‘Chém cha cái kiếp lấy chồng chung…’

Bà năm nay đã ở tuổi 58, ông thì tuổi 62. Hai người đến với nhau từ năm 1978, có hai con chung đều thành đạt và có gia đình riêng. Ngày lấy bà, ông là một thượng úy phục vụ trong quân đội, còn bà là người nông dân thứ thiệt từ quê vào thành phố đoàn tụ gia đình. Ở đất khách, phải lam lũ đủ nghề để mưu sinh rồi phải chăm sóc gia đình, con cái nên bà chẳng còn thời gian cho mình nữa. Chê vợ xấu xí, luộm thuộm, ông đi cặp kè với người phụ nữ khác. Biết chuyện, dù giận nhưng nghĩ mình “thấp cổ bé họng” hơn người ta nên bà đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Năm 1990, ông sắp xếp cho mẹ con bà về quê thăm anh em họ hàng, còn mình ở lại lên kế hoạch tổ chức đám cưới với người phụ nữ kia. Ngày mẹ con bà trở lại Sài Gòn, chuyện cưới xin của ông cũng hoàn tất. Thấy bà làm căng, ông đặt ra tình huống hoặc phải sống cảnh chồng chung hoặc ly hôn. Vì còn tình yêu với chồng và vì muốn các con lớn lên dựng vợ gả chồng đều có cha mẹ bên cạnh, bà chẳng dám “giải thoát” cho mình.

Hơn 20 năm sống cảnh chồng chung, một mình bà lam lũ nuôi con. Ấy thế nhưng mỗi lần có điều gì khiến vợ bé không hài lòng, ông lại lôi bà ra để trút giận. Vợ đang bưng tô cơm ăn, ông đổ xuống đất, nắm lấy cổ áo vừa đánh vừa bắt bà cúi xuống ăn bằng hết.

Hai vợ chồng có căn nhà do Nhà nước cấp đất, ông nói rằng đó là tài sản của ông, do ông tự bỏ tiền ra xây nên bà chẳng có quyền hành gì. Khi biết không thể giữ được căn nhà, ông đưa đơn ra tòa ly hôn và đòi phân chia tài sản. Trong đơn, ông yêu cầu chia ba căn nhà mà bà đang ở, ông hai phần, mẹ con bà một phần.

Chấp nhận đơn ly hôn của ông nhưng về phần tài sản, tòa cho rằng căn nhà được xây trong thời kỳ hôn nhân nên là của chung, vì vậy tòa cấp sơ thẩm chia đôi, ông một nửa, bà một nửa. Ông kháng cáo đòi mình phải được 2/3 căn nhà. Ông nói: “Lúc tôi xây nhà, bà ấy chỉ ở nhà chăm con, chẳng phụ được gì hết, ngay cả chuyện đến xem thợ người ta xây như thế nào. Tiền xây thiếu, một mình tôi phải chạy đi vay, đi mua vật liệu, trả tiền công thợ, vậy mà giờ tiền thuê nhà một mình bà ta giữ”.

Bà đáp: “Lúc xây nhà con còn nhỏ tôi cũng đưa lên phụ ông sắp từng viên gạch cho thợ xây. Xây căn nhà xong ông đi theo người phụ nữ khác, có ở nhà đâu. Làm bao nhiêu tiền ông giấu nhẹm, để mình tôi nuôi con; con đau, nhà hết tiền, ông đâu có hay. Ông thử nghĩ lại đi, từ khi hai đứa con đi học đã lần nào ông đóng tiền học cho con? Hay hễ chúng xin tiền thì ông kiếm cớ mắng chửi?”. Bà yêu cầu tòa phải chia đôi căn nhà.

Tuy nhiên, TAND TP.HCM nhận định do căn nhà hiện nay bà đang cho thuê, hơn nữa lại do Quân khu 7 cấp đất cho ông nhưng cấp sơ thẩm không đưa vào là vi phạm tố tụng. Vì vậy tòa chấp nhận cho ông bà ly hôn nhưng tuyên hủy một phần án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm giải quyết lại phần tranh chấp tài sản.

THẢO NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm