Vụ sạt lở 2 người chết ở Đà Lạt: Chủ đầu tư xây lấn đất, sai thiết kế

(PLO)- Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chủ đầu tư cố tình xây lấn đất là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở thương tâm ở TP Đà Lạt khuya 29-6.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong buổi gặp gỡ báo chí chiều ngày 10-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã chia sẻ rằng, vụ sạt lở chưa từng có trong tiền lệ ở phường 10, thành phố Đà Lạt.

Sự cố sạt lở chưa có tiền lệ ở TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Sự cố sạt lở chưa có tiền lệ ở TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Chủ đầu tư quá tham
Theo ông Phạm S, vụ sạt lở khiến hai công nhân quê ở tỉnh Phú Yên thiệt mạng là do chủ đầu tư cố tình xây lấn đất, xây sai thiết kế để có diện tích mặt bằng lớn nhất.

Điều này bắt nguồn từ 2 thửa đất ban đầu, chủ đầu tư đã xây bờ taluy rồi đổ vào đó hơn 6.000 m3, tương đương khoảng 9.000 tấn để có thể chia diện tích mặt bằng ra làm 4 lô.

Điều này có nghĩa rằng, nếu trời mưa lâu ngày, toàn bộ diện tích nói trên sẽ "ngậm" thêm hơn 15.000 tấn nước.

Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng nói chủ đầu tư đã quá sai khi đổ quá nhiều đất để làm mặt bằng. Ảnh: VÕ TÙNG

Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng nói chủ đầu tư đã quá sai khi đổ quá nhiều đất để làm mặt bằng. Ảnh: VÕ TÙNG

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp thẳng thắn nhìn nhận: chủ đầu tư quá sai khi xây dựng bờ taluy dựng đứng, không kết nối với địa hình của khu vực. Ngoài ra, dự án được cấp phép dưới hành lang điện, thi công sai ranh giới, chưa tính toán hết khối lượng khoảng 6.000 m3 đất dồn lên bờ taluy quá lớn.

"Việc giật cấp khoảng cách quá ngắn nên khi gặp thời tiết mưa lớn làm cho bờ taluy không chịu được áp lực dẫn tới sạt lở"- Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.

"Không sạt tháng 6 thì đến tháng 8 cũng sạt"

Đó là khẳng định của ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo ông Phạm S, lượng mưa trong tháng 6 không nhiều bằng tháng 8 tới đây. Chính vì vậy, với thiết kế và thi công như trên nếu công trình này không sạt trong tháng 6 vừa rồi thì đến tháng 8, khi lượng mưa lớn hơn cũng sẽ sạt lở.

Ông Phạm S nói: “Hôm xảy ra sạt lở, mưa lớn nhưng so với dự báo thì không bằng tháng 8 tới đây. Như vậy là khu đất đó, bờ ta luy đó, trước sau cũng sạt lở, gây họa”.

Nhiều sai phạm cần làm rõ trong vụ sạt lở taluy này. Ảnh: VÕ TÙNG

Nhiều sai phạm cần làm rõ trong vụ sạt lở taluy này. Ảnh: VÕ TÙNG

Nói thêm về sự cố sạt lở trên đường Hoàng Hoa Thám, ông Trần Văn Hiệp nhận định: 4 căn nhà tại khu vực sạt lở thì có 3 nhà được cấp giấy phép cùng 1 ngày, việc này cũng cần làm rõ các mối liên hệ như thế nào. Ngoài ra, ông Hiệp cũng khẳng định công trình taluy sạt lở nói trên đã không tuân thủ theo quy định của tỉnh về việc xây dựng taluy.

“Quy định 4m nhưng xây lên 4,7m, thi công vượt ranh giới và dưới hành lang an toàn, cho đổ một lượng đất quá lớn lên đến gần 6.000m3… Trong khi đó, thời điểm xảy ra sạt lở có các cơn mưa cục bộ gây ngập nước, làm gia tăng áp lực. Với giải pháp thi công như vậy thì nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ bờ taluy không thể chịu tải”, ông Trần Văn Hiệp nói.

Chủ đầu tư đã đổ 6000 khối đất để san lấp mặt bằng. Ảnh: VÕ TÙNG

Chủ đầu tư đã đổ 6000 khối đất để san lấp mặt bằng. Ảnh: VÕ TÙNG

Ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cũng cho rằng từ khi xảy ra vụ sạt lở đến nay đã 11 ngày và địa phương đã cơ bản khắc phục sự cố này.

Trước đó TP Đà Lạt đã tổ chức di dời các hộ dân tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám – nơi xảy ra sạt lở khiến hai người tử vong. Đến nay, một số hộ dân ở khu vực đường Yên Thế, Hoàng Hoa Thám đã quay trở về nhà.

“Công an TP Đà Lạt đang khẩn trương điều tra vụ sạt lở khiến hai người chết. Quan điểm của TP Đà Lạt là không bao che, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó. Công an đang tiếp tục làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ sạt lở này. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ khởi tố”, chủ tịch UBND TP Đà Lạt nói.

Ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, sự cố sạt lở vừa qua được xác định là sự cố cấp 2. Đây là công trình xây dựng kè giữ đất, trong giải pháp thi công thiếu che chắn cộng mưa cục bộ nên áp lực bờ taluy không vững, phá vỡ kết cấu, sạt lở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm