Vụ Tây Ninh thu hồi đất nông trường trước hạn: Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân

(PLO)-  Nhiều người dân bị thu hồi đất trước thời hạn ở Nông trường cao su Bời Lời (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) mong muốn tỉnh cùng cơ quan chức năng có phương án giải quyết thỏa đáng cho người dân như chính sách bồi thường, hay cho trồng cây ngắn ngày để có thêm thu nhập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày cuối tháng 9, tại khu đất trồng cao su của chị Huỳnh Thị Lan Phương (diện tích 556.823,3 m2, số liệu theo bản đồ địa chính năm 2005) ở ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nhiều công nhân đang tất bật thu hoạch mủ cao su trong cái nắng gắt.

Những thùng mủ trắng được đổ vào khay mang lại niềm vui cho công nhân vì có thêm thu nhập. Nhưng kèm với đó là nỗi bất an về số phận khu đất trồng cao su này khi tháng 3-2021, UBND thị xã Trảng Bàng đã có thông báo thu hồi và giao đất lại cho UBND thị xã.

Người dân mong muốn xem xét thỏa đáng

Theo bà Phương, từ năm 1994-1997, Nông trường cao su Bời Lời (nay là Công ty TNHH MTV Cao su 30/4 Tây Ninh) ký hợp đồng kinh tế với bà Phương, giao cho bà 50 ha đất để trồng cao su. Tổng diện tích đất nông trường giao cho bà Phương khoảng 55 ha.

Trong đó, hợp đồng ngày 1-11-1994 nêu: Thời gian giao đất là một chu kỳ cây cao su (50 năm), tính từ ngày 29-6-1993 đến ngày 29-6-2043; hết thời hạn trên phải bàn giao đất lại cho nhà nước. Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, UBND thị xã Trảng Bàng bất ngờ có thông báo thu hồi đất với bà Phương.

Tương tự, bà Bùi Thị Huệ cũng cho biết, mặc dù thời hạn còn hơn 20 năm theo hợp đồng kinh tế với Nông trường cao su Bời Lời nhưng cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã có thông báo thu hồi gửi bà.

“Khi tôi mua thì hơn 200 triệu đồng/hecta (năm 2005), dù phải đi vay mượn, cả gia đình đã mua 10 hecta, tuy nhiên mới khai thác hơn 10 năm (đến 2015-2017) thì có thông báo thu hồi”, bà Huệ cho biết.

Theo bà Huệ, đất của Nhà nước thì Nhà nước thu hồi, người dân rất sẵn sàng nhưng người dân chỉ mong Nhà nước xem xét thỏa đáng cho người dân. Khi thu hồi đất chưa làm gì, người dân cũng muốn trồng cây ngắn ngày để có thêm thu nhập nhưng cơ quan chức năng không cho, rất khó khăn cho người dân.

“Cũng đã mấy năm, chúng tôi đề nghị nhưng chưa được giải quyết. Nhà nước nên xem xét cho người dân bớt khổ vì cả gia đình chỉ có thu nhập qua nguồn thu từ cao su và mong muốn Nhà nước bồi thường thỏa đáng cho người dân”, bà Huệ nói.

Ông Nguyễn Quang Bội, sinh năm 1954, cho biết lúc đầu nông trường cho thời hạn trồng cao su 40 năm, sau nâng lên là 50 năm, vì vậy người dân có nhiều người ký hợp đồng để trồng cao su.

“Cơ quan chức năng nói nông trường làm sai, thì chúng tôi hỏi sai thì sai cái gì? Chúng tôi cũng vất vả, không dễ được ký hợp đồng để trồng cao su. Đầu tiên tôi không có tiền, sau đó tôi gom góp mua được nửa mẫu, rồi tôi mua tiếp một mẫu nữa. Lúc đó mua 7,5 triệu/nửa mẫu, 18 triệu/mẫu lúc sau, năm 2010 là mấy trăm triệu/mẫu”, ông Bội nói.

Vì vậy, theo ông Bội, với việc đầu tư tiền bạc, công sức quá nhiều mà mới khai thác hơn 10 năm thì bị thu hồi đất là chưa thỏa đáng cho người dân, người lao động.

“Tôi khai thác hơn 10 năm, rất vất vả để trồng – khai thác – thu hoạch cây cao su, tôi định xử lý đợt cây để trồng đợt 2 (vào năm 2015) thì có thông báo thu hồi. Tôi đầu tư, đến khi thu hoạch giờ bị cắt ngang thì không còn nguồn thu nào nữa. Tôi cũng có ý kiến, đề nghị, đề xuất nhưng cũng không có kết quả”, ông Bội nói.

Người dân thu hoạch mủ trong vườn cao su 50 mẫu của bà Huỳnh Thị Lan Phương. Ảnh. KIÊN CƯỜNG

Người dân thu hoạch mủ trong vườn cao su 50 mẫu của bà Huỳnh Thị Lan Phương. Ảnh. KIÊN CƯỜNG

Cần thỏa thuận, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân

Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Trần Duy Cảnh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Quyết định thu hồi đất đã áp dụng đối tượng bị thu hồi đất là Nông trường Cao su Bời Lời (nay là Công ty TNHH MTV Cao su 30/4 Tây Ninh), chứ không phải bà Phương nên việc thu hồi đất mà bà Phương đang sử dụng sẽ không có căn cứ thực hiện.

Cụ thể, theo ông Cảnh, trong quyết định này (Quyết định số 1062 về việc thu hồi đất 939,06 ha đất của Nông trường Cao su Bời Lời) có ghi rõ nội dung là “đối tượng bị thu hồi đất là Nông trường Cao su Bời Lời”, không phải là bà Huỳnh Thị Lan Phương.

Vì vậy, luật sư Cảnh cho rằng để thực hiện thu hồi phần diện tích đất của bà Phương thì UBND tỉnh Tây Ninh phải thỏa thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp theo các nội dung mà hợp đồng giao khoán đã ký với nông trường, thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Tỉnh phải có quyết định thu hồi đất mà đối tượng là bà Lan Phương, phải đền bù thỏa đáng theo quy định. Vụ việc giải quyết phải dựa vào pháp luật để xử lý.

Một cách làm khác nữa là, nông trường phải thỏa thuận với bà Lan Phương thanh lý chấm dứt các Hợp đồng kinh tế đã ký và thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP và Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu không thỏa thuận được thì các bên có quyền khởi kiện ra tòa án. Khi bản án có hiệu lực thì tổ chức thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự.

Ngoài ra, theo thông báo thụ lý của Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng thì tòa án đã thụ lý Đơn khởi kiện của UBND thị xã Trảng Bàng về việc yêu cầu giải quyết “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” với bà Phương. “Tôi thấy có nhiều vấn đề khúc mắc về mặt pháp lý cần phải giải đáp”, ông Cảnh nói.

Theo ông Cảnh, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nếu người sử dụng đất không thực hiện bàn giao quyền sử dụng đất thì phải thực hiện cưỡng chế, không thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự.

“UBND Thị xã Trảng Bàng với tư cách là người quản lý, không phải chủ sở hữu nên không thể tham gia với tư cách là chủ sở hữu để khởi kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất được”, ông Cảnh phân tích.

Cũng theo luật sư Cảnh, UBND thị xã Trảng Bàng khởi kiện yêu cầu tuyên bố các hợp đồng giữa nông trường và bà Phương vô hiệu cũng không đúng. Trong quy định của pháp luật, chỉ có các bên tham gia giao dịch là nông trường và bà Lan Phương, mới có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu, UBND thị xã Trảng Bàng không phải là bên tham gia hợp đồng nên không có quyền khởi kiện tuyên bố vô hiệu.

Về vụ việc UBND thị xã Trảng Bàng kiện bà Huỳnh Thị Lan Phương, TAND thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) đã thụ lý vụ án “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” liên quan đến việc thu hồi đất ở nông trường cao su Bời Lời (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh để tìm hiểu, thông tin thêm về vụ việc. Hiện lãnh đạo tỉnh Tây Ninh chưa có phản hồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm