Tờ Philippine Star ngày 2-7 dẫn lời phát ngôn viên Harry Roque Jr. của Điện Malacanang (tức Phủ Tổng thống Philippines) có thẩm quyền độc quyền đối với việc điều tra do vụ việc xảy ra trong vùng biển Philippines.
Tài phán độc quyền
Trang Rappler đưa tin vào rạng sáng ngày 28-6, tàu hàng Trung Quốc Vienna Wood đã va chạm với tàu cá Liberty 5 của Philippines ở ngoài khơi vùng biển phía Tây Bắc nước này khiến 12 ngư dân và hai hành khách trên tàu mất tích.
Tàu cá Philippines xuất phát từ đảo Cagayan de Tawi-Tawi và đang trên đường đến cảng cá Navotas thì xảy ra vụ việc. Trong khi đó, tàu hàng Trung Quốc khởi hành từ cảng Subic ở thành phố Zambales đi Úc.
Phần thân tàu cá Liberty Cinco nổi trên biển được lực lượng cứu hộ phát hiện vào ngày 28-6. Ảnh: RAPPLER
Tờ Inquirer dẫn lời một phát ngôn viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết tính đến chiều 1-7, họ vẫn chưa “nhìn thấy bóng dáng những người sống sót” trong vụ việc kể trên.
Hôm 30-6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ra tuyên bố nói rằng họ “bị sốc và buồn” về vụ tàu hàng Vienna Wood va chạm với tàu cá Liberty 5 ở ngoài khơi vùng biển tỉnh Occidental Mindoro của Philippines.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết họ hy vọng toàn bộ 14 người bị mất tích sau vụ việc trên có thể được giải cứu, đồng thời tỏ ý “sẵn sàng giúp đỡ” Philippines điều tra vụ việc. Cơ quan này cũng đồng thời kêu gọi không “chính trị hóa” vấn đề để chờ kết quả điều tra, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Sau tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc, phát ngôn viên Harry Roque Jr. của Điện Malacanang khẳng định trên đài ANC: “Chúng tôi sẽ không cho phép các thực thể nước ngoài thực thi quyền tài phán hình sự và quyền tài phán dân sự đối với một vấn đề mà chính quyền Philippines có quyền tài phán độc quyền”.
“Đây là một vấn đề liên quan đến quyền tài phán của Philippines. Tôi nghĩ rằng nó ít gây tranh cãi hơn vì nó đã xảy ra rõ ràng trong vùng biển Philippines. Điều này sẽ được Cơ quan Công nghiệp Hàng hải, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (của Philippines) điều tra” - ông nói thêm.
Phát ngôn viên Roque cho biết công tố viên sẽ tiến hành điều tra sơ bộ và nộp hồ sơ trước tòa án địa phương nếu có “trách nhiệm hình sự” trong vụ việc, theo tờ Philippine Star.
Philippines nói đến “luật pháp quốc tế” về vụ đâm chìm tàu Gem-Vir1
Trong cuộc phỏng vấn với đài ANC, ông Roque cũng bày tỏ tin tưởng mối quan hệ gần gũi giữa Philippines và Trung Quốc sẽ cho phép các ngư dân trong vụ với vụ chiếc Gem-Vir 1, một tàu cá khác của Philippines, bị tàu Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm gần bãi Cỏ Rong (phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vào ngày 9-6-2019, có thể nhận được bồi thường dân sự.
Ngư dân kiểm tra thiệt hại đối với tàu cá Gem-Vir 1, được các thợ lặn của Hải quân Philippines trục vớt sau khi con tàu này bị tông chìm vào ngày 9-6-2019. Ảnh: Inquirer
Theo ông Roque, việc đòi bồi thường không hẳn là một vấn đề luật pháp quốc tế, “trừ phi Trung Quốc khiến cho ngư dân Philippines không thể nhận được thứ gì”.
Ngày 11-6 vừa qua, trả lời phỏng vấn kênh tin tức ABS-CBN, Cựu Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio nói rằng chính phủ Philippines nên kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) về việc Bắc Kinh không bồi thường 22 thuyền viên của tàu cá Gem-Vir 1 bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Truyền thông Philippines năm ngoái cho biết sau khi đâm chìm tàu cá Gem-Vir 1, tàu Yuemaobinyu 42212 đã lập tức chạy khỏi hiện trường, bỏ mặc 22 thuyền viên Philippines giữa biển khơi. Sau đó, những thuyền viên này được một tàu cá Việt Nam gần đó phát hiện và giải cứu.
Thuyền trưởng tàu Yuemaobinyu 42212 sau đó đã xin lỗi về vụ việc. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thời điểm đó cũng đã giảm nhẹ vụ việc, coi đó chỉ là “một vụ tai nạn hàng hải nhỏ”.