Sáng 8-7, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã tới thăm, gặp gỡ động viên, tặng quà thân nhân ba chiến sĩ bị thương đang điều trị tại BV Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác.
Bằng mọi giá cứu sống chiến sĩ bị thương
Bệnh viện này đã tiếp nhận năm chiến sĩ bị thương nhưng đến sáng 8-7, hai trong số năm người đã không qua khỏi. Hiện ba chiến sĩ còn lại đang được các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia tập trung cứu chữa tại khu vực điều trị cách ly.
Tại buổi làm việc, Thượng tướng Lịch đã đề nghị bệnh viện dành nguồn nhân, vật lực tốt nhất để cứu chữa cho các chiến sĩ bị thương. Thượng tướng cũng yêu cầu các đơn vị khác nhanh chóng giải quyết các chế độ chính sách đối với cá nhân và gia đình các cán bộ, chiến sĩ bị thương hoặc tử nạn trong vụ rơi máy bay. Trước mắt, Bộ Quốc phòng đã quyết định hỗ trợ mức 50 triệu đồng đối với trường hợp bị tử nạn và 10 triệu đồng với trường hợp bị thương.
Trung úy Đỗ Văn Năm (ngoài cùng bên trái) trong một đợt huấn luyện giờ đã hy sinh. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Chiều 8-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các chiến sĩ đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia.
Đại tá, PGS-TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia, cho biết ba người bị bỏng sâu, diện bỏng lớn, ngoài ra còn bị đa chấn thương, đặc biệt là tổn thương ở phổi do ảnh hưởng của vụ nổ. Những trường hợp này tiên lượng khó vì tổn thương thứ phát rất khó lường. “Tuy nhiên, bệnh viện cố gắng bằng tài lực, trí lực, vật lực làm hết sức mình, cố gắng bằng mọi giá cứu sống các chiến sĩ bởi bản thân chúng tôi cũng hết sức xót xa” - ông Tiến nói.
Đại diện Viện Bỏng quốc gia cho biết đã bố trí phòng riêng cho các gia đình chiến sĩ đang nằm điều trị nghỉ ngơi, cũng như túc trực bên người bệnh.
Bà Tiến yêu cầu Viện Bỏng quốc gia thành lập hội đồng, mời các bác sĩ giỏi nhất của Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), Hồi sức ngoại (BV Việt Đức) và các bệnh viện khác tiến hành hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị. “Cố gắng hết sức cứu sống các đồng chí đang bị thương. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa, kể cả những phương pháp tốn kém nhất như lọc máu, làm ECMO cứu sống sinh mạng các đồng chí” - bà Tiến yêu cầu.
Tiếp tục nhận dạng, công nhận liệt sĩ…
Trung tướng Lê Hùng Mạnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thủ đô, cho biết đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thân nhân các gia đình có người bị nạn. “Tuổi đời những đồng chí còn quá trẻ, đa phần là 30-35 tuổi. Ngày hôm trước, các chiến sĩ đã thực hiện huấn luyện an toàn, hôm sau họ lại xung phong tiếp tục huấn luyện. Sự hy sinh đó là sự hy sinh anh dũng, là sự mất mát lớn đối với gia đình và Bộ Quốc phòng. Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng thăng quân hàm cho các chiến sĩ” - ông Mạnh nói.
Chiều 8-7, tại khu vực nhà lạnh, nhà tang lễ BV 354 - Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, những chiến sĩ tử nạn đang được các bác sĩ tiến hành nhận dạng trước khi về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Cánh cửa nhà tang lễ khép kín, trong sân một chiếc ô tô quân đội nằm im lìm, bên hành lang một số chiến sĩ trong quân phục xanh da trời của quân chủng phòng không không quân đứng trực trong bầu không khí tang thương. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tám trong số những cán bộ chiến sĩ bị tử nạn vẫn chưa xác định được danh tính, hiện phải dùng phương pháp giám định ADN.
Trước đó, BV quân y 108 đã hoàn thành việc nhận dạng cho một số nạn nhân. Dự kiến sau khi hoàn tất công tác nhận dạng, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức làm lễ truy điệu tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông). Đối với những cán bộ, chiến sĩ tổ chức an táng tại địa phương theo nguyện vọng của gia đình sẽ được chính quyền địa phương phối hợp tổ chức trang nghiêm theo phong tục.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Duy Kiên cho biết với những chiến sĩ tử nạn tham gia huấn luyện trong vụ tai nạn trực thăng rơi vừa qua ở Thạch Thất đều được công nhận liệt sĩ. Về quy trình, ông Kiên cho biết thêm, Bộ Quốc phòng sẽ lập danh sách, hồ sơ gửi sang Bộ LĐ-TB&XH. Cục Người có công sẽ xem xét từng trường hợp. Sau đó Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng phê duyệt.
TR.PHÚ - N.DÂN - H.HÀ
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sẽ đến dự lễ truy điệu Chiều 8-7, Bộ Tư lệnh phòng không không quân đã có buổi họp với thân nhân của những chiến sĩ tử nạn. Theo dự kiến, từ 18 giờ ngày 10-7 đến 6 giờ sáng 11-7 sẽ tổ chức khâm liệm (theo thứ tự cấp bậc trong quân đội). Từ 7 giờ đến 10 giờ ngày 11-7 là lễ viếng. Từ 10 giờ sẽ tiến hành truy điệu, hỏa táng hoặc an táng tại quê nhà theo nguyện vọng của gia đình. Gia đình tôi còn may mắn! Ngồi bần thần ở hàng ghế tầng 1, Viện Bỏng quốc gia, anh Nguyễn Văn Bính (anh trai của chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1981 ở Bắc Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin em trai ruột của mình bị tai nạn máy bay trong khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện. “Khi ấy, vợ anh Tuấn gọi điện thoại thông báo vừa bị nổ máy bay, có năm chiến sĩ bị thương, chồng chị ấy vẫn chưa tìm thấy, tôi như rụng rời chân tay. Vợ anh ấy khóc nấc không nói thành tiếng. Gia đình thu xếp lên Hà Nội luôn” - anh Bính kể lại. Theo anh Bính, anh Tuấn mặc dù đang bị bỏng 74%, bỏng sâu 65% độ III, IV, V nhưng “gia đình tôi cũng còn may mắn hơn 18 gia đình có chiến sĩ hy sinh”. Anh Bính cho biết vợ anh Tuấn đang mang bầu cháu thứ hai, khoảng hai tuần nữa là sinh, khi biết tin chồng bị thương gia đình không cho lên Hà Nội vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. “Sau khi học xong lớp 12, Tuấn xung phong đi bộ đội, sau đó được cử đi học và làm lính đặc công. Gia đình chỉ có mong muốn, qua được cơn nguy kịch này, kể cả về nhà không làm ăn được gì nhưng có cha, có mẹ là chỗ dựa cho các cháu, các cháu đỡ khổ” - anh Bính nghẹn ngào. Một đồng đội của anh Tuấn cho biết anh Tuấn là một người rất giỏi và đạt nhiều giải cao trong các hoạt động của đơn vị. Những đồng đội trên chuyến bay huấn luyện hôm đó là những chiến sĩ ưu tú nhất của đơn vị… HUY HÀ |