Ngày 25-7, Pháp Luật TP.HCM đăng bài phản ánh ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) có nhiều trường hợp người dân một số thôn phải vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ để góp tiền xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng ngày, ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, đã có công văn hỏa tốc số hiệu 950 gửi lãnh đạo tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn chỉ đạo không được cào bằng trong việc thu hút tiền xây dựng làm đường với các hộ dân.
Công văn này cho hay: “Qua thông tin phản ánh của cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri và của nhân dân có một số xã, thôn trong quá trình huy động sức đóng góp của nhân dân để xây dựng NTM, nhất là các công trình giao thông nông thôn như đường liên thôn, đường xóm... chưa thực sự dân chủ, thống nhất, có nơi huy động quá sức của dân, đặc biệt đối với một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo, người bị tàn tật, người bị nhiễm chất độc hóa học...”.
Con nít còn nhỏ, không có đất ruộng, làng vẫn bổ đầu thu tiền triệu. Ảnh: MINH QUÊ
UBND huyện cũng yêu cầu các xã trong việc huy động nội lực, sức đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới phải có sự bàn bạc dân chủ, công khai, thống nhất trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của nhân dân và được HĐND xã thông qua. Đồng thời xem xét giảm mức đóng góp cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng đặc biệt để đảm bảo an sinh xã hội. Các địa phương tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc; đóng góp cào bằng, bình quân hộ, khẩu gây khó khăn cho một số hộ gia đình và không được huy động quá sức dân.
Trao đổi với chúng tôi vào cùng ngày, ông Trương An Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết ông đã có ý kiến về việc báo nêu. Theo đó, tỉnh sẽ kiểm tra làm rõ các trường hợp mà báo nêu để có phương án xử lý theo pháp luật.
Nêu ý kiến về sự vụ này ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch MTTQVN tỉnh Quảng Bình, cho rằng việc xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là quyền lợi thiết thực nhất cho người dân. Điều cốt lõi để chương trình này được thành công chính là sự đồng thuận của nhân dân. Vì vậy những việc làm mà không đi từ ý dân, không đi từ lòng dân, không có sự đồng thuận của dân thì không mang lại hiệu quả. “Vì vậy những hiện tượng ở xã Tân Thủy, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần phải vào cuộc kiểm tra” - ông Phi đề nghị.
Ông Phi cũng cho biết MTTQ của tỉnh sắp tới sẽ triển khai giám sát chặt chẽ hơn nữa chức năng giám sát của mặt trận cấp huyện, xã trong công tác xây dựng NTM để tạo không khí dân chủ, minh bạch với phong trào này. Tỉnh sẽ không để diễn ra tình trạng nộp cào bằng giữa người nghèo với người khá giả, giữa các đối tượng chính sách với người lao động thực thụ.
MINH QUÊ
Đừng làm mọi cách để đạt chỉ tiêu Ngày 25-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xoay quanh thông tin người dân ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) phải vay tín dụng đen để nộp tiền nông thôn mới (NTM) (Pháp Luật TP.HCM, ngày 25-7), ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) kiêm Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, rất bất ngờ và bức xúc với những thực tế ở các xã nêu trong bài viết. Ông Lộc cho biết theo Chỉ thị 18 (ngày 15-7-2014) của Thủ tướng, trong quá trình thực hiện tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc. Việc huy động đóng góp phải trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của dân tại từng địa bàn, trong mọi trường hợp không được huy động quá sức dân. Ông Lộc cho hay qua khảo sát thực tế, phần lớn người dân đều nhất trí cao chủ trương và tham gia đóng góp. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách, người hết tuổi lao động,…thì chính quyền nơi đó có thể tính đến phương án hỗ trợ, miễn hoặc giảm tiền đóng góp. “Dựa vào tình hình thực tế địa phương, lãnh đạo chính quyền cần cân đối, tính toán phù hợp trong quá trình xây dựng NTM và không thể vội vàng. Ban chỉ đạo trung ương đã nhiều lần nhắc nhở địa phương không được thu quá mức với người dân” - ông Lộc nêu quan điểm. Theo ông Lộc, mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 20% số xã đạt NTM nhưng không ai bắt lãnh đạo địa phương phải làm mọi cách để đạt chỉ tiêu. “Các xã nên “liệu cơm gắp mắm” và không áp đặt” - ông Lộc nói. Theo đó, trong các công trình chỉ tiêu NTM thì cái nào thiết yếu nhất phải làm trước, công trình nào nhiều tiền thì phải cân nhắc huy động nguồn vốn. “Đối với các gia đình có người ốm đau, chính sách, khó khăn,… nên có chủ trương giãn, miễn giảm đóng góp trên cơ sở lấy ý kiến cộng đồng dân cư để tạo sự đồng thuận, tránh tình trạng gò ép, cứng nhắc” - ông Lộc nói. Cũng theo vị này, sự việc xảy ra ở Quảng Bình cũng là bài học cho các địa phương khác, lãnh đạo cấp tỉnh, huyện cũng phải nhắc nhở lãnh đạo các xã về vấn đề này để điều chỉnh kế hoạch hợp lý. Bên cạnh đó, tùy vào mức độ, nếu cần thiết phải xử lý nghiêm các cán bộ bắt ép các đối tượng khó khăn nộp tiền đóng góp. TRÀ PHƯƠNG |