Với mục tiêu bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Đề án không chỉ tập trung nuôi dưỡng, tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên mà còn mở rộng sang phục hồi hệ sinh thái và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, lấy trọng tâm là sản xuất lúa sinh thái - hữu cơ.
Từ bảo tồn sếu đầu đỏ đến phát triển bền vững vùng nông nghiệp sinh thái
Đồng Tháp với chủ trương quan tâm đặc biệt đến môi trường và phát triển bền vững đã ban hành đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2032.
Mục tiêu của đề án không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ loài chim quý hiếm mà còn mở rộng sang việc phục hồi hệ sinh thái và xây dựng mô hình sản xuất lúa sinh thái bền vững, tạo sự hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và nâng cao sinh kế cho người dân địa phương.
Theo đề án, mô hình sản xuất lúa sinh thái được triển khai tại hai ô bao liền kề khu A4 của Vườn Quốc gia Tràm Chim, bao gồm ô bao số 25 thuộc xã Phú Đức và ô bao số 43B thuộc xã Tân Công Sính huyện Tam Nông.
Giai đoạn đầu từ vụ Đông Xuân 2023-2024, diện tích thực hiện đạt 200 ha và dự kiến đến năm 2032 sẽ mở rộng mô hình ra vùng đệm, giúp khôi phục đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động từ hóa chất nông nghiệp.
Mô hình này không chỉ đóng vai trò bảo tồn môi trường mà còn giúp tạo ra giá trị kinh tế mới với thương hiệu tiềm năng “Gạo sếu Tam Nông” hướng tới cả thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, mô hình cũng mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái, kết hợp giữa cảnh quan đồng ruộng, hệ sinh thái ngập nước và bảo tồn loài chim mang tính biểu tượng là sếu đầu đỏ.
Lợi ích thiết thực từ lúa sinh thái
Trong quá trình triển khai, mô hình lúa sinh thái đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ vụ hè thu 2023, 39 ha đầu tiên được thực hiện với 4 hộ dân tham gia. Đến vụ hè thu 2024, diện tích đã tăng lên 312,5 ha với sự tham gia của 41 hộ dân, vượt kế hoạch đề ra. Các phương pháp canh tác sinh thái như giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ và xử lý rơm rạ bằng phương pháp cày vùi thay vì đốt đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm và chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, một trong những nông dân tiên phong tham gia mô hình ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, chia sẻ: “Nếu như trước đây, nông dân phải sạ 20 kg giống/công thì nay chỉ cần sạ 10 kg. Chúng tôi không đốt rơm rạ như trước mà dùng chế phẩm xử lý để cày vùi, hạn chế ô nhiễm. Năng suất lúa có giảm đôi chút, nhưng chi phí lại giảm nhiều hơn, giúp lợi nhuận tăng cao.”
Không chỉ cải thiện kinh tế gia đình, mô hình còn tạo ra một môi trường sống an lành hơn. “Lúa sinh thái giúp bảo vệ sức khỏe của chính chúng tôi và tạo điều kiện để sếu đầu đỏ quay về. Chúng tôi hi vọng một ngày nào đó những đàn sếu sẽ trở lại và sống hòa hợp với người dân” - ông Mẫn chia sẻ thêm.
Kỳ vọng một tương lai xanh
Để đạt được mục tiêu bảo tồn bền vững và sản xuất hiệu quả, việc huy động sự đồng lòng của cộng đồng là yếu tố quan trọng. Hiện tại, 12.000 hộ dân sống quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được tuyên truyền và hướng dẫn để tham gia vào mô hình này. Tuy nhiên, việc duy trì và nâng cao chất lượng sản xuất đòi hỏi sự đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng và áp dụng công nghệ tiên tiến.
UBND huyện Tam Nông đặt ra mục tiêu từ năm 2025 đến 2027 sẽ không tăng thêm diện tích mà tập trung vào nâng cao chất lượng sản xuất tại hai ô bao hiện có. Các phương pháp như giảm lượng giống gieo sạ xuống 70 kg/ha, không đốt rơm rạ và chuyển dần sang sản xuất lúa hữu cơ là những bước đi cần thiết để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, huyện cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các sở ngành liên quan. Sở NN&PTNT được đề nghị bố trí nguồn vốn trong khi Sở Công Thương sẽ hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Sở KH&CN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và xây dựng nhãn hiệu “Gạo sếu Tam Nông - Đồng Tháp”.
Tín hiệu vui từ những cánh sếu trở về
Đối với người dân Tam Nông, sếu đầu đỏ không chỉ là biểu tượng của sự bảo tồn mà còn mang giá trị tinh thần sâu sắc. Họ tin rằng nơi nào sếu về thì mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc. Dù số lượng sếu hiện chưa trở lại như mong đợi nhưng với nỗ lực đồng lòng từ chính quyền, người dân và các tổ chức liên quan, hy vọng về một tương lai mà sếu đầu đỏ quay về sống hòa hợp với cộng đồng đang dần trở thành hiện thực.
Mô hình sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn sếu đầu đỏ tại Đồng Tháp không chỉ là bước đi đột phá trong việc phát triển nông nghiệp bền vững mà còn là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm của con người với thiên nhiên. Đây là bước đi chiến lược, góp phần đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong về bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.