Vụ ông Vĩnh: Tổ chức đánh bạc là để nắm tình hình tội phạm?

Phiên sơ thẩm xét xử vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ liên quan đến hai cựu tướng công an của TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục với phần xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương, cựu chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).

Bị cáo Nguyễn Văn Dương tại tòa.

Không phải công ty nghiệp vụ liệu có dám làm?

Trả lời thẩm vấn, Dương cho biết trong khi hệ thống game bài Rikvip do bị cáo và Phan Sào Nam vận hành thì mới đang thực hiện xin cấp giấy phép của Bộ TT&TT. Quá trình này cũng được Cục C50 đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ, tạo điều kiện cấp phép thí điểm.

HĐXX đề nghị Dương khai cụ thể là ai của Cục C50, Dương trả lời là ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục C50. Dương khẳng định có cho ông Hóa biết là đang ký kết hợp đồng với Phan Sào Nam để vận hành game Rikvip.

Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương tiếp tục đặt câu hỏi trong thời gian hợp tác, có cơ quan chức năng nào tới kiểm tra việc vận hành không? Dương cho hay đối với Công ty CNC thì không, còn Công ty VTC Online thì không rõ.

Ngay sau đó, chủ tọa nhắc lại lời khai của Phan Sào Nam tại phiên xử hôm trước về việc có Thanh tra Bộ TT&TT cùng Phòng PC50 (Công an TP Hà Nội) đến kiểm tra. Thấy vậy, Dương nói có được Nam báo lại nhưng có lẽ PC50 biết là công ty nghiệp vụ nên không kiểm tra.

HĐXX hỏi lại về văn bản mà Cục C50 gửi sang Bộ TT&TT là do ai ký, Dương khai là do ông Phan Văn Vĩnh, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Tại thời điểm này, Dương cho rằng bị cáo Vĩnh không hề biết hợp đồng hợp tác giữa Nam và Dương mà chỉ dựa trên tờ trình của C50.

Chủ tọa cũng nhiều lần hỏi tại thời điểm PC50 kiểm tra Công ty VTC Online, Dương có gọi điện cho ai để can thiệp không? Dương đều nói rằng không nhớ. Phải đến khi chủ tọa công bố các bút lục cho thấy Dương có gọi cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và sau đó VTC Online không bị kiểm tra gì, bị cáo này mới thừa nhận lời khai trong bút lục là của mình.

Lời khai của Dương còn cho thấy Công ty CNC có trình hồ sơ sang Bộ TT&TT hướng dẫn các thủ tục cần thiết để được cấp phép. Tuy nhiên, thời điểm đó phải đợi Nghị định 71 đang sửa đổi nên chưa được cấp phép.

Trả lời về việc tại sao không được Bộ TT&TT phê duyệt kịch bản cũng như cấp phép mà vẫn tiếp tục vận hành, Dương thừa nhận đây là hành vi sai phạm.

“Nếu chỉ là công ty bình thường mà không phải công ty nghiệp vụ của Bộ Công an thì bị cáo có dám làm vậy?” - chủ tọa đặt vấn đề.

Dương cho hay thời điểm này, lĩnh vực game trên thị trường rất phổ biến, bị cáo thay mặt cho Công ty CNC đã có rất nhiều báo cáo để có ý kiến về việc những hoạt động kinh doanh nói trên, từ đó đề xuất có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, lãnh đạo C50 và một số đơn vị cho hay chưa có chế tài xử lý hoạt động này. Vì để tham gia hóa trang, nắm bắt tình hình, báo cáo và tham mưu cho lãnh đạo Cục xử lý, đó chính là động cơ để bị cáo tiếp tục hoạt động.

Tháng 8-2016, sau khi có ý kiến của C50 vì lý do lộ công tác bí mật nên Dương cho tạm dừng game. Sau khoảng một tháng thì tiếp tục vận hành. Việc thay đổi tên game (từ Rikvip sang Tip.Club - PV) chỉ là để đảm bảo công tác bí mật.

“Dưới góc độ giúp đỡ của Cục C50 và ông Hóa với công ty, nhận thức của bị cáo chỉ mong muốn có các hoạt động kinh doanh trên mạng Internet, nắm bắt tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao,… Đó là ý thức chủ quan để bị cáo hợp tác với Công ty VTC Online” - Dương khai.

Dương trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Ngạc nghiên khi bị truy tố tội rửa tiền?

Về tội danh rửa tiền, khi được HĐXX xét hỏi, Dương khai ngay cả trong quá trình làm việc với điều tra viên và kiểm sát viên, bị cáo đã nói rằng rất ngạc nhiên khi bị khởi tố tội danh này.

Theo Dương, quá trình hoạt động kinh doanh bị cáo có tham gia rất nhiều lĩnh vực. Khi có được kết quả từ hoạt động kinh doanh này thì tiếp tục đầu tư hoạt động kinh doanh khác. Nhất là thời điểm đầu tư vào BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, Nhà nước đang rất khuyến khích xã hội hóa cơ sở hạ tầng giao thông. Bị cáo thấy điều đó giúp cho đất nước phát triển về giao thông nên thực hiện.

Trả lời về UDIC, Nguyễn Văn Dương cho hay công ty này được thành lập vào năm 2010, vốn điều lệ 45 tỉ đồng.

Đối với việc có sử dụng nguồn tiền từ vận hành game vào đây không? Dương khẳng định vẫn khai với CQĐT rằng không sử dụng nguồn tiền này, bởi bị cáo có rất nhiều nguồn tiền.

“Trong lúc đầu tư còn có nguồn tiền khác nữa, không nhớ là có đầu tư vào dự án BOT hay không. Tuy nhiên, tôi không chứng minh được nguồn tiền khác đầu tư vào dự án” - Dương nói.

Về cách thức nâng vốn điều lệ của UDIC từ năm 2015 đến 2017, Dương khai chỉ là người chủ trương, anh em phía dưới thực hiện thuê các đơn vị tư vấn tài chính nên không nắm rõ quy trình. Tại UDIC, Dương chỉ là chủ tịch HĐQT chứ không phải đại diện theo pháp luật, có chủ trương nào cần thiết trong HĐQT thì mới ký, còn thuộc thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật thì không.

Chủ tọa hỏi Dương về tổng số tiền được hưởng lợi. Dương cho hay khi là chủ tịch Công ty CNC thì còn có rất nhiều khoản tiền khác nữa, thấy kế toán xác nhận thì tin tưởng... Bị cáo cũng không nhớ hết được đã sử dụng nguồn tiền này vào những mục đích gì, bởi công ty có trách nhiệm nghiên cứu công nghệ thông tin, hóa trang nghiệp vụ,… nên đầu tư chi phí rất nhiều.

Dương thừa nhận việc sau khi được yêu cầu từ phía công ty tư vấn tài chính, bị cáo có thành lập thêm một số công ty để đảm bảo đúng trình tự thủ tục nâng vốn.

Tiếp đó, chủ tọa một lần nữa hỏi trong số tiền nộp vào để nâng vốn Công ty UDIC thì có số nào từ tổ chức đánh bạc không? Sau vài giây suy nghĩ, Dương nói có nhưng số tiền chỉ hơn 20 tỉ đồng.

Sau câu hỏi này, một vị thẩm phán đặt vấn đề với Dương về một số văn bản của Cục C50 và Tổng cục Cảnh sát bị thu giữ khi khám xét nơi làm việc cũng như nhà ở của bị cáo. Dương khai các văn bản này đều liên quan đến hoạt động của công ty nên được Phòng Tham mưu Cục C50 đưa cho…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm