Ngày 27-7, báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng bài viết “Vụ nuôi 79 con chó gây ồn ào, ô nhiễm: Không thể bó tay!”. Bài viết phản ánh một hộ trên đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4 đang nuôi 79 con chó trong thời gian qua. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Điều này đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân xung quanh.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý hộ dân này, chính quyền quận 4 gặp khó khăn là những quy định về quản lý chó, mèo vẫn còn chung chung nên UBND quận đã kiến nghị và đang chờ các sở, ngành liên quan đưa ra quy định cụ thể hơn, từ đó sẽ có căn cứ hợp lý để xử lý hộ dân này.
Theo đó, ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết Sở NN&PTNT đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT và hiện Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng thông tư về quản lý các vật nuôi khác, điều kiện chăn nuôi, mật độ nuôi, mức xử phạt...
Đồng thời, đại diện Sở TN&MT TP.HCM cũng cho biết đã nhận được đơn khiếu nại của các cấp chính quyền liên quan đến vụ nuôi 79 con chó, sở đang chuẩn bị thực hiện các bước tiếp theo.
Bạn đọc hiến kế xử lý
Một số bạn đọc cho rằng việc chờ bổ sung, điều chỉnh, ban hành các quy định mới sẽ mất nhiều thời gian, trong khi đó không thể để người dân chịu khổ thêm. Một số bạn đọc đã đề xuất hướng giải quyết cho việc xử lý hộ nuôi 79 con chó ngay lúc này.
Bạn đọc Hưng Hồ đề nghị: “Theo tôi được biết, khi nuôi chó trong khu dân cư thì tiếng ồn phát ra từ 6 giờ đến 21 giờ không được vượt quá 70 dBA, từ sau 21 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau không vượt quaù 55 dBA. Với số lượng 79 con chó mà nuôi trong căn nhà ngang 2,6 m, dài 10 m thì việc đo tiếng ồn sẽ không thể nào dưới 70 hoặc 55 dBA. Vậy thì có thể áp dụng quy định này mà xử lý”.
Đàn chó số lượng lớn tại căn nhà trên đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM. Ảnh: HUỲNH THƠ |
Bạn đọc Khải Minh cũng góp ý: “Nếu chỉ nuôi vài con thì đúng là nuôi thú cưng nhưng trường hợp này lại nuôi đến 79 con thì chính quyền phải nên xem lại là nuôi với mục đích gì, từ thiện hay chăn nuôi từ đó yêu cầu giấy phép và phải đảm bảo thực hiện đầy đủ điều kiện liên quan như vệ sinh, nguồn nước sinh hoạt, điều kiện vệ sinh, thực hiện tiêm phòng... Nếu không thực hiện được thì sai phạm đến đâu xử phạt đến đó, còn không chấp hành xử phạt thì cưỡng chế thôi chứ chờ đến khi có quy định thì đến bao giờ”.
“Tôi tính thế này, mỗi năm tiêm ngừa cho chó khoảng bốn lần, mỗi lần thì tốn khoảng 200.000 đồng, vậy mỗi con một năm sẽ tốn 800.000 đồng. Trong khi hộ dân này có đến 79 con chó, tính ra mỗi năm phải tốn 63.200.000 đồng, vậy hãy xem người đang nuôi 79 con chó có đầy đủ các giấy tờ tiêm cho chó không? Không có đầy đủ giấy tờ bảo đảm đã tiêm ngừa thì xử lý, quy định về việc nuôi nhốt thú cưng đã có lâu rồi mà” - bạn đọc Nguyễn Thị Thanh cho hay.
Cưỡng chế nếu đầy đủ căn cứ
Trao đổi với PV, luật sư (LS) Hoàng Anh Sơn, Đoàn LS TP.HCM, cho biết bên cạnh việc kiểm tra, xử lý chất thải vượt chuẩn quy định thì chính quyền địa phương có thể áp dụng việc đo lường tiếng ồn mà tiếp tục xử phạt theo quy định.
Đồng thời, UBND quận 4 nên phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ hơn, bắt buộc hộ dân này đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện đầy đủ các điều kiện trong chăn nuôi, kiểm tra thường xuyên các giấy tờ tiêm phòng... nếu sai phạm thì xử lý ngay. Nếu hộ dân này có hành vi chống đối thì UBND quận có thể nhờ công an địa phương can thiệp.
“Nếu có đủ bằng chứng cho thấy hộ dân này thả rông chó không rọ mõm, phóng uế bừa bãi thì có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính với hành vi không rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng... theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020” - LS Sơn nói.
Ngoài ra, cũng theo LS Sơn, nếu hộ dân này vẫn không thực hiện đóng phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường mà UBND quận đã ra quyết định trước đó thì UBND quận có thể thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đối với chủ hộ này theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sau đó, áp dụng các biện pháp cưỡng chế như khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả...
Khổ vì phải hít phải mùi hôi, lông chó
Anh NKA (ngụ phường 9, quận 4) cho biết do nhà anh ở cạnh căn hộ nuôi 79 con chó nêu trên, các con của anh thường xuyên bị ngứa mũi. Lâu ngày sợ ảnh hưởng đến sức khỏe các con nên anh đã lắp cửa kính toàn bộ ngôi nhà.
“Riêng bản thân tôi do đã nhiều năm hít phải mùi hôi, lông chó nên tôi bị dị ứng mũi, sau khi đi khám thì bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm mũi mạn tính. Hiện tôi phải thường xuyên dùng thuốc để điều trị” - anh NKA nói.