quan công an chứng minh được ba cán bộ TTGDTX tự nghĩ ra chuyện “chống thi trượt” để thu tiền thì họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Lúc này các học viên đóng tiền là người bị hại. Theo diễn biến của vụ việc (chỉ có 7/40 học viên đóng tiền thi đậu) thì tội này có dấu hiệu rõ nhất.

Trong trường hợp việc thu tiền đó là chủ trương của những người có thẩm quyền quyết định đến việc đậu hay rớt của các học viên thì lúc này xuất hiện dấu hiệu của các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ. Những người có thẩm quyền quyết định đến việc đậu hay rớt của các học viên mà chủ trương thu tiền “chống thi trượt” phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ (Điều 279 BLHS). Các học viên nộp tiền có thể bị xem xét trách nhiệm về tội đưa hối lộ (Điều 289 BLHS). Còn ba cán bộ TTGDTX là trung gian giữa người đưa hối lộ với người có chức vụ, quyền hạn nên có dấu hiệu phạm tội làm môi giới hối lộ (Điều 290 BLHS).

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa - nơi xảy ra vụ tiêu cực. Ảnh: HOÀNG SA

Khó xử lý hình sự người nộp tiền?

Theo một kiểm sát viên VKSND Tối cao, ngay cả trong trường hợp việc thu tiền là chủ trương của những người có thẩm quyền quyết định đến việc đậu hay rớt của các học viên, muốn buộc được các học viên đóng tiền về tội nhận hối lộ là chuyện không hề đơn giản. Cơ quan điều tra phải làm rõ mục đích nộp tiền, chứng minh được ý thức của các học viên biết rõ việc nộp tiền này là vi phạm pháp luật nhưng vẫn tự nguyện nhằm mục đích có lợi cho mình.

Tuy nhiên, dù có bị xử lý hình sự hay không thì về mặt đạo đức, họ cũng phải bị lên án bởi đi thi cao học phải bằng kiến thức tự thân, qua thi cử nghiêm túc đàng hoàng chứ không thể dùng đồng tiền thay thế. Ở góc độ hành chính, các học viên nộp tiền ít nhất cũng phải chịu các biện pháp chế tài của cơ quan họ đang công tác. Bởi hầu hết học viên đều là cán bộ, công chức các sở, ngành trong địa bàn tỉnh nên cơ quan chủ quản sẽ phải áp dụng các chế tài nội bộ để xử lý cán bộ khi họ tham gia vào một giao dịch được chứng minh là trái pháp luật.

THANH TÙNG - ĐẶNG TRUNG

Mỗi người nộp 27 triệu đồng để “chống trượt”

Theo kết luận của Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, năm 2013 TTGDTX tỉnh này mở lớp liên kết đào tạo thạc sĩ ngành quản lý kinh tế với Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nhiều người là cán bộ, công chức đang công tác tại Thanh Hóa đã tham dự thi tuyển. Sau đó các học viên được học một số chuyên đề chuyển đổi kiến thức để họ có đủ điều kiện đăng ký dự thi cao học. Lúc này ông Bùi Sỹ Hồng (Trưởng phòng Quản lý đào tạo của TTGDTX), ông Lê Trọng Sơn (Phó phòng) và bà Lê Thị Liên (giáo viên) đã thông báo muốn thi đỗ lớp thạc sĩ kinh tế thì phải nộp 27 triệu đồng để “chống trượt” cho các học viên khi tham gia thi tuyển.

Sau đó 40/49 học viên đã đóng tổng cộng hơn 1 tỉ đồng nhưng chỉ có bảy học viên trúng tuyển. Các học viên thi rớt yêu cầu trung tâm trả lại tiền nhưng không được nên đã tố cáo. Mới đây, ông Vương Văn Việt (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) đã chỉ đạo phải làm rõ vụ việc này.

Sáng 14-8, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập ba cán bộ trên để làm việc. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Trần Văn Thực (Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Vụ việc đang được cơ quan công an xác minh, làm rõ dựa trên kết luận của Thanh tra Sở GD&ĐT và đơn tố cáo của học viên. Khi nào có diễn biến mới, công an sẽ thông báo sau”.

Vi phạm nghiêm trọng quy chế và đạo đức ngành

Trả lời VOV, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho biết: Khi nhận được thông tin về vụ 40 học viên ở tỉnh Thanh Hóa nộp tiền “chống trượt” khi thi cao học, Bộ GD&ĐT đã liên lạc ngay với ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) để kiểm chứng lại thông tin. Phía ĐH Kinh tế khẳng định nhà trường không tổ chức và không phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa ôn thi tuyển sinh cao học; cán bộ, giảng viên của trường tham gia công tác tuyển sinh sau ĐH tháng 9-2013 cũng khẳng định không liên quan đến vụ tiêu cực trên.

Theo bà Phụng, Bộ GD&ĐT cho rằng vụ việc trên đã vi phạm nghiêm trọng các quy chế tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đạo đức và kỷ luật nhà giáo trong ngành. Bà Phụng khẳng định Bộ GD&ĐT không quy định và cũng không chỉ đạo tổ chức ôn thi cao học. Việc ôn thi là việc học tập của các thí sinh. Tuy nhiên, thực tế có thể vẫn có những trường tổ chức ôn thi cao học để đáp ứng nhu cầu học tập của thí sinh. Nếu như các trường tổ chức hoạt động này thì cũng không được vi phạm bất cứ quy định nào do Bộ GD&ĐT đề ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm