Trong tuần qua, loạt bài điều tra “Chiêu trò phá xe của khách trên các quốc lộ” do PV báo Pháp Luật TP.HCM thực hiện đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Thời gian qua, nhiều người ấm ức với việc bị các tiệm, các nhóm sửa xe dọc các quốc lộ (QL) như QL1 qua TP.HCM, QL51 qua tỉnh Đồng Nai, QL14 qua tỉnh Bình Phước.
PV báo Pháp Luật TP.HCM đã mất thời gian dài để ghi lại cận cảnh các chiêu trò phá xe, “vẽ bệnh” để moi tiền của người đi đường trên các tuyến QL này.
Một số bạn đọc bức xúc trước hành vi phá xe “vẽ bệnh” hòng moi tiền của người đi đường. Đồng thời, bạn đọc yêu cầu xử nghiêm người vi phạm để răn đe.
Nhiều nạn nhân cùng lên tiếng
Bạn đọc Phước Huỳnh bình luận: “Lúc trước, tôi có chạy xe trên QL1A đoạn gần trạm thu phí An Lạc, xe bị cán đinh thủng lốp nên phải vào tiệm sửa xe gần đó để sửa. Khi thay lốp, người thợ đã phá hư luôn bạc đạn bánh sau và buộc tôi phải thay thêm bạc đạn. Thế nhưng sau khi thay xe tôi chỉ chạy được một ngày thì phải ra tiệm sửa xe khác thay lại lốp xe và bạc đạn khác vì lại bị hỏng. Đọc bài báo tôi rất hài lòng vì báo đã phản ánh đúng thực trạng này trên một số tuyến QL. Mong rằng các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng phá xe lấy tiền này, để người dân không còn bị mất tiền oan bởi những kẻ làm ăn kinh doanh bất lương như vậy”.
“Tôi cũng từng là nạn nhân của việc phá xe lấy tiền này, những người thợ này cố tình thay phụ tùng hỏng, kém chất lượng để trục lợi. Thật sự tôi rất bức xúc trước kiểu làm ăn như thế này. Thông thường những nạn nhân của tiệm sửa xe này là những người ở xa và khi có công việc phải lưu thông qua những khu vực này. Khi vá xe họ cố tình chọc cho thủng ruột luôn để thay mới. Phần thì công việc gấp, phần lạ nước lạ cái, thôi thì tôi im lặng. Đúng là làm ăn thất đức kiểu này thì không thể tồn tại được lâu và rồi cũng có ngày bị vạch trần mà thôi” - bạn đọc Nhật Đông ý kiến.
Bạn đọc Thanh Nga nêu: “Hôm trước tôi về Long An, khi đang chạy xe trên QL1A thì xe bị thủng lốp. Đẩy xe bộ khoảng một đoạn thì thấy tiệm sửa xe, tôi dẫn xe vào để vá. Vậy mà thợ sửa xe loay hoay kiểm tra một hồi bảo phải thay vỏ vì không thể vá được dù tôi mới thay vỏ chưa được một tháng. Mấy vụ xe cộ này phụ nữ thường không rành nên thợ bảo gì thì nghe vậy. Đọc bài báo mới thấy thủ đoạn của những kẻ làm ăn bất lương này thật tinh vi, mọi người cần phải cẩn thận”.
Phải xử lý thật nặng để không tái diễn
Bạn đọc Thế Tân bình luận: “Theo tôi, đây là loại tội phạm có tổ chức nên cần phải rút giấy phép kinh doanh (nếu có) hoặc chính quyền địa phương phải quản lý, giám sát chặt. Mong pháp luật có một hình thức xử phạt thích đáng, để không tái diễn tình trạng trên. Cũng xin gửi lời cảm ơn đến nhóm PV của báo, bởi nhờ có bài báo mà mọi thủ đoạn phá xe lấy tiền của các tiệm sửa xe bị phơi bày”.
“Đây là tội hủy hoại tài sản của người khác. Mặt khác, xe được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ khi tham gia giao thông, mà mấy thợ sửa xe này vừa phá, vừa thay phụ tùng không đảm bảo chất lượng thì rất nguy hiểm khi lưu thông trên đường. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý thật nặng để làm gương” - bạn đọc Hồng Dung chia sẻ.
“Mong những ai từng là nạn nhân nên khai báo với công an. Vụ này phải xử lý đến nơi đến chốn may ra mới chấm dứt được tình trạng này. Ai cũng phải đổ mồ hôi, công sức của mình để mưu sinh. Những người lao động chân chính sẽ cảm thấy đồng tiền mình làm ra thật quý, còn những người bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền thì sẽ không có kết cục tốt” - bạn đọc Nguyễn Hạnh ý kiến.
Phá xe có thể bị tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Người có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp như đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 178 BLHS mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... thì có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS.
Khung hình phạt của tội danh này cao nhất lên đến 20 năm tù nếu người phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Trường hợp chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm bị phạt tiền 3-5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021.
Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM