Sau khi tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, BHXH Việt Nam vừa tiếp tục báo cáo Chính phủ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc thu sai BHXH thu của 3.567 chủ hộ kinh doanh. Trong đó, cơ quan bảo hiểm đề xuất ba phương án giải quyết.
Người đóng bảo hiểm không muốn nhận lại tiền
BHXH Việt Nam một lần nữa khẳng định: Từ năm 2003, các hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chủ hộ kinh doanh không nằm trong diện này. Tuy nhiên, với nhận thức khi đó thì họ vừa là chủ hộ kinh doanh vừa là người lao động. Do vậy, việc giao kết hợp đồng lao động với chính mình là người trực tiếp làm việc, hưởng thu nhập, tiền công.
Thêm vào đó, một số hộ kinh doanh muốn mình thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nên đã lập hồ sơ nộp cơ quan bảo hiểm. Sau đó, cơ quan bảo hiểm thu, cấp sổ BHXH, xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cấp thẻ BHYT và giải quyết các chế độ theo quy định của pháp luật.
Đến năm 2016, khi phát hiện tại một số địa phương thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành khẩn trương rà soát, báo cáo việc này.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 5-2023, trong số 3.567 chủ hộ kinh doanh đóng BHXH bắt buộc có hơn 1,3 ngàn người đóng trên 15 năm, hơn 900 người đóng 10-15 năm, hơn 1,3 ngàn người đóng dưới 10 năm.
Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành, tính đến ngày 30-5-2023, hơn 1,4 ngàn chủ hộ đang dừng thu, tạm ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc; cũng chừng đó chủ hộ tiếp tục tham gia BHXH (trong đó 500 người tham gia BHXH tự nguyện, 923 người tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng khác), chỉ có 28 người đã thỏa thuận nhận hoàn trả tiền đã đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
“Số chủ hộ khác không chấp nhận việc hoàn trả tiền. Họ đều có nguyện vọng được ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để được hưởng các chế độ, nhất là hưởng lương hưu khi về già…” - BHXH thông tin.
Chọn một trong ba phương án
Để giải quyết vướng mắc trên, BHXH đưa ra ba phương án thay vì hai như báo cáo lãnh đạo Chính phủ trước đây. Theo đó, phương án 1 là tiếp tục cho các chủ hộ hưởng chế độ BHXH theo quy định, đồng thời đưa nội dung này vào Luật BHXH (sửa đổi). Trường hợp họ có nhu cầu thì BHXH sẽ hoàn trả số tiền họ đã đóng vào hai quỹ Hưu trí và Tử tuất.
Phương án 2 là hoàn trả tiền đã đóng BHXH bắt buộc và BHTN, đồng thời thu hồi số tiền đã chi trả các chế độ trên cho các chủ hộ mà không tính lãi. Tuy nhiên, ở phương án này, nhiều người cao tuổi không còn cơ hội và thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tạo áp lực lên ngân sách khi phải trợ cấp xã hội cho người lớn tuổi.
Phương án 3 (mới bổ sung), tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc, BHTN để hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật đối với chủ hộ và đưa nội dung này vào Luật BHXH (sửa đổi). Trường hợp chủ hộ thay đổi nguyện vọng, có nhu cầu hoàn trả thì cơ quan BHXH sẽ hoàn trả số tiền đã đóng BHXH và tiền đã đóng vào Quỹ BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp (không tính lãi).
BHXH cũng cho rằng nếu hoàn trả mà không tính lãi người lao động sẽ thiệt thòi. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định trường hợp hoàn trả thì phải trả bù (thêm) một khoản tiền tương đương mức tiền lãi tính trên số tiền và thời gian đã đóng hay không và nếu có thì là bao nhiêu...
Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đề xuất chọn phương án 1 do đảm bảo được nguyên tắc đóng - hưởng, kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN, đặc biệt là hưu trí với những người đủ điều kiện hưởng lương hưu. Người đã đủ tuổi hưởng lương hưu và có từ đủ 10 năm đóng BHXH trở lên sẽ đóng bù BHXH tự nguyện để hưởng ngay lương hưu.
Bên cạnh đó, phương án này cũng giải quyết triệt để được những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện BHXH bắt buộc, BHTN. Đặc biệt, đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi cho chủ hộ, không làm phát sinh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại kéo dài…
Không đặt vấn đề hoàn trả tiền BHYT
Riêng đối với BHYT, BHXH Việt Nam đề xuất không đặt vấn đề hoàn trả số tiền đã đóng và thu hồi số tiền đã chi trả chế độ. Nguyên nhân, Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, chủ hộ tham gia BHYT đã được cấp thẻ và khi phát sinh ốm đau đã được thanh toán theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT.
Mặt khác, quy định hiện hành mới chỉ phát sinh việc hoàn trả tiền đóng BHYT từ Quỹ BHYT vào ngân sách nhà nước với những người ngân sách nhà nước đóng trùng.