Vừa xin sửa án, vừa xin hủy án

Ngày 29-9 vừa qua, TAND tỉnh Đồng Nai đã bác kháng cáo, tuyên y án năm năm tù đối với Phạm Thị Kim Hoa về tội chứa mại dâm.

Vụ án gây chú ý ở chỗ sau phiên sơ thẩm của TAND huyện Nhơn Trạch, Hoa được luật sư của mình hướng dẫn kháng cáo theo hướng nước đôi: Đề nghị tòa phúc thẩm sửa án hoặc hủy án. Tại phiên xử phúc thẩm, khi chủ tọa yêu cầu chỉ được chọn một trong hai, Hoa đã lúng túng… khóc nức nở, không biết trả lời sao.

Kháng cáo theo hai hướng

Theo hồ sơ, tháng 10-2013, ông N. đến quán nước của Hoa ở xã Long Tân (Nhơn Trạch) uống nước. Ông N. hỏi Hoa có gái bán dâm không và cả hai đã thỏa thuận với giá 410.000 đồng cho một lần bán dâm. Sau đó, Hoa gọi Tuyến (gái bán dâm) rồi dẫn cả hai vào phòng trọ của mình. Trong lúc ông N. và Tuyến đang hành sự thì bị công an bắt quả tang. Quá trình điều tra, Hoa khai trước đó còn giới thiệu cho ông N. mua dâm một cô gái tên Tâm.

Tại phiên phúc thẩm, chủ tọa cầm bản kháng cáo của Hoa rồi hỏi Hoa kháng cáo theo hướng hủy án hay sửa án sơ thẩm. Hoa khóc, trả lời: “Bị cáo không biết sao nữa, chỉ biết mình bị oan nên mới nhờ luật sư”. Rồi Hoa quay qua nhìn luật sư của mình cầu cứu. Luật sư đưa hai ngón tay ra hiệu. Hoa liền trả lời là kháng cáo theo cả hai hướng vừa sửa án vừa hủy án.

Tại tòa, bị cáo Hoa đã bật khóc khi không biết kháng cáo theo hướng nào. Ảnh: NN

Chủ tọa nhắc nhở: “Làm gì có chuyện cùng lúc muốn cả hai! Bị cáo chỉ được chọn một trong hai thôi. Nếu bị cáo không nói được thì nhờ luật sư nói thay”. Lúc này luật sư của Hoa đứng lên hỗ trợ thân chủ: “Bị cáo kháng cáo đề nghị tòa sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc hủy bản án do vi phạm tố tụng”.

Cuối cùng, chủ tọa gợi ý: “Bị cáo kháng cáo theo hướng… tăng nặng hình phạt hay xin giảm án?”. Lập tức Hoa nói xin giảm án.

“Tòa không hủy án thì xin hưởng án treo”

Trong phần tranh luận, đại diện VKS nêu quan điểm: “Bị cáo kháng cáo xin hủy án là không có cơ sở. Còn việc xin giảm nhẹ hình phạt thì cấp sơ thẩm đã xem xét rồi. Đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm”.

Tranh luận, luật sư cho rằng Hoa chỉ phạm tội một lần lúc bị bắt quả tang chứ không phải hai lần như VKS quy kết. Cụ thể, quán của Hoa không có cô gái nào tên là Tâm. Trong biên bản phạm tội quả tang, ông N. (khách mua dâm) chỉ nói không biết quán có tổ chức mua bán dâm không nên mới hỏi: “Ở đây có em út không?” rồi hỏi giá cả... Từ đó, luật sư đề nghị tòa hủy án sơ thẩm hoặc cho Hoa được hưởng án treo.

Tuy nhiên, HĐXX đã không chấp nhận đề nghị của luật sư và tuyên y án đối với Hoa như đã nói.

Không thể kháng cáo nước đôi

Về chuyện bị cáo kháng cáo nước đôi, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Theo Điều 231 BLTTHS, bị cáo có quyền kháng cáo một phần hoặc toàn bộ nội dung bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến quyền lợi của mình. Bị cáo có quyền đề nghị tòa phúc thẩm sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án.

Vấn đề là bị cáo không thể kháng cáo bản án sơ thẩm theo hướng vừa hủy án vừa sửa án. Vì khi đề nghị hủy án có nghĩa là bị cáo đã cho rằng bản án đó không đúng quy định, chưa đầy đủ chứng cứ buộc tội… Còn khi đề nghị sửa án là đề nghị sửa liên quan đến mức độ trách nhiệm hình sự (và có thể cả bồi thường thiệt hại) theo một trong các trường hợp: Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn; giảm hình phạt cho bị cáo; giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

Theo TS Tuấn, BLTTHS và các văn bản hướng dẫn không cấm bị cáo ghi cả hai nội dung kháng cáo. Tuy nhiên, khi xử phúc thẩm, tòa phải yêu cầu bị cáo xác định rõ một trong hai nội dung kháng cáo bởi tòa không thể đáp ứng cả hai yêu cầu của bị cáo được.

Bào chữa nước đôi dễ gây bất lợi

Bên cạnh đó, theo luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), ở vụ án trên, bị cáo cho rằng mình chỉ phạm tội một lần nhưng lại bị VKS quy kết phạm tội hai lần và truy tố với tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội nhiều lần (khoản 2 Điều 255 BLHS). Nếu ở cấp sơ thẩm, phù hợp nhất là luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, còn ở cấp phúc thẩm thì đề nghị tòa hủy án để điều tra lại. Hoặc tại phiên tòa, luật sư có thể kiến nghị HĐXX dừng phiên tòa để mời ông N. (khách mua dâm) lên làm nhân chứng để làm rõ sự thật.

Như vậy, trong phiên phúc thẩm, việc luật sư của bị cáo bào chữa nước đôi theo hướng vừa yêu cầu hủy án vừa đề nghị cho bị cáo hưởng án treo cũng không hợp lý. Một khi cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng thì nếu lỗi nghiêm trọng tòa phải hủy án, lỗi không nghiêm trọng thì tòa y án, sửa án chứ làm sao cho bị cáo hưởng án treo. Bởi lẽ bị cáo sẽ chỉ được hưởng án treo nếu có tình tiết giảm nhẹ mới mà tòa sơ thẩm chưa xem xét hoặc mức án của tòa sơ thẩm quá nghiêm khắc so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Mặt khác, trường hợp của bị cáo phải đáp ứng được các điều kiện để tòa cho hưởng án treo theo hướng dẫn của TAND Tối cao (về nhân thân, mức án…).

Việc luật sư bào chữa nước đôi đã xảy ra khá nhiều trong thời gian qua. Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc (Đoàn Luật sư TP.HCM) kể ông từng tranh luận với một đồng nghiệp trong một phiên xử. Ban đầu vị này đưa ra nhiều luận điểm và hùng hồn chứng minh rằng bị cáo không phạm tội. Thế nhưng đến khi kết luận, luật sư lại đề nghị HĐXX… phạt mức án nhẹ hơn mức án VKS đề nghị. “Nếu đã không phạm tội, tại sao bị cáo lại phải chịu hình phạt? Cách bào chữa nước đôi như vậy có thể gây bất lợi cho bị cáo vì nó không thuyết phục được HĐXX” - luật sư Lộc nói.

NGÂN NGA

Thiếu nhất quán, làm sao tòa tin!

Pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm việc luật sư bào chữa nước đôi tại phiên tòa. Khoản 4 Điều 5 Luật Luật sư còn quy định luật sư có quyền sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Một số luật sư vịn vào quy định này để cho rằng việc bào chữa nước đôi cũng nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho bị cáo. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người xét xử, việc luật sư bào chữa nước đôi cho thấy chính luật sư cũng không tin tưởng vào lập luận, lý lẽ của mình để bào chữa nhất quán theo một hướng. Chính anh đã không tin vào anh mà lại đi đòi tòa tin anh thì làm sao được!

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới