Bị kết án vì… kinh doanh có lãi?

Sau khi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phạt các bị cáo nguyên là giám đốc, phó giám đốc, kế toán, phòng kế hoạch… của Công ty Công nghiệp Rừng Tây Nguyên (CNRTN) ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tám bị cáo đã có đơn kêu oan tập thể vì cho rằng họ không phạm tội như quy buộc của hai cấp tòa.

Đây là vụ án kỳ lạ vì Cơ quan CSĐT của Bộ Công an phải mất bốn năm để điều tra, VKS nhiều lần thay đổi cáo trạng và ngay từ giai đoạn điều tra, các bị cáo đã kêu oan, bị cáo chủ mưu thì bị tâm thần.

Bán gỗ không đúng đối tượng

Theo bản án phúc thẩm, cuối năm 1997, bão số 5 gây thiệt hại lớn cho các tỉnh phía Nam và duyên hải miền Trung nên Chính phủ giao Bộ NN&PTNT cung ứng gỗ tròn tự nhiên cho các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão (để đóng, sửa tàu đánh bắt xa bờ).

Công ty CNRTN là một trong các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ này. Từ năm 1998 đến 2006, Công ty CNRTN thông qua Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng cho chủ trương thu mua, vận chuyển gỗ tròn cung ứng cho các địa phương. Trong vòng chín năm, Công ty CNRTN đã được giao thu mua hơn 215.000 m3 gỗ tròn các loại tại các lâm trường của các tỉnh Tây Nguyên để thực hiện chương trình trên. Tuy nhiên, những cán bộ của Công ty CNRTN đã không thực hiện việc mua, cung ứng gỗ theo quy định mà mua về bán cho 209 cá nhân, doanh nghiệp không phải là đối tượng được thụ hưởng mua gỗ theo chương trình của Chính phủ, thu chênh lệch hơn 12,5 tỉ đồng. Việc bán gỗ sai đối tượng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 Từ đó, tám bị cáo bị kết tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với mức án từ bốn đến 10 năm tù.

Các bị cáo đang nghe TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên án (sơ thẩm) vào ngày 6-6-2013. Ảnh: T.TRANG

Căn cứ vào xác nhận của địa phương để bán gỗ

Theo các bị cáo, hàng loạt vấn đề của vụ án chưa được làm sáng tỏ và căn cứ buộc tội khiên cưỡng.

Trước hết, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ, công ty và Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi nhiều tỉnh, thành, thông báo rộng rãi việc mua bán gỗ này. Để thực hiện nhiệm vụ, công ty đã phải đi vay tiền của ngân hàng (hơn 52 tỉ đồng) để mua gỗ đứng của các lâm trường, tổ chức khai thác và bán lại cho những đơn vị theo chương trình của Chính phủ. Khi các đơn vị mua gỗ, công ty căn cứ vào hồ sơ, giấy xác nhận của các địa phương. Việc tòa cho là công ty bán gỗ sai đối tượng chẳng khác nào buộc công ty phải có trách nhiệm đi giám sát việc sử dụng gỗ các đơn vị mua gỗ, điều này là không đúng.

Cạnh đó, khi thực hiện việc mua bán gỗ, dựa trên xác nhận của địa phương, công ty lập đầy đủ hợp đồng mua bán; thu chi rõ ràng chứ không phải mua bán khống để hưởng chênh lệch như cáo buộc của tòa.

Theo các bị cáo, khi công ty mua gỗ của các lâm trường, công ty phải mua theo giá thị trường và bán lại theo giá thị trường chứ không hề được mua theo giá chỉ định. Công ty phải đi vay tiền để thực hiện nhiệm vụ này nên việc mua bán có lãi là bình thường. Số tiền hơn 12 tỉ đồng thu được từ hoạt động này không ai tư túi mà được hạch toán đầy đủ vào tài khoản của công ty, tức thuộc về Nhà nước mà không hề trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi hay quỹ nào khác của công ty. “Chúng tôi vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa hoạt động kinh doanh và phải đi vay tiền để thực hiện chương trình trên nên kinh doanh có lãi là điều bình thường. Chẳng lẽ doanh nghiệp phải kinh doanh lỗ hoặc hòa vốn mới là thực hiện đúng nhiệm vụ?” - một bị cáo nguyên là phó giám đốc công ty trình bày trong đơn.

Chưa hết, trong vụ án, ông Võ Hồng Huỳnh, chủ tịch HĐQT công ty, được xác định là người chủ mưu. Tuy nhiên, ông Huỳnh bị tâm thần (teo não) từ năm 2007 và được tạm đình chỉ nhưng các cơ quan tố tụng dựa vào lời khai của người bị bệnh để buộc tội các đồng phạm là chưa thuyết phục.

Theo một nguồn tin, hiện tòa án và VKS Tối cao đang xem xét yêu cầu xin kháng nghị giám đốc thẩm của các bị cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.

VI TRẦN

10 bị cáo bị kết án

Ngày 1-11-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ án đã tuyên y án sơ thẩm, phạt các bị cáo Vũ Thị Lệ Quỳnh, Phạm Trọng Thi (hai nguyên phó giám đốc công ty) và Đào Thị Mai (nguyên phó phòng Kế hoạch công ty) mỗi người 10 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Cùng tội này, bị cáo Trần Quốc Trí (nguyên giám đốc công ty) bị phạt chín năm tù, bị cáo Hồ Thị Thanh Hà (nguyên kế toán trưởng) sáu năm tù, các bị cáo Bùi Văn Tài, Mai Trung Tâm và Nguyễn Minh Đông lần lượt bị phạt sáu năm, năm năm và bốn năm tù.

Ngoài ra, tòa tuyên giảm án mỗi người một năm tù cho hai bị cáo Lê Bá và Phạm Trọng Minh - nguyên tổng và phó tổng giám đốc Vinafor. (Án sơ thẩm xử ông Bá ba năm tù, ông Minh hai năm tù, cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).

Vụ án này ngành kiểm sát từng nhận định rất lớn và phức tạp, kéo dài nhiều năm với trên 30.000 bút lục, số nhân chứng lên tới 355 người. Tòa nhiều lần hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung và cuối cùng kết án như đã nói.

Những điểm lạ của vụ án

- Buộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn nhưng vụ án không có nguyên đơn dân sự, không có thiệt hại vật chất, phi vật chất, không có địa phương nào than phiền vì không mua được gỗ từ chương trình trên. Tội danh cáo buộc các bị cáo thuộc nhóm tham nhũng nhưng không có ai tư túi trong số tiền thu lợi từ hoạt động kinh doanh hợp pháp trên.

- Buộc các bị cáo là tư thương môi giới bán gỗ nhưng họ là nhân viên của công ty.

- Hơn 12,5 tỉ đồng là số tiền công ty thu lợi nhưng không hề vào túi cá nhân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm