Đó là báo cáo của ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tại cuộc họp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác đưa người nghiện có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc tại UBND TP.HCM ngày 6-5.
Ông Du dẫn chứng: “Đến nay, các quận, huyện chưa đảm bảo cơ sở vật chất đầy đủ hỗ trợ cắt cơn và điều trị nghiện theo quy định. Thời gian xác định tình trạng nghiện theo quy định là từ ba đến năm ngày trong khi có quy định về chức năng tạm giữ người trong trường hợp này nên địa phương khó thực hiện. Hầu hết người nghiện và gia đình người nghiện chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện và lựa chọn hình thức cai nghiện…”.
Do đó, ông Du kiến nghị các bộ, ngành cần có hướng dẫn thủ tục tạm giữ người và kinh phí thực hiện trong quá trình xác định tình trạng nghiện để các địa phương mạnh dạn làm. Đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn trình tự lập hồ sơ đưa vào cơ sở bắt buộc đối với người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Đối với trường hợp tự ý bỏ địa phương đi nơi khác mà không có lý do chính đáng thì cần xác định khoảng thời gian bao lâu thì coi như không có nơi cư trú ổn định để đưa đi cai nghiện bắt buộc, có biện pháp xử lý đối với người đang điều trị các chất dạng thuốc phiện thay thế mà vẫn còn sử dụng trái phép chất ma túy.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đưa người có nơi cư trú ổn định cai nghiện và cho biết sẽ tiếp tục kiên trì kiến nghị trung ương sửa đổi những quy định không phù hợp.
Theo thống kê, tổng số người nghiện có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP là gần 12.000 người, trong đó số người nghiện đã được TAND quận, huyện ban hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 177 người, trong đó 43 người trốn khỏi địa phương nên chưa thi hành được quyết định.