Tại cuộc họp báo ở Genève (Thụy Sĩ) ngày 13-8 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan đánh giá sốt xuất huyết Ebola là dịch bệnh chưa có tiền lệ về quy mô, mức độ nghiêm trọng, phức tạp và có nhân viên y tế bị nhiễm và tử vong nhiều nhất.
Theo báo Times of India (Ấn Độ), bà Margaret Chan ghi nhận dịch Ebola có thể trở thành khủng hoảng nhân đạo. Bà cho biết có hơn một triệu dân ở bốn nước Tây Phi có dịch, tập trung ở biên giới Guinea, Liberia và Sierra Leone. Bà đề nghị cần phong tỏa các điểm nóng, đồng thời cảnh báo tất cả thành phố có sân bay quốc tế đều có rủi ro nhập khẩu Ebola. Bà đã kêu gọi quốc tế tăng cường hỗ trợ cho châu Phi.
Tại Liberia ngày 13-8, ba liều huyết thanh ZMapp từ Mỹ đã đến Liberia. Thuốc được chuyển đến bệnh viện điều trị cho hai bác sĩ nhiễm Ebola. Tại Guinea, Tổng thống Alpha Condé đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế từ ngày 13-8.
Trong khi đó ở lãnh thổ Đài Loan, kênh truyền hình CAN (Singapore) đưa tin Đài Loan đã tổ chức diễn tập y tế về phát hiện người nhiễm Ebola tại sân bay quốc tế Đào Viên. Đài Loan nhận định rủi ro Ebola không cao vì mỗi năm Đài Loan chỉ đón 1.200 khách đến từ Tây Phi, dù vậy không thể chủ quan.
“Trước đây, khi xuất hiện bệnh dịch lây nhiễm đã từng xảy ra tình trạng bệnh nhân trốn khỏi khu vực cách ly. Do vậy trong hoạt động phòng, chống dịch Ebola thì khu vực cách ly cần được theo dõi cẩn thận, đề phòng bệnh nhân trốn ra ngoài, lây bệnh cho cộng đồng” - BS Lâm Minh Yến, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, khuyến cáo như trên tại hội nghị tập huấn phòng, chống dịch bệnh Ebola cho các tỉnh phía Nam được Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM ngày 14-8.
Cũng trong buổi tập huấn, Bộ Y tế phối hợp Viện Pasteur TP.HCM tổ chức diễn tập khử khuẩn ổ dịch Ebola. Trong tình huống giả định có ổ dịch Ebola, trước khi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để cách ly và điều trị thì phải chuyển bệnh nhân vào nhà khử khuẩn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế làm vệ sinh và thay quần áo sạch.
ĐĂNG KHOA - TRẦN NGỌC