Washington Post: Mỹ thúc giục Ukraine hành động để thay đổi cục điện cuộc chiến

(PLO)- Gần đây, các quan chức Mỹ liên tục phát tín hiệu về thời khắc then chốt của cuộc xung đột, qua đó thúc giục Ukraine hành động để thay đổi một cách quyết định cục diện cuộc chiến.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Tờ The Washington Post ngày 14-2 đưa tin các quan chức Mỹ đã nói với giới lãnh đạo Ukraine rằng họ đang đối mặt với thời khắc then chốt để thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine sắp tròn một năm diễn ra.

Điều này làm gia tăng áp lực lên Kiev để đạt được những thành tựu đáng kể trên chiến trường trong lúc nguồn vũ khí và viện trợ từ Mỹ và các nước đồng minh đang gia tăng.

Binh sĩ Ukraine bắn súng phòng không về phía Nga tại khu vực tiền tuyến ở Bakhmut hôm 15-1. Ảnh: Oleksandr Ratushniak/REUTERS

Binh sĩ Ukraine bắn súng phòng không về phía Nga tại khu vực tiền tuyến ở Bakhmut hôm 15-1. Ảnh: Oleksandr Ratushniak/REUTERS

Đằng sau việc Mỹ thúc giục Ukraine thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến

Mặc dù cam kết ủng hộ Ukraine “cho tới chừng nào còn có thể", các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh các gói viện trợ gần đây là cơ hội tốt nhất để Kiev thay đổi một cách quyết định cục diện cuộc chiến.

Hiện nay nhiều nhân vật bảo thủ ở Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã tuyên bố rút lại sự ủng hộ đối với Ukraine, trong khi những cam kết của châu Âu hỗ trợ lâu dài Kiev vẫn chưa rõ ràng. Dù một số quan chức nói rằng có sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng về mọi gói hỗ trợ Ukraine, song thừa nhận điều đó vượt quá khả năng kiểm soát của đảng Dân chủ ở cả hai viện tại quốc hội.

“Chúng tôi cố gắng giúp [các nhà lãnh đạo Ukraine] hiểu rằng chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì hay mọi thứ mãi được” - một quan chức cấp cao Mỹ nói với The Washington Post, đồng thời lưu ý "quan điểm mạnh mẽ” của chính quyền hiện nay là khó có thể tiếp tục nhận được mức hỗ trợ kinh tế và an ninh như cũ từ quốc hội.

Dù vậy, một quan chức cấp cao cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục thúc đẩy quốc hội thông qua các khoản hỗ trợ mà họ tin rằng Ukraine đang cần.

Theo The Washington Post, chính quyền ông Biden đang làm việc với quốc hội để thông qua khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp trị giá 10 tỉ USD cho Kiev và dự kiến sẽ công bố một gói hỗ trợ quân sự lớn khác trong tuần tới. Nhà Trắng cũng dự kiến áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Điện Kremlin.

Bên cạnh đó, việc Mỹ chuẩn bị gửi 32 xe tăng M1 Abrams và châu Âu đang khẩn trương tập hợp 2 tiểu đoàn xe tăng Leopard (tương đương khoảng 70 xe tăng) để gửi cho Ukraine có thể được xem là động thái giúp Kiev thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh trên chiến trường.

Binh sĩ Ukraine bắn pháo tự hành 2S7 Pion về phía Nga tại khu vực tiền tuyến ở gần Bakhmut hôm 24-1. Ảnh: Oleksandr Ratushniak/REUTERS

Binh sĩ Ukraine bắn pháo tự hành 2S7 Pion về phía Nga tại khu vực tiền tuyến ở gần Bakhmut hôm 24-1. Ảnh: Oleksandr Ratushniak/REUTERS

Mỹ liên tục phát tín hiệu

Trong những tháng vừa qua, chiến sự Nga-Ukraine rơi vào tình thế bế tắc ở miền đông Ukraine khi không bên nào đạt được bước tiến đáng kể. Giới chức Mỹ nhận định thời điểm then chốt quyết định sẽ đến vào mùa xuân này khi Moscow dự kiến sẽ tăng cường tấn công quy mô và Kiev tiến hành phản công trở lại nhằm giành lại quyền kiểm soát những khu vực đã đánh mất.

Nhận thấy tầm quan trọng của thời điểm hiện nay, Mỹ sẽ có hàng loạt chuyến thăm cấp cao tới châu Âu trong thời gian tới. Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas sẽ tới Đức tham dự một hội nghị thượng đỉnh về an ninh trong tuần này. Ông Biden cũng dự kiến thăm Ba Lan vào tuần tới.

Trước đó, vào giữa tháng 1, các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden, bao gồm Phó Cố vấn an ninh quốc gia Jon Finer, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl phụ trách các vấn đề về chính sách, tới Ukraine và nhấn mạnh một cách thẳng thắn với lãnh đạo Ukraine về bản chất quan trọng trong vài tháng tới của cuộc xung đột.

Một tuần trước chuyến thăm của phái đoàn Mỹ trên, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns đã tới Ukraine nhằm chuyển cho Tổng thống Zelensky những đánh giá của Washington về kế hoạch sắp tới của Nga cũng như nhấn mạnh về tính cấp bách của thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, ông Biden cùng với các trợ lý cũng mong muốn tránh bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự thay đổi hoặc quyết tâm suy yếu của phương Tây trước ngày kỷ niệm tròn một năm chiến sự Nga-Ukraine, nhằm gửi đến Moscow tín hiệu rằng mức độ ủng hộ dành cho Ukraine sẽ không suy giảm.

Vẫn còn nhiều tranh cãi, lo ngại

Bất chấp đánh giá của Mỹ về thời điểm then chốt của cuộc chiến cũng như thúc giục Ukraine hành động để thay đổi cục diện, các nhà phân tích nhận định cả Nga và Ukraine đều khó có khả năng giành được lợi thế quân sự quyết định trong thời gian tới.

Ngoài ra, những tranh cãi liên quan tới cách thức Ukraine nên tập trung các nguồn lực vào những tháng tới vẫn đang âm ỉ. Một cuộc trao đổi thẳng thắn như vậy đã diễn ra tại Kiev hồi tháng trước, phản ánh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden trong việc đưa các mục tiêu của Ukraine phù hợp với khả năng của phương Tây khi cuộc chiến đã gần tròn một năm.

Nhiều chuyên gia nhận định cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới sẽ vô cùng ác liệt. Ảnh: Clodagh Kilcoyne/REUTERS

Nhiều chuyên gia nhận định cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới sẽ vô cùng ác liệt. Ảnh: Clodagh Kilcoyne/REUTERS

Đơn cử, các nhà phân tích và hoạch định quân sự Mỹ cho rằng việc đồng thời bảo vệ TP Bakhmut, thành phố chiến lược nằm giữa tỉnh ly khai Donetsk và Luhansk và phát động một cuộc phản công mùa xuân là điều không thể đối với Ukraine.

Tuy nhiên Tổng thống Zelensky lại coi Bakhmut là một biểu tượng quan trọng đối với sức kháng cự của lực lượng Ukraine. Tuần rồi, ông Zelensky đã nhấn mạnh Kiev sẽ “chiến đấu lâu nhất có thể” để giữ lại thành phố.

Điều này khiến giới chức Mỹ lo ngại vì điều đó có thể sẽ làm tiêu hao lực lượng Ukraine và sẽ có lợi cho Moscow. Do đó, họ thúc giục Ukraine ưu tiên xác định thời điểm và thực hiện cuộc phản công mùa xuân, đặc biệt là khi các binh sĩ đang trên đường ra chiến trường sau khi tham gia đào tạo sử dụng một số loại vũ khí phức tạp tại châu Âu.

“Nhìn chung, quan điểm của chúng tôi là họ nên tận dụng thời gian để có thể hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chúng tôi” - quan chức Mỹ nói với The Washington Post. Theo người này, nếu Nga chiếm được TP Bakhmut, điều đó “sẽ không dẫn đến bất kỳ sự thay đổi chiến lược quan trọng nào trên chiến trường".

Ngoài ra, mặc chính quyền Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ chiếm lại những lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát, bao gồm bán đảo Crimea, giới chức tình báo Mỹ kết luận mục tiêu đó hiện nay vượt quá khả năng của Kiev. Châu Âu cũng lo ngại không kém vì điều đó có nghĩa xung đột Nga-Ukraine sẽ kéo dài, tạo ra gánh nặng lớn cho phương Tây khi họ vẫn đang vật lộn với lạm phát cao và khủng hoảng năng lượng.

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự nhận định có nhiều khả năng xảy ra vào những tháng tới, trong đó nhấn mạnh tình hình chiến sự sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Kế sách của Mỹ

Trước vấn đề trên, các cố vấn của ông Biden cho biết họ đang theo đuổi một đường hướng hành động tốt nhất là khuyến khích Ukraine giành lại càng nhiều lãnh thổ càng tốt trong những tháng tới trước khi ngồi xuống bàn đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đóng một phần trong nỗ lực trên là sự viện trợ của Mỹ về tên lửa Patriot, bệ phóng của Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và hàng loạt xe bọc thép.

Thế nhưng, chuyên gia Seth Jones tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nhận định: “Không rõ điều này sẽ kết thúc ra sao? Liệu nó có kết thúc với một dàn xếp bằng thương lượng. Liệu nó sẽ kéo dài và chúng ta sẽ thấy một số phiên bản của các cuộc xung đột bị đóng băng giống như chúng ta đã chứng kiến ở những nơi khác".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm