Vướng trong việc thay người giám hộ

Hơn một năm nay, bà N. (quận 3, TP.HCM) đã gõ cửa rất nhiều cơ quan để giành quyền giám hộ người con gái (41 tuổi) nhưng bất thành. Con bà là chị H. trước làm kế toán trưởng một công ty nước ngoài. Không may, biến chứng sau cơn bệnh lao màng não đã khiến chị không còn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi.

Tháng 4-2011, từ yêu cầu của bà N., TAND quận Tân Bình đã ra quyết định tuyên bố chị H. mất năng lực hành vi dân sự. Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Dân sự năm 2005, chồng chị H. là người giám hộ đương nhiên của chị. Chỉ khi nào chồng chị không đủ điều kiện thì cha, mẹ chị mới làm giám hộ. Thế nhưng theo bà N. thì chồng chị H. không lo điều trị bệnh cho vợ bởi anh đã có người phụ nữ khác và có cả con riêng. Bà cũng cho rằng anh đã tự ý bán đi một số tài sản chung của vợ chồng. Ngoài việc đưa chị H. về nhà mình chăm sóc, bà N. còn muốn được thay con rể thực hiện quyền giám hộ đối với chị.

Vướng trong việc thay người giám hộ ảnh 1

Căn cứ vào một số văn bản trả lời của nhiều cơ quan (trong đó có thông báo của Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình cho rằng chồng chị H. có dấu hiệu vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhưng chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự), bà N. đã đến UBND phường nơi bà cư trú để đăng ký làm người giám hộ cho chị H. Đây cũng là hướng dẫn của Bộ Tư pháp khi trả lời đơn khiếu nại của bà tại công văn ký ngày 28-3-2012.

Tuy nhiên, yêu cầu đã nêu của bà N. không được UBND phường chấp thuận. Gửi văn bản đến Bộ Tư pháp, UBND quận 3 nêu: Nghị định 158/2005 của Chính phủ không có quy định và Bộ Tư pháp cũng chưa có văn bản hướng dẫn thủ tục, biểu mẫu về giám hộ đương nhiên. Để có cơ sở giải quyết hồ sơ của bà N., UBND quận 3 đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể. Hiện UBND quận 3 đang chờ phản hồi Bộ Tư pháp.

Luật sư Trịnh Thị Bích (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Tốt nhất là để tòa án giải quyết

Theo tôi, UBND quận 3 đã có ý kiến đúng khi cho rằng pháp luật hiện hành không có quy định về việc đăng ký thay đổi người giám hộ đương nhiên.

Trên thực tế, để đảm bảo quyền lợi cho người được giám hộ, các địa phương có thể linh động giải quyết cho thay đổi người giám hộ nhưng với điều kiện là giữa hai bên có sự thỏa thuận. Kẹt nỗi trường hợp của bà N. thì không phải vậy. Tuy bà nhận làm giám hộ nhưng người con rể của bà không hề đề nghị được thay đổi việc giám hộ.

Cách đây đã lâu, TP.HCM cũng có một vụ vướng mắc tương tự và các cơ quan chức năng đã phải tổ chức họp rất nhiều lần vẫn không có lối ra. Bà nọ (chồng chết, các con đều ở nước ngoài) có một căn biệt thự nhưng lại bị mất năng lực hành vi dân sự. UBMTTQ phường đã cử người vú nuôi làm giám hộ cho bà nhưng một người con đòi để người dì họ làm giám hộ. Do pháp luật không có quy định về việc thay đổi này mà tòa án thì không nhận giải quyết nên chính quyền chỉ còn biết cách vận động người vú rút lui và may là có kết quả.

Thiết nghĩ, nếu có hướng dẫn thì Bộ Tư pháp cũng chỉ có thể quy định các thủ tục áp dụng cho những trường hợp bình thường, được hai bên đồng ý. Đối với những tình huống có tranh chấp (như vụ bà N. là tranh chấp về quyền giám hộ đương nhiên) thì tòa án nên đứng ra giải quyết.

Theo khoản 7 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự, ngoài các yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn; yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi… thì tòa án có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình. TAND Tối cao cần có hướng dẫn về các yêu cầu khác này (trong đó có yêu cầu thay đổi người giám hộ) để các địa phương có thể xử lý rốt ráo các vướng mắc pháp lý liên quan.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm